Theo kết quả kiểm tra của tổ thẩm định, 17/18 tàu cá của ngư dân Bình Định do Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Cty Đại Nguyên Dương) đóng và bàn giao cho ngư dân, có 5 tàu do Cty Đại Nguyên Dương đóng phần vỏ có nguồn gốc xuất xứ thép Trung Quốc. (Theo biên bản xác nhận khối lượng thực hiện giữa doanh nghiệp (DN) này với 5 ngư dân là thép Hàn Quốc).
Đối với mẫu vỏ thép (chỉ tiêu hóa học), có 8 tàu có mẫu (Cty Đại Nguyên Dương có 3/5 mẫu, Công ty TNHH MTV Nam Triệu có 5/12 mẫu) không đạt thép cấp A theo QCVN 21:2010/BGTVT sửa đổi lần 2 năm 2014. Có 17/17 tàu kiểm tra đều bị gỉ sét, trong đó 5 tàu do Cty Đại Nguyên Dương đóng bị gỉ sét rất nặng.
Máy chính, máy phụ tàu cũng có vấn đề. Riêng 9 máy chính tàu hiệu Mitsubishi MPTA (5 máy S6R2-MPTA công suất 940 HP và 4 máy S6R-MPTA công suất 811 HP), các chi tiết của bộ sinh hàn giải nhiệt khí bằng nước ngọt, bơm nước biển gắn ngoài, hệ thống ống dẫn giải nhiệt... kèm động cơ không đồng bộ không phù hợp nguyên tắc hoạt động loại máy thủy của hãng Mitsubishi. Hãng Mitsubishi đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ có Model và công suất như ghi trên decal máy. Hầu hết các máy chính này hoạt động không ổn định.
Ngoài ra, có 3 máy chính tàu hiệu Doosan 4VV222TIM, công suất 880PS, các động cơ chính Doosan kết cấu đồng bộ của động cơ thủy hoạt động không ổn định, động cơ bị nóng. Qua kiểm tra hồ sơ, tổ thẩm định phát hiện cả 3 máy có sự sai lệch về ký hiệu máy giữa hồ sơ (4V222TIM) và thực tế (4VV222TIM)...
Liên quan tới kết quả kiểm tra kể trên, trong buổi họp giao ban sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 vào sáng nay (28/6), Thiếu tướng Nguyễn Văn Dư - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật-Bộ Công an cho biết công ty Nam Triệu là đơn vị chuyên đóng tàu thuộc Bộ Công an.
Đây là một trong 73 đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau kiểm tra đánh giá, công nhận đủ năng lực đóng tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. Theo đó, công ty này đã đóng 20 tàu cá cho tỉnh Bình Định và các tàu này đã đưa vào hoạt động.
Bộ Công an đã chỉ đạo công ty Nam Triệu ngay từ khi ngư dân phát hiện, yêu cầu khắc phục hư hỏng trong quá trình sử dụng chứ không phải khi báo chí nêu, Chính phủ có ý kiến Bộ mới vào cuộc.
Theo đó, trong quá trình thực hiện đóng tàu, chủ yếu lỗi về máy, động cơ. Kết luận của tổ điều tra độc lập xác định, các máy này không đúng chủng loại, của hãng. Lỗi này thuộc về công ty đã ký kết hợp đồng với ngư dân. Công ty Nam Triệu phải có trách nhiệm toàn diện về các hợp đồng này phải đảm bảo khắc phục, sửa chữa cho ngư dân.
Bộ Công an đã giao Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật chỉ đạo trực tiếp và làm việc với UBND tỉnh Bình Định, Sở NN&PTNT thống nhất phương án xử lý, yêu cầu Cty Nam Triều thực hiện đúng trách nhiệm hợp đồng và quyền lợi của ngư dân. Ngay sau khi phát hiện máy, động cơ không thuộc hãng đã ký kết, công ty Nam Triều đã đàm phán, làm việc và tiến hành ký hợp đồng khắc phục toàn bộ 10 máy không đúng chủng loại.
"Tính tới thời điểm hiện tại, 7 máy tàu cá đã được công ty này nhập về Việt Nam. Chúng tôi sẽ đảm bảo trong tháng 7, tháng 8 tới sẽ hoàn thành việc khắc phục sự cố này. Song song đó, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng thanh tra, cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp đối với những ai có khuyết điểm, vi phạm mà trước hết là lãnh đạo doanh nghiệp này", Phó Tổng cục trưởng nói.