Xã hội Hà Lan chia rẽ khi chính trị gia chống Hồi giáo sắp thành thủ tướng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khi ông Geert Wilders, chính trị gia cực hữu, dân túy và chống Hồi giáo, giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan ngày 22/11, người dân sinh sống tại xứ sở hoa Tulip đã bày tỏ các quan điểm khác nhau về những tác động của sự kiện này đến cuộc sống của họ.

Tại vùng Schilderswijk, một trong những khu vực tập trung nhiều sắc tộc và tôn giáo nhất ở Hà Lan, những người theo đạo Hồi lo ngại rằng việc tự do tôn giáo sẽ bị hạn chế khi ông Wilders chính thức trở thành thủ tướng.

“Wilders sẽ muốn ngăn [những người theo đạo Hồi] đeo khăn trùm đầu khi vào các tòa nhà chính phủ hoặc phải đóng thuế. Tôi thật sự lo lắng cho họ và các thành viên trong gia đình tôi khi việc di chuyển có thể bị hạn chế”, anh Sahil Achahboun, một nhà xã hội học sinh ra tại vùng Schilderswijk cho biết.

Những người hàng xóm của anh Achahboun cũng không tin vào viễn cảnh ông Wilders sẽ trở thành “một vị thủ tướng của mọi người”, hay đại diện cho quyền lợi của họ khi đảng Vì Tự do của chính trị gia này có quan điểm chống Hồi giáo “đã ăn sâu vào ADN” của chính đảng này.

Trong tuyên bố tranh cử của mình, ông Wilders sẽ thúc đẩy việc cấm tất cả các trường học truyền bá Hồi giáo, Kinh Koran và nhà thờ Hồi giáo hoạt động, đồng thời cấm bất kỳ ai đội khăn trùm đầu vào các tòa nhà chính phủ nếu như đắc cử.

Vào năm 2009, ông Wilders từng bị cấm nhập cảnh vào Vương quốc Anh khi chính trị gia này lên kế hoạch chiếu một đoạn video chỉ trích kinh Koran là một “quyển sách của chủ nghĩa phát xít”, khiến ông trở thành mối đe dọa đối với an ninh quốc gia ở xứ sở sương mù

Trong khi đó, ở vùng ngoại ô ven biển đông đúc ở khu dân cư Duindorp (thuộc thành phố The Hague), những người dân sinh sống ở đây có những quan điểm tương đối tích cực về chính trị gia này.

Chị Janette, một người dân đang đi siêu thị ở Duindorp, nói với phóng viên rằng ngày ông Wilders đắc cử là một ngày tốt lành cho nền dân chủ của xứ sở hoa Tulip, khi chính trị gia này muốn đặt người dân Hà Lan lên ưu tiên hàng đầu và ngừng cung cấp tiền cho người dân ở các quốc gia khác khi “người dân trong nước còn không thể tự chăm sóc cho chính mình".

Một nữ nội trợ khác có tên là Anje cho biết cô hài lòng với chiến thắng của đảng Vì Tự Do trong cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan ngày 22/11, khi điều này sẽ tạo áp lực lên các chính đảng khác trong việc giải quyết các vấn đề mà cử tri quan tâm, dù cô Anje cũng không nghĩ rằng đảng của ông Wilders sẽ đem lại những thay đổi đáng kể cho cộng đồng dân cư ở đây.

Xã hội Hà Lan chia rẽ khi chính trị gia chống Hồi giáo sắp thành thủ tướng ảnh 1

Chiến thắng vang dội của ông Wilders trong cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan ngày 22/11 đã khiến cho xã hội nước này phân cực đáng kể (Ảnh: BBC).

Hiện, quá trình thành lập chính phủ của ông Wilders vẫn còn nhiều ẩn số khi đảng Nhân dân Tự do và Dân chủ (VVD) của bà Dilan Yeşilgöz-Zegerius (lãnh đạo đảng kế nhiệm thủ tướng sắp mãn nhiệm Mark Rutte) đã để ngỏ khả năng liên minh với đảng Vì Tự do của ông Wilders, sau khi chính đảng theo đường lối trung hữu này đã bác bỏ viễn cảnh trên trước đó không lâu.

Trong khi đó, đảng Tự do của bà Rob Jetten lãnh đạo khẳng định chính đảng của mình sẽ không thành lập liên minh với đảng của ông Wilders, đồng thời cáo buộc đảng VVD đã khiến cho chủ nghĩa dân túy trỗi dậy tại Hà Lan khi từ chối cùng đảng Tự do tìm giải pháp cho các bất đồng trong chính sách di cư.

Bên cạnh các chính sách chống Hồi giáo đi ngược lại với nguyên tắc của một nền dân chủ tự do, tuyên ngôn tranh cử của ông Wilders cũng đưa ra những chính sách không mấy thiện cảm với Liên minh châu Âu (EU) khi chính trị gia này lên kế hoạch chấm dứt việc áp dụng tự do di chuyển lao động trong EU, đồng thời cam kết mở cuộc trưng cầu dân ý về việc Hà Lan rời khỏi EU (Nexit),…

Theo BBC
MỚI - NÓNG