Trong thư ông S. K. Burman cho rằng, theo kết luận của phiên toà, Công ty VN Pharma nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H - Capita vào Việt Nam với hồ sơ giả, không rõ nguồn gốc.
“Chuyện lạ” về bức thư từ Ấn Độ
“Là thành viên cao cấp của Hiệp hội Dược Ấn Độ, tôi xin cung cấp một số thông tin quan trong liên quan vụ án trên dựa vào quá trình điều tra, xác minh và đến tận nơi tìm hiểu của mình. Tôi nhận thấy cần thiết cung cấp cho quý tòa những thông tin chính xác về nguồn gốc lô hàng 9.300 hộp thuốc H – Capita được sản xuất tại đâu và nhập vào Việt Nam như thế nào?”- người có tên S. K. Burman viết trong thư.
Theo trình bày của S. K. Burman, lô thuốc này được sản xuất tại công ty Affy Parenterals, có địa chỉ tại Vill Gullarwala, Sai road, Baddi, distt. Solan, Ấn Độ. Đây là công ty dược phẩm lớn tại Ấn Độ…trên website của Cơ quan Kiểm soát chất lượng thuốc Trung ương của Ấn Độ có công bố danh sách các nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP - WHO.
Theo người này phản ánh: Ngày 31/3/2014, Công ty Affy có bán cho công ty Magnolia Limited lô hàng 9.300 hộp H-Capita, hoạt chất Capecitabine 500 mg - tablet. Ngày 4/4/2014, công ty Magnolia Limited, địa chỉ 11/621 Sai - Krupa Building, Purna Bniwandi, Thane - 421 302 Maharastra, India đã bán lô hàng này cho Công ty Helix Pharmaceutical Inc, có địa chỉ tại 392 Wilson Avenue, Toronto, Ontario, Canada. Airway bill số 618 - 1005 1075. Sau đó, lô hàng được chuyển về công ty SIR Logistics PTE LTD. BLK 336 Smith street, # 04-308 New Bridge Central Singapore. Ông S. K. Burman cho rằng, sau đó Công ty VN Pharma mới ký hợp đồng vận chuyển với Công ty Austin ở Hồng Kông để chuyển hàng về Việt Nam.
Ông S. K. Burman khẳng định trong thư và cho rằng: “Công ty sản xuất tại Ấn Độ không liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp vào những việc làm sai trái trên”.
Những mâu thuẫn
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong cũng như kết luận điều tra từ cơ quan công an cho thấy, nguồn gốc thuốc H-Capita Võ Mạnh Cường khai không biết sản xuất ở đâu. Quá trình điều tra còn phát hiện trên các thùng thuốc H-Capita có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay của Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore. Cơ quan chức năng đã yêu cầu tương trợ tư pháp đối với Ấn Độ, Singapore và Canada nhưng chưa có kết quả. Trong khi đó, xác minh mã số, mã vạch in trên vỏ hộp thuốc H- Capital, Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bộ Công Thương xác định mã số, mã vạch này không được đăng ký bởi quốc gia nào. Ngoài ra, giấy chứng nhận FSC và GMP là giả.
Cơ quan điều tra đã nêu rõ: Có cơ sở xác định lô thuốc H-Capita do Công ty VN Pharma nhập vào Việt Nam ngày 11/4/2014 là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
PGS- TS Phạm Khánh Phong Lan- Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu H-Capita được cho xuất xứ từ Công ty Affy của Ấn Độ thì thuốc này lại càng là thuốc giả. Bà Lan lý giải, trong hồ sơ mà VN Pharma nhập về, các giấy tờ đều ghi xuất xứ từ Công ty Helix của Canada nhưng Công ty Helix lại được xác định không có thực thì dù thuốc đó xuất phát từ đâu đi nữa cũng gọi là thuốc giả. “Họ nhập nguyên liệu từ đâu không quan trọng bằng việc giấy tờ pháp lý chứng minh rõ nguồn gốc”- bà Lan nói thêm.
Nhìn nhận về tính pháp lý của bức thư và các tài liệu liên quan được gửi đến tòa từ Ấn Độ, Luật sư Nguyễn Đức Chánh- Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam năm 2003 thì người nào biết được những tình tiết liên quan vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng.
“Nếu ông S. K.Burman, quốc tịch Ấn Độ biết những tình tiết liên quan vụ án thì tòa án có thể triệu tập đến để làm chứng hoặc cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ, vật chứng…theo Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Ấn Độ, ký tại Hà Nội ngày 8/10/2007, có hiệu lực từ ngày 17/11/2008”- luật sư Chánh phân tích.
“Đây có thể là chiêu tung hỏa mù. Chuyện H-Capita có nguồn gốc từ Ấn Độ rồi bán qua cho Helix nhưng cơ quan chức năng cho rằng Helix không có thực vì thế thuốc này cũng được coi là thuốc giả”
PGS Phạm Khánh Phong Lan