Vụ “Tiền hậu bất nhất, doanh nghiệp kêu trời” ở Thanh Hóa: Sở VHTT&DL kiến nghị gì?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Liên quan đến vụ việc “Tiền hậu bất nhất, doanh nghiệp kêu trời”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa kiến nghị xây dựng phương án quản lý, khai thác dự án đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư.
Vụ “Tiền hậu bất nhất, doanh nghiệp kêu trời” ở Thanh Hóa: Sở VHTT&DL kiến nghị gì? ảnh 1

Khu du lịch Ðộng Tiên Sơn

Liên quan đến vụ việc “Tiền hậu bất nhất, doanh nghiệp kêu trời” (đăng trên báo Tiền Phong số ra ngày 21, 23, 25/12/2021), tại Kết luận Thanh tra số 3951 (ngày 30/8/2022) về công tác quản lý Nhà nước đối với di tích Danh lam thắng cảnh Ðộng Tiên Sơn, phường Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa khẳng định dự án được đầu tư theo chủ trương, phê duyệt của các cấp, ngành; đồng thời kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo xây dựng phương án quản lý, khai thác dự án đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư.

Doanh nghiệp đầu tư theo chủ trương kêu gọi của tỉnh, thành phố

Kết luận Thanh tra của Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch (VHTTDL) cho biết, năm 2000, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch chi tiết (1/2000) khu Du lịch văn hóa Hàm Rồng nhằm kêu gọi đầu tư. Hưởng ứng chủ trương kêu gọi của UBND thành phố, ngày 5/7/2004, Công ty CP du lịch Kim Quy (sau đây gọi là Cty Kim Quy) có tờ trình về việc xin lập dự án đầu tư xây dựng di tích danh lam thắng cảnh Động Tiên Sơn (sau đây gọi là Động Tiên Sơn), thuộc Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng. Ngày 28/7/2004, UBND TP Thanh Hóa có công văn về việc lập thủ tục đầu tư xây dựng Động Tiên Sơn, theo đó: “Đồng ý cho Cty Kim Quy tiến hành lập thủ tục đầu tư, mặt bằng quy hoạch định vị công trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở thuê đất”, đồng thời yêu cầu “Cty phối hợp với UBND phường Hàm Rồng để thống nhất phương án tổ chức kinh doanh, bảo vệ thắng cảnh, trật tự công cộng khi dự án hoàn thành”.

Sau khi có chủ trương của UBND thành phố, từ năm 2004 đến năm 2006, Cty Kim Quy phối hợp với UBND phường Hàm Rồng tiến hành kiểm kê bồi thường về tài sản, vật kiến trúc, hoa màu, cây cối, mồ mả của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án và tiến hành giải phóng mặt bằng trên diện tích 34.700 m2. Toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng do Cty Kim Quy chi trả.

Ngày 8/1/2005, UBND phường Hàm Rồng tiến hành bàn giao toàn bộ nguyên trạng Động Tiên Sơn, các công trình hiện có và mặt bằng xây dựng cho Cty Kim Quy. Ngày 25/7/2005, UBND phường Hàm Rồng và Cty Kim Quy ký kết “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” số 01.

Ngày 8/12/2006, UBND TP Thanh Hóa có văn bản đồng ý để Cty Kim Quy lập dự án đầu tư, quy hoạch chi tiết xây dựng Động Tiên Sơn thuộc Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng. Sau đó, UBND TP Thanh Hóa có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án đầu tư và quy hoạch chi tiết khu danh thắng Động Tiên Sơn. Năm 2007, Sở Xây dựng Thanh Hóa có văn bản, nêu ý kiến: “Trên cơ sở đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch văn hóa Hàm Rồng tỷ lệ 1/2000 đã được UBND tỉnh phê duyệt, UBND TP Thanh Hóa tổ chức thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Động Tiên Sơn theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”. Năm 2008, UBND TP Thanh Hóa phê duyệt mặt bằng quy hoạch xây dựng Động Tiên Sơn; ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tổng thể bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Từ sau khi có mặt bằng quy hoạch của UBND TP Thanh Hóa phê duyệt, Cty đã thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trong và ngoài Động như san nền, cải tạo bên trong Động, xây mới nhà Hội Quản, kè chắn đất, làm rãnh thoát nước, đường bê tông, khuôn viên, xây đường lên Động và hệ thống điện trong động để phát huy giá trị của di tích…

Văn phòng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, không để khiếu kiện phức tạp, kéo dài

Ngày 25/4/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 2601 gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, chuyển đơn phản ánh, khiếu nại của bà Ðỗ Thị Thu về việc thực hiện dự án Khu du lịch Ðộng Tiên Sơn tại phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa đến UBND tỉnh Thanh Hóa để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, không để khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Ngày 6/6/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 7927 về việc “chỉ đạo tham mưu nội dung đơn của bà Ðỗ Thị Thu, Phó giám đốc Công ty CP du lịch Kim Quy, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 400 về việc thanh tra công tác quản lý nhà nước đối với di tích danh lam thắng cảnh Ðộng Tiên Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa.

Di tích không bị xâm hại, thu hút khách tham quan

Kết luận Thanh tra của Sở VHTTDL nêu: Để phát huy giá trị của di tích Động Tiên Sơn, việc UBND TP Thanh Hóa đồng ý chủ trương và cho phép Cty Kim Quy thực hiện dự án xây dựng khu du lịch Động Tiên Sơn (sau khi có ý kiến và được sự đồng ý của UBND tỉnh Thanh Hóa) là phù hợp với mục tiêu, xu thế phát triển của tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay.

Trong quá trình thực hiện dự án khu du lịch Động Tiên Sơn, Cty Kim Quy đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra việc sử dụng diện tích đất được UBND tỉnh cho thuê và kết luận sử dụng đất đúng mục đích được giao. Các hạng mục cải tạo, làm đường đi lại trong Động Tiên Sơn thực hiện theo dự án xây dựng Khu du lịch Động Tiên Sơn…

“Tại thời điểm thanh tra Cty Kim Quy đang sử dụng đất thực hiện dự án Khu du lịch Động Tiên Sơn ổn định; di tích không bị xâm hại và hiện đang được phát huy tác dụng, thu hút du khách tới tham quan”- Kết luận thanh tra khẳng định.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra những khuyết điểm trong quá trình quản lý nhà nước về di tích và triển khai dự án này như: Việc Động Tiên Sơn được Sở Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh cần được bảo vệ để phát huy tác dụng tại Quyết định số 306 (năm 1993) là không phù hợp quy định, nhưng đã được chủ tịch UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh tại văn bản số 4543 (năm 2006) về việc cấp xếp hạng di tích lịch sử văn hóa - danh thắng cấp tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định số 1046 (năm 2020) về việc cấp đổi bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh được công nhận từ trước ngày 31/12/2003. “Tuy nhiên, trong các văn bản trả lời tổ chức và công dân của ngành VHTTDL giai đoạn 2008-2015 có một số văn bản không thống nhất thuật ngữ về việc xếp hạng di tích Động Tiên Sơn gây nên sự hiểu nhầm đối với nhân dân và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xếp hạng di tích…”- Kết luận thanh tra nêu.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các cấp thực hiện chưa tốt công tác quản lý nhà nước về di sản; không có biện pháp, hướng dẫn Cty Kim Quy thực hiện việc lập hồ sơ dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện việc đầu tư, xây dựng các hạng mục công trình trong và ngoài di tích Động Tiên Sơn…

Bà Ðỗ Thị Thu, Phó Giám đốc Cty CP du lịch Kim Quy cho biết: Ðây là dự án do nhà nước kêu gọi đầu tư. Doanh nghiệp đã đầu tư, hoàn thành dự án theo đúng hướng dẫn của các cấp, ngành tỉnh Thanh Hóa khi di tích chưa được cấp Quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh. Do đó, để thực hiện việc bàn giao “công tác quản lý” thì chính quyền địa phương cần đưa ra phương án tính toán, công nhận các chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và giá trị tài sản mà doanh nghiệp đã đầu tư trước đây vào dự án. Ðồng thời, có phương án cụ thể sau bàn giao “công tác quản lý” thì doanh nghiệp chúng tôi sẽ khai thác dự án đã đầu tư như thế nào để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Xây dựng phương án hài hoà lợi ích nhà nước và nhà đầu tư

Tại kết luận Thanh tra, cùng với việc đề nghị Cty Kim Quy khẩn trương thực hiện việc bàn giao lại “công tác quản lý” di tích Động Tiên Sơn cho UBND phường Hàm Rồng theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý di sản văn hóa, Sở VHTTDL kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa: Rà soát, kiện toàn lại Ban quản lý/Tổ quản lý, bảo vệ di tích danh thắng Động Tiên Sơn với các thành phần và bổ sung thành viên là Cty Kim Quy với tư cách là nhà đầu tư đã được bàn giao quản lý, khai thác, trông coi, bảo vệ trực tiếp di tích từ thời điểm tháng 1/2005 và hiện nay đang thực hiện dự án Khu du lịch Động Tiên Sơn (thời hạn 50 năm đã được cấp có thẩm quyền cho phép nhằm phát huy giá trị của di tích Động Tiên Sơn) đảm bảo phù hợp theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL về kiện toàn bộ máy quản lý di tích.

Trước đó, trong khi Cty Kim Quy có đơn “kêu cứu” về những “bất nhất” của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai, quản lý, khai thác dự án thì UBND phường Hàm Rồng có văn bản đơn phương thanh lý hợp đồng, yêu cầu Cty bàn giao các hạng mục Động Tiên Sơn trước ngày 30/12/2021 mà không hề có phương án sau khi bàn giao đối với nhà đầu tư; ngay sau đó, ngày 17/1/2022, UBND phường Hàm Rồng cũng nhanh chóng có quyết định thành lập Tổ bảo vệ di tích danh lam thắng cảnh Động Tiên Sơn mới nhưng lại không có thành viên đại diện của nhà đầu tư là Cty Kim Quy.

Đáng chú ý, tại kết luận thanh tra, Sở VHTTDL kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa “Xây dựng phương án cụ thể trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích; việc thu và quản lý phí tham quan, tiền công đức, dầu đèn tại di tích đảm bảo theo quy định, hài hoà lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư và phù hợp với tình hình thực tế nhằm mục đích chia sẻ với doanh nghiệp đã đầu tư, cải tạo, tôn tạo di tích”…

Trước đó, báo Tiền Phong đã có bài “Tiền hậu bất nhất, doanh nghiệp kêu trời” phản ánh doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tỷ đồng vào dự án khu du lịch Động Tiên Sơn theo chủ trương kêu gọi của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, sau khi dự án vừa hoàn thành thì chính quyền địa phương có văn bản đơn phương thanh lý hợp đồng, yêu cầu bàn giao các hạng mục Động Tiên Sơn mà không hề có phương án cụ thể sau khi bàn giao đối với nhà đầu tư.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.