Vũ Thắng Lợi và cuộc chơi đĩa than

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vũ Thắng Lợi vừa ra Quê - album thứ ba duy nhất dưới dạng đĩa than.

Cùng dịp này, Vũ Thắng Lợi tái bản Tình ca cũng bằng đĩa than. Tiếp theo là Hà Nội- đĩa than tập hợp các bài hát về thủ đô cũng sẽ không thể nghe được dưới dạng nào khác. Đĩa này đáng lẽ ra mắt tháng 10 năm ngoái kèm liveshow nhưng do COVID-19 nên dự án tạm hoãn.

Vũ Thắng Lợi và cuộc chơi đĩa than ảnh 1
Vũ Thắng Lợi và vợ cùng “đứa con tinh thần”. Ảnh: NVCC

“Có bao tiền đi hát tập trung vào làm đĩa hết. Tôi không phải dạng làm để tích cóp. Nhất là ca sĩ có thời điểm, muốn thu trực tiếp với ban nhạc sau này kể cả có tiền cũng chả làm được”, Lợi cho hay. Mỗi bài trong Quê được ca sĩ cùng chơi liền mạch không chỉnh sửa. Bất kỳ thành viên nào sai hỏng sẽ thu lại từ đầu. Kiểu này đòi hỏi ca sĩ phải tập trung cao độ, hát chuẩn xác cả về âm thanh và kỹ thuật. Giám đốc âm nhạc của Quê - nhạc sĩ Đức Trí - cho hay để bắt được cảm xúc tự nhiên, một số lần tuy là thu thật nhưng anh sẽ bảo Lợi là thu thử.

Lợi chỉ ra một thực trạng là nhiều đồng nghiệp có tiếng hơn, giàu hơn anh, cùng dòng nhạc, nhưng vẫn khá tiết kiệm trong khâu làm đĩa, chạy theo lượng hơn chất. Bản thân Lợi và vợ con vẫn đang ở nhà chung cư trả góp. “May vợ không bao giờ can mỗi khi mình đầu tư làm nhạc, còn động viên bảo anh nên làm bài mới. Cô ấy có gu thưởng thức cao, còn đi trước mình”, anh kể. Sắp tới Lợi tính ra một đĩa toàn bài mới theo tư vấn của vợ. Vợ anh học Kinh tế Quốc dân, trước làm kiểm toán, nay bung ra kinh doanh làm hậu phương cho chồng.

“Show đầu tay (2018) tôi sợ không dám làm, vợ nói cứ làm xác định luôn mất bằng ấy tiền. Cuối cùng làm lại ngon, may mà anh em bạn bè quý hỗ trợ nhiều. Mình không tính toán trong nghề. Theo tôi nó cũng như luật nhân quả, cứ đam mê với nghề nó sẽ bù lại cho mình”, Lợi kể.

Tự đặt tiêu chuẩn cao về âm thanh cũng do Lợi chơi âm thanh chất lượng cao từ mấy năm nay. Ở Việt Nam không thiếu những người nghe nhạc từ những bộ loa vài tỷ đồng và cả dàn âm thanh lên tới vài chục tỷ. Nhưng tất nhiên Lợi biết cách để có được âm thanh hay với các đồ nghề vừa túi tiền. “Mình nghe, thẩm thấu biết thế nào là chuẩn mới có sự đầu tư. Những MV tiền tỷ đấy rồi dần dần cũng trôi vào quên lãng. Một sản phẩm âm thanh chất lượng cao được lưu giữ vài chục năm là thường”, Lợi phân tích. Cuộc chơi này không dành cho những người phải nhờ kỹ thuật phòng thu che khuyết điểm giọng hát. Theo Lợi: “Nhạc số đi bay đi lắc vẫn có thể nghe được. Đĩa than dành cho giới thưởng thức, ca sĩ không có gì để chinh phục ngoài âm thanh”.

Với việc nói không với CD, phải chăng anh muốn xây dựng hình ảnh sang trọng chuyên phục vụ giới sành điệu. Nhạc sĩ Đức Trí nhắc nhớ thời tivi còn hiếm và mọi người phải qua nhà nhau xem nhờ: “Thời đó làm chúng ta nhớ nhiều hơn vì khó nghe, khó xem. Cũng như vậy, nếu ai không có đầu đĩa than để nghe thì có thể đi nghe nhờ. Khi bạn đã dành thời gian để nghe thì bạn sẽ tập trung chứ không ngồi nói chuyện… Việc nghe một cách trân trọng xứng đáng với một sản phẩm đã được làm ra với sự trân trọng”.

Thực ra đĩa than hồi sinh trước cả khi có COVID-19. Năm 2015, nhà bán lẻ băng đĩa HMV (Anh) bán ra hơn 350 ngàn đĩa nhựa, tăng 170% so với năm trước đó. Tới tháng 9/2020, tại Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử hơn 30 năm, đĩa than đã bán chạy hơn CD.

Đức Trí nhấn mạnh: “Đĩa than giúp cho người sản xuất như chúng tôi thu lại được lợi nhuận, không như những định dạng khác nhất là nhạc số rất khó thu về. Nên cuộc chơi này có vẻ công bằng hơn nhiều cuộc chơi khác”. Thêm nữa, đĩa than toàn được in dập ở nước ngoài nên khó có khả năng bị nhân bản lậu như CD trong nước.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.