Vũ Nhật Tân đi Pháp đệm nhạc cho phim Việt

Nhạc sỹ Vũ Nhật Tân
Nhạc sỹ Vũ Nhật Tân
TP - Bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh vừa được trình chiếu cho khán giả Pháp, trên nền âm nhạc điện tử của các nhạc sỹ Vũ Nhật Tân và Eddie Ladoire (không có nhạc phim và lời thoại gốc).

Vũ Nhật Tân đã chia sẻ với Tiền Phong Chủ nhật về chương trình nghệ thuật đương đại này ngay khi vừa trở về Việt Nam.

Được biết, chương trình biểu diễn của anh là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Năm Việt Nam tại Pháp 2014?

Vâng, năm 2014 được chọn là Năm Việt Nam tại Pháp, tiếp sau Năm Pháp tại Việt Nam hồi năm ngoái (năm 2013). Một loạt các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc Việt Nam lần lượt được các nghệ sỹ Việt Nam trong nước và ở Pháp tham gia trình diễn tại các thành phố lớn, nhỏ tại Pháp trong suốt năm 2014. Tôi được mời tham gia trình diễn nhạc điện tử tại thành phố Bordeaux và Toulouse của Pháp trong tháng 2 vừa qua.

Vũ Nhật Tân đi Pháp đệm nhạc cho phim Việt ảnh 1

Nhạc sỹ Vũ Nhật Tân và Eddie Ladoire trước giờ diễn tại Pháp

“Hòa nhạc trong một bộ phim” – khái niệm thật mới lạ. Nó là thế nào, thưa anh?

Chương trình tôi tham gia – “hòa nhạc trong một bộ phim”, tiếng Pháp gọi là Ciné-Concert électroacoustique. Bộ phim được lựa chọn là phim đen trắng "Bao giờ cho đến tháng Mười" của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Phần soundtrack, lời thoại của bộ phim này được cắt đi, giống như một bộ phim câm. Bên dưới bộ phim có chạy phụ đề bằng tiếng Pháp. Tôi và một nghệ sỹ người Pháp tên là Eddie Ladoire cùng trình diễn âm nhạc điện tử cho bộ phim này ngay bên dưới màn hình. Khán giả có thể vừa xem phim, vừa đọc lời thoại, vừa xem chúng tôi trình diễn. Trong hai tuần đầu tại Pháp, tôi và nghệ sỹ Eddie Ladoire đã cùng làm việc để soạn lại nhạc cho phim. Sau đó, chúng tôi có một tuần tập trung để biểu diễn. Tuần cuối cùng, tôi có một số buổi nói chuyện với học sinh các trường phổ thông quanh Bordeaux về âm nhạc truyền thống Việt Nam và nhạc của cá nhân tôi.

Ấn tượng của anh về chuyến biểu diễn này là gì?

Thực ra, trong tuần biểu diễn đó, chúng tôi chỉ có hai buổi trình diễn, một buổi chính ở thành phố Bordeaux và một buổi diễn trong festival văn hóa rất nổi tiếng ở Toulouse có tên là Made in Asia, năm nay dành trọn cho văn hóa Việt Nam, nên các chương trình khá đa dạng. Ngoài buổi trình diễn của tôi, còn có buổi biểu diễn của Lê Cát Trọng Lý, một buổi biểu diễn của nghệ sỹ đàn môi Nguyễn Đức Minh, một buổi có nhóm hip hop từ VN sang. Bên cạnh âm nhạc, còn có triển lãm tranh. Đại loại trong 7 ngày diễn ra festival thì ngày nào cũng có các hoạt động văn hóa của Việt Nam, rất rôm rả. Các buổi trình diễn nghệ thuật Việt Nam không chỉ có sự góp mặt của các nghệ sỹ trong nước sang, mà còn có các nghệ sỹ kiều bào tại Pháp như nhóm nhạc cụ dân tộc của nghệ sỹ Trần Quang Hải…

Anh thấy sự đón nhận của khán giả Pháp với văn hóa Việt như thế nào?

Phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" có đề tài về chiến tranh Việt Nam, nên phần lớn khán giả nhiều tuổi thích xem. Phim đen trắng có vẻ xưa cũ lại được trình chiếu trên nền nhạc điện tử. Hai thứ cũ và mới đó lại được hòa trộn vào nhau, nên khán giả ở cả thành phố Bordeaux và Toulouse xem rất thích, đặc biệt khán giả Bordoeax phải xếp hàng đăng ký vào xem vì số lượng ghế ngồi trong rạp có hạn (150 chỗ). Theo anh, việc soạn nhạc hiện đại trên nền một bộ phim cũ có khó không?

Tất nhiên là khó rồi. Hơn thế nữa, để thực hiện buổi trình diễn này, tôi vừa phải soạn, vừa trình diễn nên phải mang theo khá nhiều dụng cụ, khá cồng kềnh. Để chuẩn bị, tôi và Eddie vừa phải cùng xem phim vừa phân tích để làm thế nào có thể phối nhạc hợp lý cho bộ phim dài 95 phút.

Xin cảm ơn anh.

MỚI - NÓNG