Chính phủ đề nghị chưa tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức từ 1/7/2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại Quốc hội
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại Quốc hội
TPO - Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Trong khó khăn, vẫn có những điểm sáng về kinh tế

Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong khi nhiều quốc gia phát triển, có nền y tế hiện đại vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch thì hơn một tháng qua, tại Việt Namchưa có trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo Thủ tướng, để đạt được kết quả quan trọng này là do Việt Nam đã sớm nhận thức đúng, có đối sách phù hợp, kịp thời, tập trung chỉ đạo liên tục, hành động quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả.

“Kết quả này thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc. Qua đó góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và khẳng định tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của hệ thống chính trị nước ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính phủ đề nghị chưa tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức từ 1/7/2020 ảnh 1 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đại diệu tại phiên khai mạc kỳ họp QH

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, đại dịch COVID-19 đã tác động rất mạnh đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như: dệt may, da giầy, chế biến gỗ, thủy sản... sụt giảm mạnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn ở tất cả các loại hình, quy mô doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Dù vậy, Thủ tướng khẳng định “vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế”, nhất là duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội sau dịch.

 Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I vẫn đạt 3,82%, thuộc nhóm cao trong khu vực và trên thế giới. Nhiều địa phương vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao. Việt Nam vẫn duy trì sản xuất kinh doanh, không để rơi vào suy thoái; trong khi hầu hết các nước, đối tác lớn đều tăng trưởng âm.

Tránh để doanh nghiệp trong nước bị thâu tóm, sáp nhập

Về mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh “đây là thách thức lớn và khó đạt được”. Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế, xã hội và dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách Nhà nước, bội chi, nợ công.

Chính phủ đề nghị chưa tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức từ 1/7/2020 ảnh 2 Khai mạc kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV

Để phục hồi và phát triển, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới. Theo đó, cho phép chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn NSNN, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả.

Miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Về giải pháp phát triển, Thủ tướng cho biết sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia gắn với chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, Thủ tướng cho biết, sẽ có biện pháp phù hợp để tránh tình trạng doanh nghiệp trong nước bị lợi dụng thâu tóm, sáp nhập.

MỚI - NÓNG