Chuyện ly kỳ về rắn khổng lồ nặng 300 - 400 kg

Chuyện ly kỳ về rắn khổng lồ nặng 300 - 400 kg
Nhiều huyền thoại về loài rắn ở Bảy Núi (An Giang) được truyền qua nhiều thế hệ. Từ một số chuyện có thật, dân gian thêm thắt cho ly kỳ để câu chuyện trở nên huyền bí. Xưa nay, cái hư và cái thực cứ lẫn lộn khiến nhiều người nửa tin nửa ngờ.

Nhiều huyền thoại về loài rắn ở Bảy Núi (An Giang) được truyền qua nhiều thế hệ. Từ một số chuyện có thật, dân gian thêm thắt cho ly kỳ để câu chuyện trở nên huyền bí. Xưa nay, cái hư và cái thực cứ lẫn lộn khiến nhiều người nửa tin nửa ngờ.

Con rắn hổ mây bị ông Tư Đậu bắn trọng thương lớn gấp đôi con trăn này.
Con rắn hổ mây bị ông Tư Đậu bắn trọng thương lớn gấp đôi con trăn này.

Người dân sóc Tà Đéc, xã An Hảo (Tịnh Biên, An Giang) còn lưu truyền câu chuyện kể về cặp rắn khổng lồ bò từ núi Bà Đội Om sang núi Cấm.

Câu chuyện trên xuất hiện cách nay cũng trên 40 năm. Nhiều vị cao niên cho rằng đó chỉ là chuyện đồn chứ rắn thật ở Bảy Núi từ thập niên 60 của thế kỷ trước đến giờ chỉ thấy con nặng 100 kg đổ lại là to lắm rồi. Chẳng có ai bắt được rắn bằng khạp da bò (lu tráng men đường kính to cỡ năm, sáu tấc), cây thốt nốt như lời truyền.

Chuyện rắn chặn đầu xe khách

Sư Chánh Minh, 79 tuổi, đang tu tại chùa Long Định thuộc xã Châu Lăng (Tri Tôn) kể: Khoảng năm 1960, ông hay đi lấy thuốc Nam ở vùng Thất Sơn. Khi đó, ông lui tới vùng núi Cấm hái thuốc, rồi tập kết xuống chân núi. Khoảng năm 1968, sư nghe kể có người từng gặp cặp rắn khổng lồ, to bằng cây thốt nốt già, nặng chừng 300 - 400 kg, bò chắn ngang tỉnh lộ 948, từ núi Bà Đội Om sang núi Cấm, chặn đầu một chiếc xe khách.

Người ta không nhớ rõ là chiếc xe khách nào chạy tuyến đường này vào thời đó. Xe Tân Thành, Công Tạo hay An Giang, Tam Hữu gì đó. Khoảng nửa khuya thì chiếc xe khách xuất bến chợ Xà Tón (chợ Tri Tôn ngày nay). Khi đến khu vực núi Bà Đội Om gặp phải một vật đen sì như cây thốt nốt ngã vắt ngang lộ. Dân đi xe ai nấy run lập cập vì nghĩ bị sơn tặc dùng cây chặn đầu xe để cướp của.

Chiếc xe giảm tốc độ, pha đèn thì thấy có ánh sáng phản chiếu. Nhìn kỹ mới rõ ra là một cặp rắn to kinh khủng, chúng từ từ bò ngang lộ nhưng do thân hình dài quá cỡ nên cứ như nằm y một chỗ. Tài xế bóp còi inh ỏi mới thấy cái đuôi rắn rút khỏi mặt lộ vào rừng. Nhiều người trên xe sợ muốn rớt tim. Sáng hôm đó, tin đồn lan khắp Bảy Núi.

“Năm đó, tôi khoảng 22 tuổi, được ba tôi dắt đi coi dấu rắn bò. Đến hiện trường còn thấy rõ cỏ trên đường 948 bị đè bẹp, bề ngang độ chừng hai chiếc xuồng ba lá kéo lướt. Thời ấy đường Xà Tón đi Nhà Bàn là đường đất, do Pháp mở để lại chứ chưa trải nhựa như bây giờ. Do vậy, dấu vết để lại rất dễ nhận biết. Mình chỉ thấy vậy thôi chứ sau đó chưa nghe ai gặp thêm lần nào nữa” - ông Nguyễn Văn Tùng (Ba Tùng) nhà trên ấp Vồ Bà, xã An Hảo (Tịnh Biên) kể.

Sư Chánh Minh nói, mình không biết chuyện đó có thật hay không vì chỉ nghe kể lại. Còn ông Ba Tùng cho rằng, rắn lớn cỡ đó bản thân ông sống nơi núi rừng ngót 40 năm cũng chưa từng chứng kiến.

Kỷ vật một thời đi săn là cái sọ mễn của ông Huê
Kỷ vật một thời đi săn là cái sọ mễn của ông Huê.

Đồn đại chuyện rắn thần để giữ yên chốn tu hành?

Ông Ba Tùng cho biết, dù mình có gặp dấu vết khá giống dấu rắn bò nhưng đó là chuyện khó tin. Bởi chắc chắn từ đó đến nay cặp rắn phải di chuyển để kiếm ăn, thế nào cũng có người gặp lại.

Còn ông Hai Sở nhà dưới chân núi Cấm, là lơ cho nhà xe Tân Thành chạy tuyến Xà Tón-Châu Đốc vào những năm 1968 thì khẳng định: Chưa hề nghe thấy chuyện này. “Nếu tài xế xe khách khác có gặp rắn thì họ cũng kể tôi nghe. Tuy nhiên, sau đó ở Bảy Núi có xuất hiện chuyện đồn đại như kể trên” - ông Sở nói.

Sư Chánh Minh phân tích: Nếu đúng là có người gặp rắn thật thì phải là con người cụ thể, tên họ là gì, ở đâu. Mọi chuyện trôi theo thời gian và câu chuyện cứ thế mà đồn. Tôi nghĩ những năm đó trên núi Cấm có một số vị đạo sĩ ẩn tu nên truyền ra những câu chuyện như vậy nhằm ngăn dòng người di cư lên núi Cấm, làm xáo động sự yên tĩnh của các vị. Có thể vì thế mà đẻ ra câu chuyện cặp rắn sang núi Cấm rồi trú luôn ở đó. Người dân khi nghe chuyện vì sợ rắn ăn thịt nên không dám đến vùng núi Cấm.

Có người còn kể rằng, cặp rắn ấy xuất phát từ điện Cây Quế của núi Cấm sang núi Bà Đội Om. Họ đồn ở điện Cây Quế có nhiều hang sâu nên rắn thần ngụ ở đó. Ngày trước, tại khu vực này có một cây quế khâu cổ thụ tỏa mùi thơm bát ngát cả núi rừng nên cọp, rắn quây quần giữ cây. Lâu lâu ở các chùa chiền trên núi Cấm tổ chức cúng bái, lễ lộc gì thì có một giai nhân đẹp tuyệt trần xuất hiện.

Cô gái mặt xinh như hoa, da trắng như bông bưởi, từ cây quế đi xuống chùa dự tiệc. Tiệc tàn, một mình cô gái băng rừng ngược lên điện Cây Quế rồi mất dạng. Dân chúng cho rằng, cô gái ấy là con rắn cái trong cặp rắn thần hóa thân xuống trần.

Núi Cấm - nơi dân gian đồn có cặp rắn thần từ núi Bà Đội Om bò sang ở ẩn
Núi Cấm - nơi dân gian đồn có cặp rắn thần từ núi Bà Đội Om bò sang ở ẩn.

Những chuyến săn ly kỳ

Ông Nguyễn Văn Đậu (Tư Đậu) nhà ở ấp Rau Tần (xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) kể về kỷ niệm một thời tung hoành rừng núi để săn thú.

Lần nọ, Tư Đậu đi săn cùng hai người trong xóm, đi một đoạn đến cánh rừng gần khu vực thánh thất Cao Đài (ấp Vồ Bà) thì gặp bầy khỉ khoảng 500 con. Ba người liền giương súng định bắn hạ mấy chú khỉ lấy mật và thận bán, chia vài con cho bạn bè chiến hữu nhậu chơi thì phát hiện chó săn sủa dữ dội dưới vực sâu. Lấy làm lạ, Tư Đậu đứng trên một mỏm đá cao nhìn xuống và bất giác thấy con rắn hổ mây nằm khoanh tròn một đống, đầu ngóc lên. Ông Đậu liền ra hiệu cho hai người đi cùng thu súng, quẩy lên vai và dùng hết sức bò càng ngược dốc đá tìm đường tẩu thoát.

“Con rắn bự cỡ cái cột nhà, dài chừng 6 m, đuôi nhọn thon và nặng khoảng 60 kg. Rắn lớn cỡ đó đạn bắn vào chắc gì hạ được nên bọn tôi bèn rút chạy. Thấy động, con rắn tức tốc cuốn phăng leo lên tận đọt cây. Trên mấy ngọn cây cao vọi, hổ mây lướt như đi mây về gió. Nó chuyền hết ngọn cây này sang đọt cây khác, gió lộng ù ù khiến bầy khỉ sợ sệt kêu vang, inh ỏi khắp núi rừng” - Tư Đậu kể.

Ông Nguyễn Trung Huê nhà ở ấp Thiên Tuế, xã An Hảo cho hay đời thợ săn ông cũng vào sinh ra tử vì đối mặt với rắn. Cũng bởi mê nghiệp săn thú rừng mà ông Huê bị kỷ luật vì cho bạn mượn súng đi săn khi còn làm việc.

Thời ấy, ông Huê chủ yếu săn khỉ lấy mật và thận bán kiếm sống. Mật khỉ năm 1976 bán được 3.000 đồng/cái, còn thận khỉ đột bán với giá 7.000 đồng/cái. Ở thời điểm đó, với mức thu nhập này ông Huê nuôi sống cả gia đình.

“Thợ săn thì chẳng ngại con thú nào. Vậy mà tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn phải ớn khu vực điện Cây Quế, hễ dẫn chó săn đi ngang đó là bị “nướng”. Nhiều lần như vậy chúng tôi mới phát hiện có rắn ở đó. Một hôm, đoàn săn đi ngang điện Cây Quế thì một con chó săn bị cắn lôi vào rừng kêu ăng ẳng. Tôi chạy theo tiếng kêu của con chó mới thấy một con nưa chín lỗ mũi (còn gọi là trăn gấm) đang quấn chặt con chó. Giương súng bắn nhiều phát mới hạ được con nưa, cứu sống con chó” - ông Huê hào hứng kể.

Kỷ vật còn lại một thời đi săn của ông Huê là cái sọ mễn. “Năm đó tôi bắn được con mễn (cùng loài với nai, hươu, giống như con bê con) nặng khoảng 30 kg, thấy cặp sừng ngồ ngộ nên giữ lại cái sọ dính hai cái sừng làm kỷ niệm. Rắn lớn cũng có nhưng thường trú ngụ trong rừng già, ở hang hoặc lò ảng mà con người khó bén mảng tới” - ông Huê cho hay.

Theo kinh nghiệm của ông Ba Tùng (Nguyễn Văn Tùng, nhà dưới chân chùa Phật Nhỏ thuộc ấp Vồ Bà, xã An Hảo) thì rắn lớn quá trăm ký ở Bảy Núi hiện không còn. Suốt những năm đi săn ông chỉ chứng kiến một vài lần rắn lớn độ bằng cột nhà, chừng 40-50 kg.

“Rắn núi Cấm còn nhiều vô kể. Rắn tự nhiên và rắn do ngành kiểm lâm bắt được từ buôn lậu thả vào núi cũng nhiều. Sóc đỏ, chồn hương, gà rừng… thỉnh thoảng dân cũng bắt được. Mấy loài này còn thì rắn còn. Nhưng thường những con lớn bằng khạp da bò là nưa hoặc trăn. Hai năm trước một người làm vườn gần đất tôi cũng gặp con nưa nặng chừng 300 kg” - ông Tùng khẳng định.

Theo Vĩnh Sơn
Pháp Luật TPHCM

MỚI - NÓNG