Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh:

Vụ Trịnh Xuân Thanh có nhiều cơ quan liên đới

Ông Đinh Thế Huynh trả lời ý kiến cử tri Đà Nẵng.
Ông Đinh Thế Huynh trả lời ý kiến cử tri Đà Nẵng.
TP - Ngày 30/11, ông Đinh Thế Huynh, Ủy  viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cùng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã tiếp xúc cử tri tại quận Hải Châu và Thanh Khê (Đà Nẵng). Tại đây, ông Huynh đã trả lời những ý kiến của cử tri liên quan đến nạn tham nhũng và ô nhiễm môi trường.

Tham nhũng bỏ chạy quá dễ dàng

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri Đà Nẵng khi được giới thiệu phát biểu, đã bày tỏ thái độ bức xúc trước nạn tham nhũng đang diễn ra hiện nay tại các cơ quan ban ngành từ cấp trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, chưa thấy cơ quan, cấp ủy nào tự phát hiện tham nhũng mà chủ yếu dựa vào tố giác của người dân, báo chí.

Cử tri Nguyễn Văn Thạch (phường Thuận Phước) bức xúc nêu ý kiến về tình trạng cán bộ tham nhũng, khi bị điều tra thì lập tức đổ bệnh, chạy trốn ra nước ngoài, thậm chí có người bị điên khùng để không bị điều tra. Ông Thạch đơn cử vụ ông Trịnh Xuân Thanh trước khi xảy ra sự việc vẫn ở nhà, nhưng khi bị khởi tổ lập tức bỏ trốn ra nước ngoài. Vũ Đình Duy khi bị cơ quan điều tra “sờ gáy” là đổ bệnh. Ông Thạch đặt câu hỏi có sự tiếp tay nên Trịnh Xuân Thanh mới trốn đi nước ngoài một cách nhẹ nhàng như vậy?

“Đừng để tham nhũng làm thất thoát tiền của nhà nước rồi bỏ trốn dễ dàng như vậy. Cấp tổ dân phố chúng tôi, họp hành chi tiêu 200 ngàn cũng phải có hóa đơn đỏ, chi tiết từng đồng. Sao hàng chục nghìn tỷ đồng tiền nhà nước lại thất thoát nhẹ nhàng đến vậy”, ông Thạch nói. Đồng quan điểm, cử tri Đặng Văn (phường Hòa Thuận Bắc) thẳng thắn: “Cần phải bắt cho được Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy về nước. Không thể để chạy ra nước ngoài dễ như vậy”.

Việc Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài dễ dàng, ông Huynh giải thích: Thời gian đó, Trịnh Xuân Thanh mới bị kiểm tra, cơ quan điều tra chưa khởi tố, nên các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa có biện pháp ngăn chặn. Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng cơ hội để bỏ trốn.

“Hiện nay các cơ quan chức năng đang làm rõ trách nhiệm đề bạt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh. Việc làm rõ trách nhiệm không chỉ ở Bộ Công Thương mà còn làm rõ trách nhiệm ở các cơ quan liên quan khác. Trong những ngày tới sẽ có công bố về trách nhiệm của các cơ quan liên đới trong việc bổ nhiệm này”, ông Huynh nói.

Đang kiểm tra ông Võ Kim Cự

Việc ô nhiễm môi trường biển vừa qua tại các tỉnh miền Trung do nhà máy thép Formosa gây ra cũng như dự án nhà máy thép Cà Ná (Ninh Thuận) và nhà máy thép Việt – Pháp (Quảng Nam) cũng được các cử tri đặc biệt quan tâm.

Cử tri Lê Duy Kiến (phường Hòa Thuận Bắc, Hải Châu) cho rằng: Cần làm rõ trách nhiệm của ông Võ Kim Cự trong vụ Formosa gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng ở biển miền Trung. “Vụ Formosa  không thể nói ông Võ Kim Cự vô can được. Ông Cự không thể giải trình, giải thích theo kiểu lấy rổ úp voi như thế. Giải thích như vậy là không thể được”, ông Kiến bức xúc.

Cử tri Nguyễn Thị Tám (phường Thạc Gián, Thanh Khê) nêu ý kiến: Formosa gây ô nhiễm, người ký quyết định không bị khởi tố, truy trách nhiệm mà còn được lên Trung ương làm to hơn? Dự án nhà máy thép Việt – Pháp, gây ô nhiễm trầm trọng ở Điện Bàn nay Quảng Nam di dời lên thượng nguồn sông Vu Gia hậu quả về sau ai chịu? Giải thích của lãnh đạo nhà máy thép Việt- Pháp và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam là không thể chấp nhận được.

Thường trực Ban Bí thư cho biết: Liên quan đến trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang kiểm tra các dấu hiệu vi phạm đối với ông Cự. Đồng thời Kiểm tra ban cán sự Đảng, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh làm rõ trách nhiệm trong quá trình xây dựng nhà máy thép Formosa. Đặc biệt là trong quá trình quản lý  xây lắp hệ thống xử lý xả thải. Khi có kết quả, Ủy ban kiểm tra Trung ương sẽ công bố.

Việc Formosa gây ô nhiễm nhưng vẫn tiếp tục triển khai dự án nhà máy thép ở Cà Ná ông Huynh cho biết: Sự cố Formosa có lỏng lẻo trong việc đánh giá tác động môi trường, kiểm soát hệ thống quy trình xả thải. Rút kinh nghiệm từ Formosa hiện chúng ta đang hết sức cẩn trọng trong việc phê duyệt cho các nhà máy thép. Nhà máy thép Cà Ná đang ở bước Bộ Công Thương đang xem xét, chưa phê duyệt. Nhưng tinh thần phải rút kinh nghiệm từ Formosa, phải  giám sát chặt chẽ nhất là các bước trong quá trình xây dựng hệ thống xả thải, quan trắc, kiểm soát xả thải để đảm bảo khi xả thải ra môi trường phải đủ tiêu chuẩn, quy định pháp luật, không được xả thải thẳng.

Về việc Quảng Nam di dời nhà máy thép Việt Pháp, ông Huynh cho biết: Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng sẽ có văn bản gửi Bộ TN&MT, Bộ Công Thương để cân nhắc và có biện pháp giám sát ngay từ đầu, đảm bảo việc sản xuất thép theo công nghệ ít độc hại nhất, không gây ô nhiễm môi trường.

Quốc hội giám sát việc thực hiện lời hứa

Cử tri Huỳnh Phi Anh (phường Hòa Cường Bắc, Hải Châu) đặt câu hỏi về việc: Những lời hứa của Thủ tướng và các Bộ trưởng trước Quốc hội và cử tri cả nước liên quan các vụ việc tham nhũng, vấn đề lớn ai giám sát việc thực hiện? Bao giờ kết thúc? Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết: Quốc hội đã có nghị quyết về việc chất vấn tại Quốc hội, trong đó có xác định rõ những nội dung mà Thủ tướng, Bộ trưởng đã hứa phải thực hiện như thế nào. Hàng năm, Quốc hội sẽ căn cứ nghị quyết này để xác định mức độ thực hiện ra sao.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.