TS. Vòng Bính Long: Nỗ lực từ những việc nhỏ nhất
“Cách đây khoảng 5 tháng, tôi dự một hội nghị quốc tế báo cáo khoa học ở Nhật. Không may trong thời gian đó, tôi bị chấn thương chân, phải phẫu thuật nối dây chằng. Ngày diễn ra báo cáo, tôi mới làm phẫu thuật được vài ngày. Với tình trạng sức khỏe bản thân vậy, tôi có thể xin vắng mặt trong buổi báo cáo đó. Nhưng tôi vẫn bước lên bục báo cáo bằng đôi nạng gỗ, có thêm một người hỗ trợ. Đông đảo những nhà khoa học quốc tế tại hội trường vô cùng ngạc nhiên. Xong bài báo cáo, tôi phải quay lại ngay bệnh viện. Thật bất ngờ, trên đường về thầy nhắn tin thông báo tôi là một trong những người báo cáo xuất sắc nhất hội nghị”, TS Vòng Bính Long- Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018, chia sẻ.
Kể lại câu chuyện trên, TS Long cho rằng, mặc dù kết quả đó không có gì quá lớn nhưng nó ghi nhận sự nỗ lực của bản thân trong mọi hoàn cảnh. “Nếu bạn luôn nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thành công sẽ đến. Những thành công nho nhỏ sẽ là tiền đề, động lực giúp bạn chinh phục được những thành công khác lớn hơn. 50% nỗ lực của mình là quan trọng nhất, đừng nghĩ đến những việc lớn lao mà hãy cố gắng hoàn thành tốt nhất từ những công việc nhỏ nhất, thành công sẽ tìm đến”, TS Long nói.
“Với tôi, thành công gồm 3 yếu tố: 25% từ điểm tựa gia đình, 25% từ sự đồng hành, đào tạo của người thầy, 50 % còn lại là sự nỗ lực của bản thân. Sự nỗ lực của bản thân đóng vai trò quan trọng nhất”, TS. Long nói thêm.
“Cô gái vàng” Olympic Sinh học quốc tế Nguyễn Phương Thảo: Không bao giờ từ bỏ mục tiêu
Đạt Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế với số điểm cao nhất thế giới nhưng ít ai biết, trước đó, Nguyễn Phương Thảo- Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018, đã có lúc bế tắc, muốn bỏ cuộc.
“Cú sốc đến với em khi đang ôn thi đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế là cái mất của bà. Bà là người truyền cảm hứng cho em yêu thích môn Sinh học, đã ra đi mãi mãi. Cảm giác thiếu thốn, trống rỗng kinh khủng, có lúc em tự hỏi bản thân: Mình còn động lực gì nữa đây? Em ngồi vào bàn nhưng không thể tập trung học... 49 ngày mất của bà, đứng trước di ảnh, em thấy mình thật có lỗi khi để bản thân rơi vào trạng thái này. Rồi em tự nhủ mình không thể buồn nữa. Nếu mình bỏ cuộc lúc này bà sẽ rất buồn. Và em đã cố gắng tặng cho bà một món quà đặc biệt hơn tấm Huy chương Bạc Olympic Sinh học quốc tế trước đó”, Thảo chia sẻ.
Chuẩn bị cho đợt thi Olympic Sinh học quốc tế lần hai, Thảo lao vào học như điên cuồng với mong muốn có thể tặng bà món quà đặc biệt nhất- tấm Huy chương Vàng. “Ngày thi lý thuyết Olympic Sinh học quốc tế, em bị tiêu chảy do không hợp đồ ăn. Suốt cả đêm trước ngày thi, em không chợp mắt, người mệt rã rời. Nhưng khi bước vào phòng thi, em dồn hết mọi tâm sức làm bài. Đó có lẽ là 6 tiếng đồng hồ tỉnh táo nhất trong cuộc đời của em từ trước đến nay. Bước ra khỏi phòng thi, thầy cô hỏi, em chỉ trả lời: Con đã làm hết sức rồi, không còn gì để hối tiếc nữa!”. Cuối cùng Thảo đã đạt Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế với số điểm cao nhất.
Với Thảo, những thành công đã đạt được giống như vừa bước qua một đỉnh của dãy núi. Khi bước qua một đỉnh núi thì phải đi xuống để tiếp tục leo lên một đỉnh núi khác. Khoảng thời gian đi xuống giúp Thảo nhìn lại để cố gắng leo lên đỉnh núi cao hơn. “Em cho rằng người thành công không phải là kiếm được rất nhiều tiền bạc mà là luôn nỗ lực không bao giờ từ bỏ những mục tiêu”, “cô gái vàng” Sinh học nói thêm.
Thượng úy Nguyễn Văn Thuận (Lữ đoàn 954 Quân chủng Hải quân): Lái máy bay khi chưa biết lái ô tô
Thượng úy Nguyễn Văn Thuận - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018, có tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã hoàn thành bay trước tiến độ tất cả các khoa mục bay trên máy bay thủy phi cơ DHC - 6 cấu hình bán lốp. Anh là phi công lái chính tất cả khoa mục giản đơn cũng như phức tạp. Anh đã bay qua 7 loại máy bay, số giờ bay hiện tại là cao nhất so với toàn thể phi công ở Phi đội 2.
Có được thành công đó là quá trình nỗ lực không biết mệt mỏi cùng với đam mê và sáng tạo của chàng trai trẻ đến từ Nam Định. Tháng 11/2011, Thuận là học viên trẻ tuổi nhất được cử đi học bay tại Canada cùng với 11 học viên khác. Theo lộ trình, mỗi học viên phải học tiếng Anh 6 tháng mới được chuyển sang đào tạo bay nhưng Thuận chỉ mất 3 tháng học ngoại ngữ đã được chuyển sang đào tạo bay. Nói về bứt phá trong học ngoại ngữ, Thuận chia sẻ: “Khi được cử sang Canada học, tôi không để phí một chút thời gian nào. Ngoài trên lớp, tôi tranh thủ học mọi khoảng thời gian trống, gặp gỡ người nước ngoài và giáo viên để trò chuyện, rèn kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ. Nhiều lúc mình nói chưa đúng, họ không hiểu nhưng cứ nói nhiều thành quen, mọi người sẽ sửa cho mình”.
Chuyến bay đầu tiên trong đời phi công của Thuận là vào khoảng tháng 2/2012, tại Canada, khi đó Thuận vẫn chưa biết lái ô tô. Trong quá trình học cho đến sau này ra thực tế, Thuận luôn đưa ra các sáng kiến, sáng tạo trong công việc để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Có lần, Thuận chở đoàn công tác tới làm việc tại đảo Trường Sa lớn, lúc máy bay chuẩn bị cất cánh về đất liền thì có một trường hợp bệnh nhân cấp cứu phải đưa vào bờ ngay để chữa trị. Máy bay toàn là ghế ngồi trong khi các bác sĩ yêu cầu bệnh nhân phải được nằm trên cáng thì mới bảo đảm an toàn trong 2 tiếng bay về bờ. Trong hoàn cảnh cấp bách đó, Thuận liền nảy ra sáng kiến…tháo bớt ghế, dồn dịch chỗ ngồi để nhường chỗ đặt cáng cho bệnh nhân. Sáng kiến được thủ trưởng đồng ý, chuyến bay về đất liền hạ cánh an toàn, tính mạng của bệnh nhân kia cũng được bảo toàn, được chuyển tới bệnh viện điều trị kịp thời.
Thượng úy Vàng Lao Lừ (Đồn Biên phòng Mường Lạn, Sơn La): Dấn thân vì lợi ích nhân dân
Thượng úy Vàng Lao Lừ - Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng 2018, từ nhỏ đã có ước mơ trở thành chiến sĩ biên phòng. Đủ tuổi, anh làm đơn tình nguyện xin nhập ngũ, rồi không ngừng phấn đấu rèn luyện để trở thành quân nhân chuyên nghiệp và trưởng thành như hiện nay. "Ước muốn trở thành bộ đội biên phòng đã thành hiện thực, nhưng phát huy được những điều đã học để mang lại ích lợi cho nhân dân, đất nước là giới hạn lớn cần vượt qua", thượng úy Lừ chia sẻ.
Quá trình công tác, Vàng Lao Lừ được đánh giá là người luôn đồng hành chăm lo bồi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ tại vùng sâu vùng xa, giúp nhân dân thay đổi tập quán canh tác nâng cao chất lượng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. “Những ngày đầu làm công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn khi nhận thức đồng bào vùng cao còn hạn chế, không ít người không nói được tiếng phổ thông, chưa biết chữ. Trực tiếp ba cùng với đồng bào, tôi nhận thấy để tháo gỡ được khó khăn này cần phải xoá mù chữ, phá rào cản bất đồng ngôn ngữ cho đồng bào. Tôi xác định là con em đồng bào dân tộc, chiến sĩ biên phòng và người trẻ càng phải có trách nhiệm tháo gỡ", thượng úy Lừ nói.
Thượng úy Vàng Lao Lừ đã tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Lạn phối hợp với chính quyền địa phương, Phòng GD&ĐT huyện Sốp Cộp khảo sát mở lớp xóa mù chữ, đồng thời anh trực tiếp đứng lớp. Vừa dạy chữ, thầy giáo Lừ kết hợp chuyển tải và hướng dẫn người dân thực hiện các cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện các mô hình kinh tế... Sau một thời gian nhận thức của người dân có chuyển biến rõ rệt, biết làm kinh tế giỏi hơn.