Theo ông Nguyễn Văn Trung (xã Buôn Choah), nhờ sản xuất lúa gạo đặc sản ST24 và ST25 (giống lúa ngon nhất thế giới), từ một xã nghèo của tỉnh Đắk Nông, nhiều hộ dân nơi đây đã đổi đời, vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, năm nay, nhiều hộ đang rất lo lắng vì lúa trổ bông nhưng hạt lép.
Lúc chúng tôi có mặt, mặt trời đã đứng bóng, nhưng trên cánh đồng còn nhiều nông dân đang bì bõm lội ruộng nhổ cỏ.
Đứng thẫn thờ nhìn thửa ruộng bắt đầu ngả màu vàng, những bông lúa chen nhau, nhưng toàn hạt lép, bà Lý Thị Lụa ở thôn 1 thở dài nói: “Gia đình tôi có 5 sào ruộng, vụ đông xuân này đều gieo cấy giống ST24. Chúng tôi vẫn chăm sóc đúng kỹ thuật và lúa phát triển bình thường, nhưng gần đến ngày lúa chín mới phát hiện toàn bộ diện tích đều bị lép, thậm chí không có hạt.
Nhìn ruộng lúa, tôi cũng chẳng muốn thu hoạch nữa. Bao nhiêu công sức gia đình bỏ ra, tiền phân bón tăng cao giờ thành công cốc cả rồi”.
Người nông dân buồn vì lúa trổ bông nhưng lép hạt |
Theo bà Lụa rất nhiều ruộng lúa khác cũng bị tình trạng như ruộng nhà bà. Ông Hoàng Văn Viện (thôn Cao Sơn) nói rằng, vụ lúa đông xuân năm nay thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh phát sinh nhiều.
“Năm nay, tôi tốn thêm tiền và nhân công để phun 4 đợt thuốc diệt sâu. Nhưng, sâu hại vẫn rất nhiều, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Vụ này, gia đình tôi thu hoạch không biết được mấy bao lúa đây. Vụ tới chưa biết lấy tiền đâu để tái sản xuất”, ông Viện nói.
Chưa tìm ra nguyên nhân
Theo bà Lụa, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, cánh đồng lúa xã Buôn Choah gặp phải tình trạng lúa lép, không trổ bông. Nông dân xã Buôn Choah chủ yếu trồng giống lúa ST24 và ST25. Đây là hai giống lúa có khả năng chống chịu với sâu, bệnh và thời tiết bất thường, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, năng suất bình quân từ 1,1-1,3 tấn/sào.
Cánh đồng Buôn Choah, xã Buôn Choah là cánh đồng sản xuất lúa nước lớn nhất tỉnh Đắk Nông với gần 700 ha. Nhiều giống lúa chất lượng cao được đưa vào sản xuất như ST24, ST25. Bình quân 1 ha thu hoạch 10 tấn lúa tươi, còn vụ đông xuân thường đạt 13 tấn lúa tươi/ha. Tháng 1/2021, UBND tỉnh Đắk Nông công nhận vùng sản xuất lúa Buôn Choah là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh.
Theo bà con nông dân, như mọi năm, vào đầu vụ, giá lúa từ 7.100 -7.200 đồng/kg lúa tươi tại ruộng. Năm nay, trước tình hình năng suất giảm mạnh, lúa lép nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và dễ bị thương lái ép giá.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch UBND xã Buôn Choah, cho biết, vụ đông xuân 2023, xã Buôn Choah là một trong những địa phương có diện tích gieo cấy lúa lớn nhất của Đắk Nông với 677ha.
“Qua rà soát, toàn bộ diện tích lúa trên địa bàn xã Buôn Choah đều giảm sản lượng. Khoảng 221ha (các thôn Ninh Giang, Thanh Sơn, Cao Sơn, Bình Giang và Buôn Choah) bị ảnh hưởng nặng, sản lượng lúa mất từ 70-80%. Có hộ nông dân mất trắng hoàn toàn.
Ngoài ra, tại thôn Buôn Choah sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dưỡng bông, diệt rầy thì xảy ra hiện tượng vàng lá với diện tích 3,2ha. Năm nay, nhiều thửa ruộng năng suất cao cũng chỉ đạt 7-8 tạ/sào Nam bộ”, bà Hạnh nói.
Theo Chủ tịch UBND xã Buôn Choah, ngày 12/4, Sở NN&PTNT Đắk Nông cùng phòng Nông nghiệp huyện và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh xuống kiểm tra cánh đồng xã Buôn Choah. Hiện chưa có kết luận cụ thể vì sao toàn bộ diện tích lúa ở xã Buôn Choah bị lép, giảm năng suất.
“Chúng tôi tiếp tục rà soát, kiểm tra những diện tích giảm năng suất, đợi kết quả xác minh nguyên nhân dẫn đến tình trạng lúa lép. Từ đó, đề xuất phương án hỗ trợ người nông dân theo quy định để ổn định sản xuất vụ tới”, bà Hạnh cho hay.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cùng đoàn công tác của tỉnh đã đi thực tế kiểm tra công tác phòng, chống hạn vụ đông xuân tại Krông Nô. Qua kiểm tra thực tế, ông Yên yêu cầu địa phương và đơn vị vận hành nước tưới chủ động máy bơm và vật tư.