Là đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nhưng cư trú ở Thanh Hóa, ông đánh giá thế nào về việc sắp thu phí cho tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa tại Bỉm Sơn?
Khi trạm thu phí Bỉm Sơn dừng thu phí (tháng 8/2017 - PV), tôi đã chất vấn trực tiếp Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể và có văn bản đề nghị Bộ GTVT dỡ bỏ trạm thu phí này nhưng Bộ GTVT chưa trả lời rõ ràng. Lúc đó, Bộ GTVT cho rằng, chưa thể phá bỏ trạm này, vì dự án chưa được quyết toán. Nhưng nay, như Tiền Phong phản ánh, tôi đã biết, Bộ GTVT giữ trạm này để chuẩn bị thu phí cho tuyến tránh phía Tây. Như vậy, trước đây, họ chưa trả lời đầy đủ, thẳng vào vấn đề.
Theo tôi, trạm thu phí tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa đặt tại Bỉm Sơn là không đúng nguyên tắc, ai sử dụng đường BOT mới phải trả phí, như thế nghĩa là trạm đặt sai vị trí. Tại Bỉm Sơn, có nhà máy xi măng, rất nhiều xe tải từ các tỉnh thành về đó, họ không đi qua tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa nhưng vẫn phải trả phí là vô lý.
Về BOT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết về việc này và yêu cầu phải thu phí đúng tuyến đường mới đầu tư và người dân có quyền lựa chọn. Nhưng việc thu phí của dự án này như vậy là không đúng. Dù dự án này ký hợp đồng trước khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhưng ai đó nói nghị quyết này chỉ điều chỉnh các dự án sau khi nghị quyết này ban hành là không đúng.
Trạm thu phí Bỉm Sơn đã có dấu hiệu mập mờ khoản thu phí, thời gian thu phí. Cụ thể, Tổng cục Đường bộ đã kết luận dự án đã đủ thời gian hoàn vốn trước thời hạn ký trong hợp đồng rất sớm. Vì vậy, nay lại tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa cũng thu phí tại đây nên cần thanh kiểm tra, trước khi tính đến thu phí.
Tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa có mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng, được thực hiện do các bên ký phụ lục hợp đồng, “nối dài” dự án tuyến tránh phía Đông TP Thanh Hóa, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Được biết, dự án BOT tuyến tránh TP Thanh Hóa ban đầu chỉ có tuyến phía Đông. Dự án tuyến tránh phía Tây bổ sung sau này. Việc này ký phụ lục, kéo dài dự án cần được làm rõ.
Không chỉ dự án này, tôi được biết, nhiều dự án cũng được kéo dài tương tự. Chẳng hạn, dự án cao tốc BOT Bắc Giang - Lạng Sơn ban đầu chỉ thực hiện từ Bắc Giang đến Chi Lăng (Lạng Sơn). Nhưng sau đó, nhà đầu tư lại đề xuất kéo dài tự án từ Chi Lăng đến Hữu Nghị (dài 43 km với mức đầu tư lên đến hơn 56.000 tỷ đồng - PV) và được chỉ định thầu là lách luật. Tôi đề nghị chấm dứt và xem xét lại các dự án “nối dài” kiểu này.
Theo ông, Bộ GTVT cần xử lý vấn đề ở BOT tuyến tránh TP Thanh Hóa như thế nào?
Dù Bộ GTVT đã có tờ trình và được lãnh đạo Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhưng Bộ GTVT vẫn phải chịu trách nhiệm chính trong dự án này với vai trò là bộ ngành phụ trách lĩnh vực, tham mưu cho Chính phủ. Cá nhân tôi, sẽ tiếp tục làm văn bản chất vấn Bộ GTVT và Chính phủ dựa trên bài báo mà Tiền Phong đăng tải.
Cảm ơn ông!
Dự án xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh TP Thanh Hóa (tuyến tránh phía Ðông) được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, Bộ GTVT phê duyệt tháng 11/2004, chiều dài 10km, tổng mức đầu tư 476 tỷ đồng (sau điều chỉnh lên 822 tỷ đồng), sử dụng trạm thu phí Tào Xuyên để thu phí hoàn vốn.
Theo hợp đồng, nhà đầu tư được thu phí trong 30 năm 8 tháng. Từ năm 2009, dự án bắt đầu thu phí tại trạm Tào Xuyên (TP Thanh Hóa), sau đó UBND TP đề nghị di dời ra Bỉm Sơn để “tránh ùn tắc” và được Bộ Tài chính, GTVT chấp thuận năm 2011. Ðến tháng 8/2017, sau 7 năm 6 tháng thu phí, Tổng cục Ðường bộ quyết định dừng trạm thu phí vì nhà đầu tư đã thu đủ phí hoàn vốn. Năm 2014, dự án được ký phụ lục hợp đồng bổ sung tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa.