Vua dế Thanh Tùng trong trang trại dế . Ảnh: Quang Minh |
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở ấp Bến Đò 2 (Tân Phú Trung, Củ Chi, TPHCM), mới học đến lớp 5, Thanh Tùng phải bỏ học. Nhà có 4 anh em, cứ đến lúc người anh học đến mức biết đọc biết viết, lại phải bỏ để lo cho các em học. Cứ như vậy, cả mấy anh em nhà Tùng không ai được học lên cấp 2.
Năm 13 tuổi, Tùng đã là chủ của đàn vịt lên đến cả ngàn con và được cả xã biết đến với biệt danh Tùng vịt. Quyết tâm thoát nghèo từ vịt, cậu bé 13 tuổi tìm đọc sách, tài liệu liên quan đến chăn nuôi vịt. Tuy nhiên, tai họa đột nhiên ập đến. Trứng gà vịt Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam khiến giá trứng vịt của Tùng giảm chỉ còn bằng ¼ trước đây. Món nợ hàng chục triệu đồng vay nặng lãi để nuôi vịt đè nặng lên cả gia đình.
Nhà không có đất sản xuất, bố mẹ và anh em Tùng phải thuê ruộng làm công. Đến kỳ gạo hết lại phải đi vay trả gấp đôi, vay 1 thùng trả người ta 1 giạ. Cả nhà chen chúc nhau trong mấy tấm tôn lợp sơ sài, những đêm mưa, bị dột tơi tả.
Giấc mơ làm giàu từ vịt tan vỡ, Tùng đi trồng rau, làm phụ hồ kiếm sống qua ngày.
Đêm nọ, tiếng dế kêu rinh rích ngoài đồng khiến Tùng chợt nhớ chương trình ti vi buổi chiều có nói về những món ăn lạ ở nước ngoài, trong đó có dế và nảy ra ý định nuôi dế kiếm tiền. Sáng mai, cả nhà tròn mắt khi thấy Tùng lúi húi ngoài đồng, mang về một đống dế. Những tài sản đáng giá nhất của cả gia đình được Tùng trưng dụng để khởi nghiệp, gồm 1 cái nồi và 2 cái lu. Đó là năm 2000 khi Tùng mới hơn 20 tuổi.
Thương hiệu dế Thanh Tùng nổi tiếng khắp các quán ăn ở TPHCM. Năm 2007, Tùng được T.Ư Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của cho Nhà nông trẻ xuất sắc. Năm 2009, T.Ư Đoàn vinh danh Tùng là thanh niên tiên tiến học tập và làm theo lời Bác. |
Tuy nhiên, nhiều lần thí nghiệm nuôi dế thất bại. Tùng dò hỏi các trung tâm khuyến nông, nhưng không học hỏi được nhiều vì lúc đó việc nuôi dế còn lạ lẫm. Không nản chí, Tùng tiếp tục tự mày mò nuôi dế.
Để có tiền trang trải cho bầy dế, Tùng sẵn sàng làm mọi việc. “Có những đêm 30 Tết, trong nhà không còn hạt gạo. Mấy anh em phải ra đồng bắt cá. Đến mồng 3 Tết phiên chợ mở lại mới đem đi đổi lấy gạo ăn”, Tùng kể.
Đến năm 2003, lứa dế đầu tiên do Tùng tự chăm nuôi bắt đầu sinh sản. Có con giống coi như đã thành công bước đầu, Tùng lại lao vào học cách chế biến các món dế sao cho vừa miệng, ngon mà lại không gây cảm giác lo sợ cho người ăn.
Tùng mang dế đến các nhà hàng giới thiệu, nhưng không ai tin đây là dế nuôi. Tùng tiếp tục lọc cọc đi khắp TPHCM và cuối cùng cũng được một quán nhậu đồng ý nhập thử dế nuôi. Tiếng lành đồn xa, dế vừa bổ dưỡng vừa lạ miệng nên càng ngày càng hút khách.
Trong vòng 7 năm, từ 2003-2010, nhờ dế mà Tùng trả hết món nợ gần 450 triệu đồng cả gốc lẫn lãi và xây dựng trang trại dế hơn 1.000m2. Giờ đây, cả trại dế lên đến gần 3 ngàn thùng, mỗi thùng hơn 300 con. Ngoài dế, Tùng còn nuôi thêm bò cạp, rết...
“Mình không được đi học bằng bạn bằng bè, chỉ biết nếu có ước mơ, mục đích rõ ràng và theo đuổi đến cùng sẽ thành công. Mình tâm niệm rằng, tuổi trẻ dù có vấp ngã vẫn còn nhiều thời gian, cơ hội để làm lại. Phải chịu cực, chịu khổ, làm đến lúc nào được thì thôi”, Tùng chia sẻ.
Bài viết về các tấm gương, mô hình kinh doanh, lập nghiệp hoặc ý kiến tham gia diễn đàn Kinh doanh với 1 triệu đồng xin gửi về: thegioitre@tienphong.vn. |