Giới thiệu tổng quan dự thảo đề án, ông Dương Thế Dũng – Phó Giám đốc Sở TT&TT Cần Thơ cho biết thành phố sẽ xin ý kiến đóng góp của các chuyên gia để hoàn thiện và sẽ khởi động đề án từ tháng 6 năm nay. Đề án xây dựng tầm nhìn phát triển TP.Cần Thơ trên nền tảng người dân làm trung tâm đô thị; nâng cao chất lượng cuộc sống, quản trị đô thị hiện đại; phát triển đô thị thịnh vượng, bền vững.
Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho rằng 10 năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa của Cần Thơ diễn ra nhanh, kết cấu hạ tầng đô thị dần được đầu tư đồng bộ, tạo những điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa bộc lộ nhiều bất cập ảnh hưởng đến đời sống nhân dân (tình trạng ngập nghẹt; ô nhiễm môi trường; ùn tắc giao thông; công tác quản lý dân cư như đảm bảo các dịch vụ thiết yếu về nhà ở, y tế, giáo dục, điện nước... vẫn còn nhiều hạn chế).
Một góc TP.Cần Thơ
Theo ông Thống, xây dựng đô thị thông minh là một lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Việc nghiên cứu, triển khai mô hình quản lý và phát triển đô thị theo hướng thông minh hơn không chỉ có ý nghĩa cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển bền vững của TP.Cần Thơ.
Theo đề án đô thị thông minh của Cần Thơ có 4 mục tiêu tổng quát: chất lượng môi trường sống và làm việc của người dân được nâng cao; tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý đô thị; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện đề án, giai đoạn 2018 - 2025 sẽ có 57 dự án nhiệm vụ, trong đó có 4 dự án đầu tư hoàn toàn từ ngân sách, còn lại chủ yếu thực hiện theo hình thức PPP, thuê dịch vụ. Giai đoạn 2018 - 2020 sẽ thiết lập nền tảng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và cơ sở dữ liệu nhóm ngành, lĩnh vực dùng chung cho đô thị thông minh.