Khách mời của Quốc hội - kỳ 3

Vũ Quốc Hùng, một thời ngự sử

Vũ Quốc Hùng, một thời ngự sử
TP- Chẳng biết có quá không khi dùng lại từ ngự sử mà nhiều người đã nói về Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT T.Ư) Đảng Vũ Quốc Hùng?

>> Kỳ II. Mai Thúc Lân chuyện đời ấm lạnh...
>> Kỳ I: Cao lão nhất hội trường

Ngự sử là một chức quan chuyên giám sát những việc hay dở của triều đình, lại được kiêm luôn công việc đặc biệt là can gián cả vua.

Quan ngự sử đội mũ có khắc hình con giải trãi là loài thú chỉ có một sừng, tương truyền chỉ mỗi nó nhận biết ra kẻ không chính trực để húc. Trãi quan nga nga diện tứ thiết (Mũ trãi cao cao gương mặt sắt - Thơ Nguyễn Trãi).

Mà ông chỉ chuyên trách một lĩnh vực là kiểm tra Đảng chứ có phải mọi hoạt động của Nhà nước? Mà khi ông Vũ Quốc Hùng từ quân đội chuyển sang Trung ương Đoàn những năm đầu 80, nào có thiết diện đen sì?

Da trắng, môi tươi, tóc xanh rì, nói năng thì cứ một cung bậc rủ rỉ. Hình như chưa một lần tôi thấy ông cáu? Kỳ họp mới đây chợt thấy vắng ông trong ngăn dành cho các vị khách mời.

Từ khi nghỉ hưu, ông vốn rất chăm ghé qua các kỳ họp Quốc hội (QH). Có thể ông bận hoặc mệt? Hay nơi họp tạm của QH bây giờ thiếu ghế?

Không nhớ hết những lần được đi công tác với Bí thư T.Ư Đoàn Vũ Quốc Hùng trong những năm của phong trào Ba xung kích làm chủ tập thể. Có lẽ 12 năm trong quân đội, chưa phải xông pha trận mạc mà chuyên công tác giảng dạy nghiên cứu ở cơ quan kỹ thuật quân sự, nhưng tác phong lính gần như ám vào ông.

Đi công tác ông thường dận đôi giày lính và chiếc áo bộ đội đôi khi bạc phếch. Những năm xa ấy, những chuyến xuống cơ sở từ Bí thư T.Ư Đoàn đến nhân viên cơ quan có khác chi lính.

Lần đó đi Thái Nguyên, xe cộ trục trặc thế nào không rõ, người mệt bụng đói, nhưng ông rủ chúng tôi cuốc bộ gần 10 cây số đến một xí nghiệp. Sau này, khi chuyển sang Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư, ông được ông Trần Kiên, Chủ nhiệm UBKT T.Ư giao một việc là trao tận ông X. một cán bộ cấp tỉnh Hà Sơn Bình khi đó đang có mặt ở Hà Đông một công văn quan trọng. Cũng do xe cộ trục trặc, ông dùng xe đạp phóng vào Hà Đông. Xong việc ông trở ra thì thấy cậu lái xe mặt tái dại ngó sếp mình đang tươi cười.

Có thể nói, những ngày đầu sang công tác ở lĩnh vực mới, ông may mắn được gần gũi được học tập kinh nghiệm xử lý công việc cũng như đạo đức tác phong của người đứng đầu cơ quan kiểm tra Đảng khi ấy là ông Trần Kiên huyền thoại.

Hiện tượng Trần Kiên - tấm gương Trần Kiên - tác phong Trần Kiên từng nghe nay tận mắt thấy. Đó là một con người có tình thương yêu đồng bào, đồng chí, đức tính cần kiệm trong sinh hoạt luôn chăm lo cho mọi người.

Lần đó, ông cho viết giấy mời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến UBKT T.Ư để giúp cơ quan kiểm tra làm rõ một số vấn đề cần thiết. Khi đó nhiều người e ngại rằng, nào xa xôi chi, có mỗi một khúc đường nhảo bộ một chút từ UBKT sang Chính phủ thì giấy mời chi cho phiền phức. Nhưng hình như cái ngại lại ở chỗ khác...

Với cương vị người đứng đầu Chính phủ ứng xử vậy liệu có ổn? Nhưng ông cứ vô tư thi hành phận sự. Công việc khi ấy và sau này xuôi chèo mát mái.

Có lẽ hơn nửa thế kỷ công tác kiểm tra của Đảng, ông Trần Kiên đã để lại những mốc son khó phai mờ. Nhận quyết định nghỉ hưu,  trong vòng một tuần, ông bàn giao ngay phòng làm việc và tài liệu cho đồng chí chủ nhiệm mới, đồng thời trả lại nhà công vụ cho tập thể rồi trở về quê hương Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, sống thanh thản trong ngôi nhà cấp 4 giản dị.

Sau đó, Thường vụ Bộ Chính trị mời ông tham gia tổ phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Từ khi ông Hùng nhận công tác mới, chúng tôi ít gặp. Nhưng lần tòa báo tôi gặp nạn (bị khởi tố) về một bài báo bị coi là lộ bí mật quốc gia mà tôi là tác giả, chúng tôi nhận được điện gọi lên UBKT T.Ư làm việc.

Đến nơi, người trực tiếp gặp lại là ông khi đó là Phó Chủ nhiệm UBKT T.Ư. Có lẽ là người quen cũ, cộng với tác phong dân chủ cởi mở, lại chi tiết sâu sát, ông làm cho không khí buổi làm việc khá thoải mái trong khi chúng tôi khá là lấn bấn này khác!

Tôi nhớ trong không khí thân mật, ông đã hỏi thẳng có tính chất nguyên lý nghề nghiệp rằng, bao nhiêu phần trăm sự thật trong bài báo và động cơ viết bài báo này là gì. Bằng trách nhiệm và cả tình cảm nữa, chúng tôi tường trình chi tiết những vấn đề cần nói mà có lẽ với ai khác hay cơ quan chức năng khác, người trong cuộc dễ chi bộc bạch.

Tôi không rõ UBKT T.Ư khi đó và cá nhân ông làm những gì nhưng có lẽ lần làm việc ấy cùng với sự công tâm khách quan của những cơ quan có trách nhiệm trong việc bảo vệ cái đúng bảo vệ lẽ phải,  chúng tôi may mắn tai cũng qua nạn cũng khỏi.

Rồi sẽ đến một thời điểm thích hợp nào đó,  cảm giác thót tim của cánh nhà báo chúng tôi (người thì được chứng kiến, người nghe kể lại) trước một sự kiện có thể nói là hy hữu sẽ được tường trình lẫn giãi bầy cụ thể.

Đó là việc, với tư cách một Ủy viên BCH T.Ư (ông từng tham gia ba khóa BCH T.Ư khóa VII, VIII, IX. Chuẩn bị ĐH IX, ông xin nghỉ ở tuổi 61 nhưng, tại đại hội này, ông vẫn được bầu vào BCH T.Ư), ông kiên quyết đề nghị xử lý kỷ luật một cán bộ sai phạm.

Gọi là thót tim bởi nhân vật ấy không phải là loại bình thường mà từng kinh qua thâm niên công tác lẫn những cống hiến, thời điểm đó đang phụ trách một lĩnh vực quan trọng của đất nước. Với vị thế đó, như một thứ bất thành luật lẫn thành văn, có dư luận cho rằng vị cán bộ ấy gần như được miễn trừ (tạm gọi thế) với bất cứ hình thức kỷ luật nào.

Chúng tôi, cánh nhà báo với thói thường của nỗi sợ hãi vô cớ, lẫn có cớ mà có nhà văn gọi rất trúng là nỗi sợ bầy đàn đã phập phồng này nọ trước việc vạch mặt chỉ tên kiên quyết của ông.

Chuyện loang ra, không ít người tấm tắc rằng hóa ra thời nay vẫn có những ngự sử vẫn có những Bao Công. Nhưng cũng không ít những xì xào rằng thế nào ông cũng gặp chuyện...

Phập phồng nghe ngóng cho đến cái ngày ông làm thủ tục về hưu. Mà là một cái hưu lành như bao cán bộ bình thường khác chứ chẳng phải kiểu hạ cánh an toàn nào đó. Tôi nhớ trong thời gian phập phồng ấy, khốn khổ chưa, đám chúng tôi ngại lẫn ngán đến mức không dám đến thăm ông vì sợ liên lụy thế lày thế lọ!

Rồi có một buổi, chúng tôi rụt rè bộc bạch rằng, trong những năm tháng đó ông có lâm vào trạng thái cô đơn không, cụ thể là có sợ không? Vẫn qua cái cười cởi mở và chất giọng rủ rỉ như dạo nào, tôi tạm hiểu,  ông chỉ nói hộ làm hộ suy nghĩ của nhiều người. Ai cũng biết. Ai cũng muốn việc tiêu cực ấy phải được nói ra, phải được giải quyết xử lý nhưng lại ngại và sợ. Đơn giản có vậy thôi.

Lần gặp ông mới đây, câu chuyện của chúng tôi ngược về những năm tháng bươn bả trong những phong trào này khác của Đoàn. Có cả những trích ngang kỷ niệm mà chúng tôi nói vui là thời ngự sử của ông.

Lần đó ông cho viết giấy mời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến UBKT T.Ư để giúp cơ quan kiểm tra làm rõ một số vấn đề cần thiết. Khi đó nhiều người e ngại rằng, nào xa xôi chi, có mỗi một khúc đường nhảo bộ một chút từ UBKT sang Chính phủ thì giấy mời chi cho phiền phức. Nhưng hình như cái ngại lại ở chỗ khác...

Với cương vị người đứng đầu Chính phủ ứng xử vậy liệu có ổn? Nhưng ông cứ vô tư thi hành phận sự. Công việc khi ấy và sau này xuôi chèo mát mái. Nhưng khổ thế, vẫn có người ngại cho ông. Mãi đến khi ông vô Nam dự một cuộc họp có gặp ông Sáu Dân. Khi đó ông Sáu Dân đã nghỉ hưu nhưng người ta vẫn rất cần đến ông trong nhiều việc và ông vẫn nhiệt thành tham gia.

Giờ nghỉ giải lao, ông Sáu mời ông ngày mai đến nhà riêng chơi. Ông thành thực đáp ngày mai bận để ngày mốt được không, ông Sáu vui vẻ đồng ý. Cuộc gặp diễn ra trong không khí thân tình. Nội dung cuộc gặp không ngoài việc chung.

Bằng kinh nghiệm công tác, ông Sáu trao đổi với ông rất kỹ việc tiến hành vụ Năm Cam (khi đó mới khởi động) sao cho đúng cho trúng trong một bối cảnh hết sức phức tạp vừa đánh được bọn tham nhũng sâu mọt vừa bảo vệ được đồng chí của mình.

Cuối buổi gặp, ông Sáu còn vui vẻ nhắc lại lần ông được mời đến UBKT T.Ư ngày ấy và nhân đây ông nói luôn nói lại là ngay khi đó ông không hề có ý kiến gì về việc ấy mặc dầu có không ít ý kiến xì xào này khác.

Cuộc gặp để lại trong ông những tình cảm ấm áp và ấn tượng về một ông Sáu Dân bình dị gần gũi không hề có sự ứng xử tiểu khí như những đồn thổi này khác để hù ngay cả vị Phó ban KTT.Ư!

Tôi nhớ cuối buổi gặp, anh bạn cùng đi có hăm hở hỏi ông việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên.  

Bất ngờ, bây giờ tôi mới biết, luận án tiến sĩ ở nước ngoài của ông là đề tài luyện kim. Đất nước tôi vùng Tây Nguyên, qua khảo sát thăm dò tỷ mỷ, trữ lượng bauxite ước nhiều tỷ tấn... Mở đầu bản luận án tiến sĩ khoa học ở Liên Xô năm 1977, ông Vũ Quốc Hùng viết những dòng đại loại như vậy.

Ông tỉ mẩn phác ra cho chúng tôi những nét chính của việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên được và mất những gì. Tôi nhớ cuối buổi gặp, trước vẻ bức xúc của anh bạn đồng nghiệp, ông rủ rỉ đại ý, bây giờ các bạn cứ ghi lại những gì các nhà kỹ thuật lẫn quản lý khẳng định việc cần thiết phải khai thác bauxite.

Mười năm sau, các bạn gặp lại họ xem ý kiến của họ ra sao. Cứ sống mà xem. Có câu ngạn ngữ đại loại thế. Quỹ thời gian của các bạn hẵng còn dư dả mà...

Ông nhắc vậy nghĩa là thế nào nhỉ?

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.