Trước đó, phía truy tố xác định, năm 2007, TISCO ký với Tập đoàn MCC của Trung Quốc hợp đồng EPC trị giá 160 triệu USD để xây dựng nhà máy thép. Hợp đồng này không đổi giá trị nhưng MCC sau đó không thi công, yêu cầu tăng giá với lý do biến động nguyên vật liệu. Thay vì dừng hợp đồng, các bị cáo trong vụ án đồng ý yêu cầu của nhà thầu Trung Quốc. Ngoài ra, họ chọn nhà thầu phụ là VINAINCON dù doanh nghiệp này không đủ năng lực xây lắp. Các sai phạm này khiến dự án đến nay chưa hoàn thành, TISCO phải chịu thiệt hại 830 tỷ đồng.
Được tranh luận, bị cáo Mai Văn Tinh khẳng định có một phần trách nhiệm, nhưng cho hay bản thân cùng các bị cáo khác muốn dự án được thực hiện nhanh, hiệu quả bằng cơ chế đặc thù, muốn vậy phải xin ý kiến cấp trên. Bào chữa cho ông Tinh, luật sư Trương Anh Tú nêu quan điểm, các cơ quan quản lý VNS đã buộc doanh nghiệp này thỏa hiệp với MCC. Luật sư Tú dẫn một công văn có nội dung chỉ đạo VNS phải thành lập đoàn đàm phán để xem xét một số phát sinh về giá vật liệu xây dựng theo yêu cầu của MCC.
Luật sư Nguyễn Thị Thu (bào chữa cho bị cáo Đậu Văn Hùng - nguyên Tổng giám đốc VNS) cho rằng, các bị cáo trong vụ không vi phạm pháp luật khi ký văn bản đề nghị được tăng giá hợp đồng EPC. Lý do, được điều chỉnh giá hợp đồng khi có thay đổi về chính sách tiền lương của nhà nước, giá nguyên vật liệu hoặc tỷ giá hối đoái có biến động lớn. Theo luật sư Thu, thời điểm bị cáo Hùng ký các tờ trình xin điều chỉnh chi phí, tiền lương tăng 20% so với năm 2007, giá nhiều loại vật tư trên thị trường tăng đột biến và tỷ giá USD tăng hơn 5%.
Ngoài ra, luật sư Thu cũng dẫn các văn bản thể hiện, việc điều chỉnh chi phí dự án đã được TISCO cùng VNS báo cáo để Bộ Công Thương, Chính phủ chấp thuận. Việc chọn VINAINCON làm nhà thầu phụ cũng do Bộ Công Thương giới thiệu và sau đó, nhà thầu phụ này cũng được Chính phủ đồng ý. Một số luật sư khác khi tham gia bào chữa cũng dẫn nhiều văn bản thể hiện TISCO và VNS luôn xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trong quá trình ký, thực hiện hợp đồng với MCC.