Ở góc độ nào đó, World Cup có thể ví như một “show” truyền hình thực tế, nơi các đội bóng là diễn viên và đều có phần của mình. Với FIFA và BTC thì con số thu về thực sự gây ấn tượng.
Hôm 8/6 vừa qua, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) với sự hỗ trợ từ 2 doanh nghiệp lớn đã mua thành công bản quyền truyền hình World Cup 2018 (Nga), với số tiền được cho lên tới hơn 12 triệu USD. Con số này thấp hơn so với mức giá ban đầu Infront Sports&Media (ISM) đưa ra, nhưng cũng cao hơn giá đề xuất của VTV (chỉ trên 7 triệu USD). Quá trình đàm phán diễn ra rất căng thẳng, đến mức có lúc khiến công chúng tưởng như VTV sẽ “buông”.
Trên thực tế, ngay cả khi phải mua với giá 15 triệu USD thì số tiền Việt Nam phải bỏ ra để sở hữu bản quyền World Cup 2018 vẫn rất thấp so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, thậm chí thấp nhất ở khu vực Đông Nam Á. Điều này xuất phát từ nhiều lý do, nhưng dù sao, mức giá Việt Nam phải trả vẫn có thể nói là khá rẻ. Đơn cử với dân số gần 70 triệu người, Thái Lan đã chi 44 triệu USD để mua bản quyền World Cup 2018. Số tiền này do 9 doanh nghiệp Thái Lan chung tay góp. Người hâm mộ Thái Lan được xem miễn phí toàn bộ 64 trận đấu của World Cup 2018 trên 2 kênh Amarin TV và True. Singapore, dân số chỉ 5,6 triệu người, cũng chi số tiền tới 25 triệu USD còn Malaysia, chính phủ chỉ 10 triệu USD để phát sóng miễn phí 41 trận, trong đó gồm 27 trận được truyền hình trực tiếp, có trận khai mạc, 2 trận bán kết và trận chung kết.
Trên thế giới, FOX là kênh chịu chi nhất khi bỏ ra tới 400 triệu USD để nắm bản quyền phát sóng World Cup 2018 ở Nga và 2022 (Qatar). Đứng thứ nhì chính là kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc, khi chi 156 triệu USD cho bản quyền truyền hình 2 giải đấu trên.
Từ năm 1990 trở lại đây, kinh doanh World Cup của FIFA đã “phất lên” trông thấy và tiền bản quyền truyền hình luôn chiếm tỉ lệ rất lớn trong nguồn thu của FIFA. Doanh thu bản quyền truyền thông đã vượt xa doanh số bán vé. Việc bán bản quyền truyền hình có thể theo các cách thức khác nhau, như chia dưới dạng một gói duy nhất cho một lãnh thổ hoặc theo các loại quyền và phương tiện liên quan. Thông qua một doanh nghiệp, FIFA sẽ bán bản quyền World Cup tới các nơi trên thế giới. Như với World Cup 2018, ISM là đối tác của FIFA nắm bản quyền truyền hình khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Để thấy World Cup kiếm tiền “khủng” cỡ nào thì có thể lấy ví dụ năm 2014. Business Insider cho biết ở kỳ World Cup này, FIFA đã thu hơn 2,4 tỉ USD tiền bản quyền phát sóng. Quyền tiếp thị cũng giúp FIFA “bỏ túi” thêm 1,58 tỉ USD. Cộng các khoản khác, tổng thu của FIFA trong giai đoạn 2011-2014 lên tới hơn 5,7 tỉ USD. Ngân sách 2015-2018 của FIFA là 4,9 tỉ USD thì World Cup 2018 ở Nga đã chiếm 2,15 tỉ USD.
Dĩ nhiên sau khi mua bản quyền phát sóng World Cup, các đài truyền hình những nước trên cũng rất biết cách thu hồi vốn. Và nguồn chính là từ quảng cáo. Ví dụ như World Cup 2014, kênh phát sóng World Cup tại Anh là ITV đã ra giá 500.000 USD cho 30 giây quảng cáo trong thời gian các trận đấu đang diễn ra. Đây cũng là phương thức chính của VTV tại Việt Nam. Các đài khác của Việt Nam sẽ có 2 lựa chọn để phát sóng World Cup là tiếp lại toàn bộ sóng của VTV (gồm cả quảng cáo), hoặc chấp nhận chi tiền để mua sóng sạch.
Ở một quy mô khác, World Cup cũng đem lại nguồn thu lớn cho các nước chủ nhà. Theo một báo cáo của chính phủ Nga, World Cup 2018 có thể giúp nền kinh tế Nga từ năm 2013-2023 có thêm từ 26 đến 31 tỉ USD, tạo thêm 220.000 việc làm mới.
Nhìn vào những con số trên, chắc chắn những người làm bóng đá Việt Nam không thể không ao ước, tới lúc V-League và bóng đá Việt Nam có thể tạo nên những nguồn thu đáng kể, thay vì chưa được khai thác hết tiềm năng như hiện nay.