Vụ 'vỡ tín dụng đen' ở Quảng Bình: Nhiều chuyện bất thường

Vụ 'vỡ tín dụng đen' ở Quảng Bình: Nhiều chuyện bất thường
TP - Sau gần 2 năm điều tra, ngày 6/5, TAND tỉnh Quảng Bình mở phiên sơ thẩm (lần hai) xét xử vụ vỡ tín dụng đen được xem là lớn nhất Quảng Bình từ trước tới nay, với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.

> Vỡ tín dụng đen làm náo loạn làng quê
> Doanh nhân sa chân tín dụng đen

 Các nạn nhân tỏ ra bức xúc khi không nhận được giấy triệu tập đến tham dự phiên tòa
Các nạn nhân tỏ ra bức xúc khi không nhận được giấy triệu tập đến tham dự phiên tòa.

Tuy nhiên, điều bất thường là khá nhiều bị hại đã không nhận được giấy triệu tập đến phiên tòa và một trong hai bị cáo vắng mặt không có lí do. Phiên tòa tiếp tục phải tạm hoãn.

Vỡ nợ hàng chục tỷ đồng

Theo nội dung cáo trạng, trong hai năm 2010 – 2011, vợ chồng Dương Thị Thúy Hà (1972) và Nguyễn Văn Bảy (1970, ở Lưu Trọng Lư, phường Hải Đình, TP Đồng Hới) đã vay hơn 47 tỷ đồng của nhiều nạn nhân, hứa trả lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng.

Để mọi người cho vay tiền, cặp vợ chồng này dùng nhiều thủ đoạn khác nhau như nói cần tiền đáo nợ ngân hàng, đầu tư bất động sản... Đến hạn không thể trả nợ gốc và lãi cho các chủ nợ, vợ chồng Hà – Bảy lâm vào cảnh vỡ nợ. Đây được coi là vụ “vỡ tín dụng đen” lớn nhất Quảng Bình từ trước tới nay.

Kết thúc quá trình điều tra, truy tố, cơ quan tố tụng xác định vợ chồng Hà - Bảy đã “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 8 nạn nhân trên địa bàn Quảng Bình, với số tiền hơn 15 tỷ đồng. Bà Hà còn bị truy tố thêm tội danh “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà Hà còn khai nhận lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của các cá nhân khác nhưng các nạn nhân đã không tố giác nên cơ quan điều tra không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự. Một cá nhân khác là bà Phan Thị Lĩnh tố cáo vợ chồng Hà - Bảy chiếm đoạt gần 13 tỷ đồng, nhưng sau đó hai bên đã tự thỏa thuận trả nợ, nên được xem là quan hệ dân sự.

Bị hại bức xúc

Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai sáng 6/5, hầu hết các nạn nhân trong vụ lừa đảo của vợ chồng Hà - Bảy đã rất bức xúc vì họ không nhận được giấy triệu tập của tòa và một trong hai bị cáo là ông Bảy không có mặt tại phiên tòa mà không có lí do.

Nhiều nạn nhân đã to tiếng chất vấn HĐXX, cho rằng có những dấu hiệu khuất tất khi mở phiên tòa. Giải thích về sự cố nói trên HĐXX cho rằng, do lỗi của các xã, phường đã không chuyển giấy triệu tập của tòa đến bị cáo và các nạn nhân.

Tuy nhiên, các nạn nhân cho rằng, nếu có lỗi ở các xã, phường trong việc chuyển giấy triệu tập thì nhiều lắm chỉ xảy ra ở một hai đơn vị chứ không thể cả gần 10 xã, phường để xảy ra lỗi cùng lúc. Trước những bức xúc của các nạn nhân, HĐXX tuyên bố thêm một lần nữa hoãn phiên tòa.

Một cán bộ văn phòng phường Hải Đình, TP Đồng Hới (nơi có nhiều nạn nhân và vợ chồng Hà - Bảy sinh sống) cho biết, giấy triệu tập của ông Bảy cũng không có ai tiếp nhận. “Tôi điện lên tòa án để thông tin lại, nhưng người nghe điện thoại nói họ là dân đến chơi không có trách nhiệm. Một cơ quan Nhà nước để người ngoài vào trực điện thoại thì quả là lạ” - vị này nói.

Các nạn nhân Trần Thị Hồng Lai (phường Hải Đình, bị chiếm đoạt 3,5 tỷ đồng), Lê Thị Bích Nga (thị trấn Quán Hàu, bị chiếm đoạt 2 tỷ đồng), Nguyễn Thị Minh Phương (phường Bắc Lý, bị chiếm đoạt 3 tỷ đồng) cho biết: Họ bị vợ chồng Hà, Bảy lừa đảo chiếm đoạt hết gia tài nhưng cả hai lần xét xử đã không nhận được giấy triệu tập đến phiên tòa. Họ nghe được thông tin nên đến phiên tòa tham dự mà không hề có thông tin gì từ phía tòa án.

Một cán bộ văn phòng phường Hải Đình, TP Đồng Hới (nơi có nhiều nạn nhân và vợ chồng Hà, Bảy sinh sống) cho biết: Trường hợp của bà Lai không có trong giấy triệu tập gửi về phường, còn các trường hợp khác có thì lại sai địa chỉ nên không ai nhận. Giấy triệu tập của ông Bảy cũng không có ai tiếp nhận.

“Tôi đã điện lên tòa án để thông tin lại, nhưng người nghe điện thoại nói họ là dân đến chơi không có trách nhiệm. Một cơ quan Nhà nước để người ngoài vào trực điện thoại thì quả là lạ” - vị cán bộ này nói.

Liên quan đến vụ án, dư luận cho rằng đã có nhiều khuất tất trong quá trình xử lí. Đơn cử, cơ quan công an từng kê biên ngôi nhà 3 tầng của vợ chồng Hà, Bảy để đảm bảo nghĩa vụ khắc phục một phần hậu quả nhưng sau đó Viện Kiểm sát lại ra lệnh hủy kê biên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG