> Mỹ tố Nga ‘thêm lửa’ cho nội chiến ở Syria
Thi thể nạn nhân vụ thảm sát Houla được đem đi chôn. |
Cho đến nay, ai là thủ phạm gây ra vụ thảm sát tại ngôi làng Houla gần thị trấn Homs ở Syria làm 49 trẻ em và 34 phụ nữ thiệt mạng vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Ai là thủ phạm?
Dù các thông tin có khác nhau đến đâu, đó vẫn là một đòn mạnh đánh vào hình ảnh của chính quyền Syria và Tổng thống Assad. Ông đã không đảm bảo được an ninh cho nhân dân của mình. Hơn thế nữa, nếu tin vào báo chí Phương Tây, quân đội của ông còn dùng cả pháo và xe tăng.
Vụ thảm sát ở Houla có thể gán cho ai là thủ phạm cũng được trước khi kết thúc một cuộc điều tra khách quan và đầy đủ. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, một cuộc điều tra như vậy là điều rất khó thực hiện. Tuy nhiên có một điều đã rõ ràng: trong vụ thảm sát này có bàn tay của rất nhiều lực lượng, cả Chính phủ lẫn phe đối lập, cả các Vương quốc vùng Vịnh Ba Tư lẫn các phần tử tội phạm địa phương. |
Việc sử dụng vũ khí hạng nặng ở Syria được Nga, nước lâu nay vẫn ủng hộ Chính quyền Syria thừa nhận. Nhưng Nga đã phong tỏa dự thảo nghị quyết đòi trừng phạt Syria do Phương Tây đệ trình Hội đồng bảo an (HĐBA).
Nga chỉ ủng hộ bản tuyên bố của HĐBA nghiêm khắc lên án vụ thảm sát và yêu cầu chờ cho đến khi mọi chuyện được làm sáng tỏ.
Thực vậy, theo tin của các phóng viên Nga tác nghiệp tại Syria, quân đội Syria không có mặt ở Houla vào thời điểm xảy ra vụ tàn sát. Hơn thế nữa, trong văn bản tuyên bố của tướng Robert Mood, trưởng Phái đoàn quan sát viên LHQ tại Syria, không hề nói đến việc các quan sát viên LHQ xác nhận người dân Houla bị pháo binh và xe tăng sát hại.
Tuy trong bản tuyên bố đó có một câu nói rằng một vài tòa nhà ở Houla có vẻ như bị đạn pháo phá huỷ nhưng không khẳng định những dấu vết của vụ thảm sát còn mới cũng như không khẳng định thủ phạm là quân đội chính phủ Syria.
Tuy nhiên, do có những ý đồ khác nhau và dựa trên những nguồn tin khác nhau, trong cộng đồng thế giới đã xuất hiện những ý kiến trái chiều khiến vấn đề trở nên vô cùng phức tạp và có nguy cơ dẫn đến việc nước ngoài can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria.
Chính phủ Syria trút trách nhiệm cho các tay súng thuộc lực lượng vũ trang đối lập còn Phương Tây thì đổ riệt cho Tổng thống Assad. Các nhà phân tích Syria nói tới vai trò của Tổ chức khủng bố Al Qaeda, còn các nhà bình luận độc lập quốc tế thì không loại trừ khả năng ở Syria có hiện diện “lực lượng thứ 3”.
Trong mớ rối rắm như vậy, quy mọi trách nhiệm cho chính quyền Syria không phù hợp với thực tế. Thứ nhất, nếu nói quân đội Syria sử dụng pháo binh thì tại sao phần lớn nạn nhân tử vong lại là do bị dao cắt cổ hoặc do bị súng bộ binh bắn gần.
Thứ hai, hầu như không có người bị thương mặc dù nếu pháo binh được sử dụng, số người bị thương phải rất nhiều.
Ngoài ra, việc xem xét hiện trường cho thấy đây không phải kết quả của việc sử dụng pháo binh mà là kết quả đụng độ trực tiếp giữa các nạn nhân và những tên đao phủ.
Cũng không có ý kiến thống nhất về tình hình khu vực Houla vào thời điểm xảy ra vụ thảm sát. Nhiều người dân địa phương khẳng định vụ tàn sát là do các tay súng thuộc phe đối lập gây nên và họ đang chờ sự bảo vệ của quân đội chính phủ.
Người ta còn biết rằng khu vực này lâu nay vẫn nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy, cụ thể là của các tay súng thuộc “Quân đội tự do Syria”, lực lượng được sự hậu thuẫn của các Vương quốc vùng Vịnh Persic là những quốc gia luôn luôn thù địch với ông Assad.
Trong bối cảnh phức tạp đó đã xuất hiện giả thuyết cho rằng vụ thảm sát ở Houla là kết quả của chiến dịch tảo thanh do các đơn vị được gọi là Shabiha (Những bóng ma) thực hiện.
Đây là những đơn vị vũ trang cực kỳ bí mật trực thuộc Chính phủ Syria và chuyên thực hiện những nhiệm vụ mà Chính phủ Syria không tiện giao cho các đơn vị quân đội chính quy. Dĩ nhiên, giả thuyết này do phe nổi dậy nêu lên.
Lặp lại kịch bản Nam Tư
Theo nhận định của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov, tình hình Syria hiện nay rất giống tình hình Nam Tư cách đây 13 năm. Vào năm 1999, tại ngôi làng Rachek ở Nam Tư đã xảy ra một vụ tàn sát khiến 45 dân thường người Albania bị sát hại.
Thế giới phẫn nộ và HĐBA LHQ (kể cả Nga) đã lập tức cực lực lên án vụ thảm sát này. Nhưng các nước Phương Tây không chịu dừng lại mà đã qua mặt HĐBA để đơn phương phát động những cuộc “ném bom nhân đạo” xuống thủ đô Belgrad và lật đổ chính quyền Nam Tư hồi đó do Tổng thống Svoboda Miloshevic lãnh đạo.
Đáng chú ý là trong vài ngày gần đây, đã có những tín hiệu về khả năng lặp lại “kịch bản Nam Tư” tại Syria. Ngày 30- 5, đại diện thường trực của Mỹ tại LHQ Susan Rice tuyên bố nếu kế hoạch Kofi Annan thất bại và HĐBA bị chia rẽ thì “Cộng đồng quốc tế chỉ còn một phương án là hành động không cần sự cho phép của HĐBA”. Bà Rice còn nhấn mạnh đây là phương án có nhiều khả năng nhất.
Trước đó,Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đã tuyên bố sẵn sàng tham gia cuộc can thiệp quân sự quốc tế vào Syria.
Vũ Việt
Theo Utro.ru và Ria.ru