Chiều 24/9, trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động và các đại biểu dự Đại hội về chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực canh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.
Đề cập đến mạng xã hội, ĐB Phạm Quân Ca - Công nhân Công ty TNHH sản xuất phanh Nissin Việt Nam đặt vấn đề về giải pháp của Chính phủ trong việc ngăn chặn tình trạng thông tin không chính xác, bịa đặt và những lời kêu gọi trái pháp luật đối với công nhân tràn lan trên mạng xã hội như trong thời gian vừa qua.
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) cho rằng, mạng xã hội là một chủ đề rất nóng, trong đó có những thông tin sai lệch, thông tin giả. Đặc biệt tình trạng, nhiều người tham gia mạng xã hội không chính danh. Do đó, về mặt quản lý nhà nước, đã hoàn thiện khung pháp lý, cũng như làm việc với các công ty cung ứng dịch vụ để làm sao những người tham gia mạng xã hội phải chính danh.
Bên cạnh đó, ông Hùng nhấn mạnh yêu cầu cần xử lý nghiêm những sai phạm trên không gian mạng. “Cư dân mạng như một môi trường, nếu thông tin tốt nhiều thì thông tin xấu sẽ ít đi. Công đoàn nên chủ động đưa ra những thông tin chính thống. Mỗi khu công nghiệp nên có một fanpage để đưa thông tin chính thống của công đoàn lên. Hiện Bộ TTTT đang làm việc với Công đoàn Việt Nam để xây dựng fanpage ở từng khu công nghiệp”, ông Hùng cho biết.
Một vấn đề nữa cũng được ông Hùng đưa ra là việc đào tạo và nâng cao nhận thức để mọi người hiểu mạng xã hội. “Chúng ta đã có kinh nghiệm hàng nghìn năm trong thế giới thực, nhưng trong thế giới ảo thì chúng ta rất mới. Ví dụ, trước đây chúng ta sử dụng thông tin chính thống là nhiều. Thông tin chính thống thì được xác thực, còn thông tin trên mạng xã hội thiếu tính xác thực. Vì vậy, mỗi cá nhân cần có bộ lọc của riêng mình”, ông Hùng nhắn nhủ.
Cũng theo Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT , đồng thời cho rằng cần phải có một trung tâm quốc gia về an toàn thông tin. “Hiện nay Thủ tướng đã giao cho Bộ TTTT triển khai bước đầu để chúng ta có thể giám sát, đánh giá thông tin sai lệch, độc hại trên không gian mạng; sử dụng các biện pháp kỹ thuật, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và ngoài nước ngăn chặn thông tin xấu, để làm không gian mạng của chúng ta lành mạnh hơn”, ông Hùng cho biết.