Chính phủ đề xuất bố trí vốn 15.478,22 tỷ đồng cho 293 dự án mới

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh Như Ý
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh Như Ý
TPO - Theo Uỷ ban Tài chính  Ngân sách, việc bố trí 15.478,22 tỷ đồng cho 293 dự án mới chưa có trong danh mục là chưa hợp lý vì với mức vốn thấp so với tổng mức đầu tư, dễ dẫn đến dàn trải, gây áp lực đến việc cân đối nguồn lực giai đoạn sau.

Kiến nghị bố trí 4.069 tỷ đồng cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Sáng 29/5, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo tóm tắt tờ trình về việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; bổ sung danh mục dự án mới từ nguồn điều chỉnh nội bộ và dự phòng 10% tại bộ, ngành, địa phương và một số nội dung liên quanđến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Theo Bộ trưởng, trên cơ sở đánh giá giữa kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, tổng số vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương được giao hằng năm trong cả giai đoạn để thực hiện và giải ngân ước đạt 964,95 nghìn tỷ đồng, bằng 86,16% tổng số vốn ngân sách trung ương dự kiến trong kế hoạch trung hạn (1 triệu 120 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả dự phòng chung).

Để giải quyết phần thiếu hụt (155,05 nghìn tỷ đồng), Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thu ngân sách; chủ động rà soát, sắp xếp, điều chỉnh hợp lý kế hoạch trung hạn, hằng năm và tiến độ thực hiện các dự án của đơn vị mình; ưu tiên bổ sung cho đầu tư từ các nguồn dự phòng NSTW hằng năm, tăng thu, tiết kiệm chi (nếu có)... để thực hiện.

Về việc thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 4.069 tỷ đồng từ nguồn 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng, phương án này là khả thi, thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương, phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội và nhằm triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về Đề án Tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Do vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định, cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng từ khoản 10.000 tỷ đồng để bố trí cho dự án nêu trên của Bộ Giao thông vận tải.

Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, theo quy định tại khoản 2 điều 46 Luật Tổ chức Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, đề nghị Chính phủ thực hiện theo đúng nội dung Kết luận Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Tài chính ngân sách đang thực hiện rà soát, dự thảo Nghị quyết để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Bổ sung vốn hơn 15 nghìn tỷ đồng

Về một số nội dung báo cáo Quốc hội liên quan đến danh mục dự án mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, thực hiện ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 33, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, cho phép bổ sung các dự án mới sử dụng nguồn vốn từ điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn và dự phòng 10% tại các bộ, ngành, địa phương vào danh mục dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; điều chỉnh, thay tên một số dự án của Thành phố Đà Nẵng và Văn phòng Trung ương Đảng; bổ sung kế hoạch và dự toán ngân sách trung ương năm 2019 vốn viện trợ không hoàn lại cho dự án hỗ trợ kỹ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở tổng hợp, xây dựng phương án cân đối, dự kiến phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong nước còn lại, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị giao Chính phủ: Thông báo danh mục dự án và số vốn dự kiến bố trí cho từng dự án cho các bộ, ngành, địa phương có liên quan để có căn cứ triển khai các thủ tục đầu tư của chương trình, dự án theo quy định, nhất là thủ tục thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn để quyết định chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh quyết định đầu tư dự án; khẩn trương tổng hợp, giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với các dự án đúng quy định.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kiến nghị cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng từ nguồn 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn vốn các dự án quan trọng quốc gia để thanh toán nợ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Bộ Giao thông vận tải.

Liên quan đến Tờ trình số 111/TTr-CP, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị: Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án của các bộ, ngành và địa phương với tổng số vốn là 15.487,22 tỷ đồng; bố trí 391,372 tỷ đồng từ nguồn dự phòng 10% vốn ngân sách trung ương tại địa phương để bố trí, hoàn thành dứt điểm các dự án thuộc Chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn.

Bổ sung tiểu dự án “Đê Tiểu dự án Nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng” thay cho Tiểu dự án 1 “Đê kè Mân Quang (đoạn nối tiếp Đê, kè Bạch Đằng Đông)” của thành phố Đà Nẵng và thay tên dự án đầu tư xây dựng nhà làm việc của Ban Tổ chức Trung ương thành Dự án đầu tư xây dựng nhà làm việc của Ban Tuyên giáo Trung ương của Văn phòng Trung ương Đảng.

Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng 10% vốn nước ngoài đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho tỉnh Lạng Sơn 19,43 tỷ đồng để thực hiện dự án Dự án Chuẩn bị Dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh vùng Đông Bắc (gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn); tỉnh Hà Tĩnh 15,697 tỷ đồng để thực hiện dự án Chuẩn bị dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh; tỉnh Thừa Thiên- Huế 48,96 tỷ đồng để thực hiện dự án Cải thiện Dịch vụ Y tế tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019: 19,279 tỷ đồng dự toán thu và chi đầu tư phát triển từ nguồn viện trợ không hoàn lại của ABD để đầu tư hỗ trợ kỹ thuật dự án “Hiệu quả năng lượng cho cấp nước thành phố Hồ Chí Minh”.

Theo Cơ quan thẩm tra, việc bố trí 15.478,22 tỷ đồng cho 293 dự án mới chưa có trong danh mục là chưa hợp lý vì với mức vốn thấp so với tổng mức đầu tư(trung bình khoảng 52,8 tỷ đồng/dự án), dễ dẫn đến dàn trải, gây áp lực đến việc cân đối nguồn lực giai đoạn sau. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát, bố trí kế hoạch vốn hợp lý, tránh dàn trải.

MỚI - NÓNG