Vũ lực có tính chất tập thể rất nguy hiểm

Vũ lực có tính chất tập thể rất nguy hiểm
TP - Theo ông Nguyễn Đình Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ GD&ĐT, học trò đánh nhau thời nào cũng có, nhưng hành vi này đặc biệt nguy hiểm trong thời nay khi xu hướng bạo lực dùng công cụ gây nguy hiểm tính mạng, sử dụng vũ lực có tính chất tập thể... đang gia tăng.

> Bạo lực học đường: Chỉ là cá biệt?
> Xuất hiện băng nhóm trong trường học 

Ông
Ông Nguyễn Đình Mạnh

Ông Mạnh chia sẻ: Theo tôi, gọi các nhóm học sinh - sinh viên cùng gây hành vi bạo lực khi giải quyết mâu thuẫn là băng nhóm học trò thì hơi quá, nên gọi đó là việc sử dụng vũ lực có tính chất tập thể. Biểu hiện này xuất phát từ sự lệch lạc trong nhận thức.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, hiện tượng học sinh sinh viên sử dụng vũ lực có tính chất tập thể xảy ra ngày càng nhiều và là vấn đề đáng phải báo động.

Nhiều người cho rằng, bạo lực học đường gia tăng có nguyên nhân quan trọng từ giáo dục đạo đức lối sống trong nhà trường chưa hiệu quả, ông nghĩ sao?

Quả là việc giáo dục lối sống, đạo đức học sinh sinh viên trong các cơ sở giáo dục hiện nay nhiều lúc chưa phù hợp với thực tế: nặng lý thuyết; bài học thực tiễn chưa phong phú, đa dạng... Trong khi đó, đối tượng để giáo dục là lứa tuổi có sự phát triển mạnh về cơ thể, tâm sinh lý. Học sinh sinh viên, đặc biệt là học sinh ở các bậc học THCS, THPT là những người đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách, sự kiềm chế chưa đủ độ.

Tuy nhiên, xã hội hiện nay có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới các em như phim ảnh, các trò chơi có tính kích động bạo lực... Đặc biệt, ngay cả sự giáo dục gia đình giờ cũng khác xưa. Bố mẹ mải mê làm ăn, quan tâm tới con cái không toàn diện. Thậm chí nhiều khi gia đình còn khoán trắng việc giáo dục con cho nhà trường.

Vậy Bộ GD&ĐT đã bao giờ tổ chức hội thảo, tập huấn chuyên đề hướng dẫn giáo viên hỗ trợ các em kỹ năng chọn bạn, tổ chức nhóm bạn lành mạnh?

Việc tổ chức các sinh hoạt nhóm trong nhà trường rất được Bộ GD&ĐT quan tâm và định hướng rõ ràng. Học sinh trong trường được chia thành từng lớp, trong lớp chia tổ, tổ chia bàn chia nhóm; các em được sinh hoạt trong các chi đội, chi đoàn, chi hội liên hiệp thanh niên hoặc sinh viên... Nhóm nhỏ hơn thì có đôi bạn- nhóm bạn cùng tiến.v.v...

Cách đây hơn hai năm, Bộ phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”. Một trong những nội dung của phong trào là tổ chức sinh hoạt tập thể cho học sinh, giúp các em xích lại gần nhau, thân thiện hơn. Gần đây Bộ biên soạn bộ tài liệu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

Theo ông, các trường có cần được chỉ đạo để giúp các em thành lập những nhóm, không để các em chơi với nhau tự phát?

Những ví dụ tôi đưa ra chỉ là một trong những việc Bộ GD&ĐT chỉ đạo để các trường, các giáo viên giúp các em sống thân thiện hơn, yêu thương hơn. Tuy Bộ không chỉ đạo một cách cụ thể nhưng yêu cầu các trường luôn khuyến khích các hoạt động tích cực của học sinh, trong đó tổ chức các nhóm bạn, để các em sinh hoạt tập thể vui tươi lành mạnh theo nhu cầu của các em.

Tuy nhiên, như tôi đã trao đổi, mong muốn là một chuyện, kết quả không được như mong muốn là chuyện khác.

Cảm ơn ông.

Quý Hiên
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Từ 1/7/2024, áp quy định giá tối đa sách giáo khoa
Từ 1/7/2024, áp quy định giá tối đa sách giáo khoa
TPO - Bộ GD&ĐT vừa có chỉ đạo về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đối với năm học mới 2024 -2025. Trong đó thông tin, đơn vị đang phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy định giá tối đa sách giáo khoa để thực hiện từ ngày 1/7/2024.