Vụ sập lò sấy gạch gây chết người: Hé lộ nhiều sai phạm

 Ông Hoàng Bảo Hà, thành viên Hội đồng quản trị Cty Phú Hà trả lời báo Tiền Phong về vụ việc. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Ông Hoàng Bảo Hà, thành viên Hội đồng quản trị Cty Phú Hà trả lời báo Tiền Phong về vụ việc. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
TP - Liên quan vụ sập lò sấy gạch tại Cty TNHH dịch vụ du lịch và vận tải Phú Hà (Cty Phú Hà, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội), tổ công tác liên ngành TP Hà Nội và huyện Mê Linh đã được thành lập để kiểm tra, xử lý.

Chiều 24/4, trao đổi với Tiền Phong, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động, ngày 22/4, huyện đã thành lập một tổ công tác liên ngành để kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường và an toàn lao động tại Cty Phú Hà.

Theo báo cáo ban đầu, khoảng 6h30 ngày 21/4, 9 công nhân của Cty Phú Hà tiến hành xây mái vòm của lò sấy gạch, thu dọn gạch vỡ ở xung quanh lò sấy mang ra bên ngoài. Đến khoảng 9h30, anh Lê Đức Tân (SN 1973) và anh Nguyễn Hữu Đoan (SN 1977) cùng trú ở Cẩm Khê (Phú Thọ) tiếp tục thu dọn cốp pha bên trong hầm lò sấy gạch

Trong khi các công nhân trên đang làm việc thì mái vòm của lò sấy gạch bất ngờ sập xuống đè lên người Tân và anh Đoan làm cả hai bị thương. Do vết thương quá nặng, anh Tân đã tử vong trên đường đi cấp cứu.

Trong vụ tai nạn này, còn có hai công nhân khác là Đỗ Trung Lập và Lưu Văn Miền bị xây xát nhẹ, hiện sức khỏe đã ổn định. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, mấy ngày qua, tổ công tác vẫn đang khẩn trương phối hợp điều tra, xử lý vụ việc. UBND huyện sẽ có báo cáo UBND TP Hà Nội kết quả kiểm tra.

Hé lộ nhiều sai phạm

Ông Hoàng Bảo Hà, thành viên Hội đồng quản trị Cty Phú Hà cho biết, nhà máy sản xuất gạch này bắt đầu hoạt động từ năm 2007, do UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép đầu tư và cho thuê đất với thời hạn 3 năm. Sau khi sáp nhập huyện Mê Linh về Hà Nội, UBND TP Hà Nội tiếp tục cho Cty Phú Hà thuê đất để thực hiện dự án sản xuất gạch nung tại chỗ, ký hợp đồng hằng năm (từng năm một).

Cũng theo ông Hà, khi Hà Nội có chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, Cty Phú Hà đã đầu tư xây dựng hệ thống lò đốt thân thiện với môi trường trên tổng diện tích 9,88ha với 15 cặp lò nung và 1 lò sấy gạch, sản lượng khoảng 20 triệu viên/năm. Hiện tại, nhà máy sản xuất gạch của Cty Phú Hà có khoảng 200 công nhân đang làm việc.

Về lò sấy gạch bị sập mái vòm, cả tường và mái vòm được xây bằng gạch, dày khoảng 30cm. Công trình có chiều dài khoảng hơn 30m, chiều rộng và chiều cao khoảng 6m. Theo ông Hà, công ty đã thuê nhóm thợ xây trên về để sửa chữa, xây dựng lò. Do là lao động tự do, dự kiến chỉ thuê trong vài ngày nên Cty Phú Hà không ký hợp đồng với các lao động này mà chỉ thỏa thuận bằng miệng.

“Nguyên nhân xảy ra vụ việc là do nhóm thợ xây làm sai quy trình kỹ thuật. Phần mái vòm mới xây xong, chưa khô và chưa đảm bảo độ vững chắc thì nhóm thợ xây đã vội vàng tháo dỡ hệ thống giàn giáo khiến phần mái vòm sập xuống dẫn đến vụ tai nạn đáng tiếc này. Anh Tân đứng ở bên trong đã bị toàn bộ phần mái rộng khoảng gần 20m2 sập xuống người dẫn đến tử vong”, ông Hà nói.

Ông Hà thừa nhận, công trình này không có bản vẽ thiết kế, chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt, chỉ được xây dựng bằng gạch, không có hệ thống bê tông, cốt thép chịu lực, cũng như đảm bảo độ an toàn của công trình. Ngoài ra, khi xây dựng công trình này, Cty Phú Hà đã không xin phép các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như báo cáo với chính quyền địa phương để giám sát.

Một cán bộ điều tra Công an huyện Mê Linh cho biết, hầu hết các công nhân đang làm việc tại Cty Phú Hà đều là lao động thời vụ, chủ yếu là người địa phương, không có hợp đồng lao động. Mặc dù biết nhóm thợ xây là lao động tự do nhưng Cty Phú Hà vẫn thuê, điều này cho thấy yêu cầu đảm bảo về an toàn lao động, chất lượng công trình không đủ độ tin cậy.

Theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND TP Hà Nội cấp cho Cty Phú Hà từ năm 2012, công ty này được phép cải tạo, nâng cấp các cơ sở sản xuất gạch của mình tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội theo công nghệ thân thiện với môi trường. Song, cơ quan chức năng đang làm rõ có hay không việc Cty đã sang tên chuyển nhượng cho các cá nhân khác làm gạch để thu lợi...

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.