Vụ Công ty Tây Hồ bán rẻ 118 lô đất: Bị cáo tố bị điều tra viên rung dọa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trả lời xét hỏi, có 3 trong tổng số 5 bị cáo là cựu lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ không thừa nhận cáo buộc truy tố. Đáng chú ý, bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà, cựu Trưởng Ban kiểm soát công ty đã tố bị điều tra viên rung dọa sẽ bắt con ruột và cháu ruột của bị cáo, nên tinh thần hoảng loạn, nên khai 'theo ý chí của điều tra viên.

Bị cáo khai bị điều tra viên dọa

Ngày 9/8, tại TAND tỉnh Bắc Ninh, phiên sơ thẩm vụ án “bán rẻ 118 lô đất” tại Công ty Đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) tiếp tục với phần xét hỏi 5 bị cáo nguyên là lãnh đạo của doanh nghiệp.

Theo cáo trạng, năm 2017, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội có 98,83% vốn Nhà nước và nắm giữ 50,09% cổ phần tại Công ty Tây Hồ.

Các bị cáo Đặng Quang Tuấn, Tân Tú Hải với vai trò là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đại diện vốn của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội tại Công ty Tây Hồ bị cáo buộc đã bàn bạc, thống nhất với các bị cáo Phan Việt Anh (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Tây Hồ); Chu Thị Ngọc Ngà (cựu Trưởng Ban kiểm soát) và Nguyễn Tấn Hoàng (Trưởng phòng kinh doanh) thực hiện hành vi bán 118 lô đất ở Khu đô thị mới Quế Võ, Bắc Ninh, không đúng trình tự quy định và không theo kết quả thẩm định giá gây thất thoát hơn 91 tỷ đồng là tài sản nhà nước và thiệt hại cho nhóm cổ đông khác hơn 92 tỷ đồng.

Trong vụ án, Chu Thị Ngọc Ngà bị quy kết với vai trò Trưởng Ban kiểm soát công ty, tháng 5/2017, bị cáo đã cùng các thành viên HĐQT là Tuấn, Hải, Việt Anh, thống nhất chủ trương tìm cách “bán buôn” 118 lô đất để huy động vốn hoàn thiện hạ tầng, khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện việc “bán buôn”, Công ty ký hợp đồng thuê Văn phòng luật sư N N T và được tư vấn ký “hợp đồng hỗ trợ tài chính” với một số tổ chức, cá nhân để “hợp thức hóa” việc bán đất.

Các bị cáo đã ký hợp đồng hỗ trợ tài chính và chuyển nhượng cho nhóm khách hàng là bà N T H (ở Hà Nội) 77 lô đất với giá 71,9 tỷ đồng; bà N T S (ở Bắc Ninh) 17 lô đất, với giá 13 tỷ đồng; 24 lô còn lại được bán cho Công ty Bất động sản Tây Hồ (Công ty Tây Hồ là cổ đông) với giá 62,6 tỷ đồng.

Trả lời xét hỏi, bị cáo Bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà đề nghị HĐXX xem xét lại thẩm quyền điều tra vụ án này có thuộc Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh hay không?

Cùng với đề nghị trên, bà Ngà phản bác cáo trạng truy tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, bởi bị cáo không phải người được nhà nước giao vốn, quản lý vốn.

Bị cáo Ngà cho rằng, lời khai của 4 đồng phạm chưa thể hiện rõ thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp

Theo bị cáo, Công ty Tây Hồ đưa ra mức giá bán 118 lô đất là phù hợp với quyết sách, nhu cầu của công ty tại thời điểm đó. “Công ty không có vốn, trong khi dự án cũng không có tiền triển khai đối mặt với khả năng bị thu hồi đất. Việc quyết định ‘bán buôn’ đất thu tiền để phục vụ mục đích hoạt động của Công ty là rất đúng”, bị cáo Ngà khẳng định.

Trình bày thực trạng 118 lô đất, bị cáo Ngà cho hay, doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ thuế cho nhà nước, được cấp sổ đỏ. Công ty cũng hoàn thành cơ bản xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tại Công ty, với vai trò là Trưởng Ban kiểm soát, bị cáo Ngà cho rằng mình được quyền tham gia tất cả các cuộc họp, song mọi quyết định liên quan đến giá bán đất đều thuộc HĐQT.

“Hôm nay bị cáo xin phản bác lại một số lời khai của bị cáo tại giai đoạn điều tra. Bị cáo cùng cùng 4 đồng phạm ra tòa hôm nay hoàn toàn vô tội”, bị cáo Ngà nói.

Lý do phản bác lời khai này, được Ngà giải thích, thời điểm mới bị tạm giam, bị cáo bị khủng hoảng tinh thần, ngất nhiều lần và không được tiếp xúc với người thân.

Theo cựu Trưởng Ban kiểm soát công ty Tây Hồ, có một điều tra viên tên Long từng nói với bị cáo: “Tôi đã bắt được các anh chị vào đây thì phải tìm bằng được tội”.

“Điều tra viên Long còn đe dọa bị cáo: nếu chị không hợp tác khai thì thằng Hoàng trong một tháng nữa sẽ bị bắt ở đây”, bị cáo Ngà tố và cho hay, người tên Hoàng là cháu ruột của bà, đang điều hành mọi hoạt động của Công ty Tây Hồ sau khi các bị cáo bị bắt.

Sau phần trình bày của Ngà, Chủ tọa công bố một số lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, song Ngà tiếp tục phản bác cho rằng, thời điểm đó chịu đe dọa của điều tra viên “sẽ bắt thêm cả con ruột của bị cáo” nên rất hoảng loạn.

“Tất cả những bản cung đó của bị cáo là theo ý chí của điều tra viên”, bà Ngà quả quyết.

Vụ Công ty Tây Hồ bán rẻ 118 lô đất: Bị cáo tố bị điều tra viên rung dọa ảnh 1

Bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà.

Người phản bác, người thừa nhận cáo trạng

Trước đó, trong phiên tòa ngày 8/8, bị cáo Nguyễn Tấn Hoàng (nguyên Trưởng Phòng kinh doanh Công ty Tây Hồ) khi trả lời xét hỏi không thừa nhận hành vi phạm tội.

Tương tự, bị cáo Tân Tú Hải (cựu Tổng giám đốc) cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với cáo trạng của Viện kiểm sát.

Theo ông Hải, quá trình thực hiện dự án Khu đô thị Quế Võ, doanh nghiệp phải trích ra một khoản tiền để lo chi phí đối ngoại.

Đối với số tiền 2 tỷ đồng được chia từ nguồn tiền chênh lệch bán đất theo cáo buộc của Viện kiểm sát, bị cáo Hải khai không nhớ rõ. “Nếu đã nhận tôi xin tác động gia đình khắc phục hậu quả”, bị cáo nói.

Trình bày thêm, ông Hải cho biết về Công ty Tây Hồ công tác từ năm 2012 đến tháng 6/2021. Khi mới về, cá nhân ông được Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, ủy quyền giao 30% vốn, số còn lại do các bị cáo và cổ đông khác nắm giữ. Quá trình công tác, ông Hải tự hào vì bản thân làm tốt việc bảo toàn phát triển vốn, giúp doanh nghiệp trả nợ.

Theo ông Hải, Công ty Tây Hồ là doanh nghiệp cổ phần, Ban điều hành cao nhất là HĐQT có quyền quyết định mọi hoạt động. Khi HĐQT ban hành nghị quyết thì người giữ vai trò Tổng giám đốc như ông phải làm theo.

Liên quan đến việc Công ty thẩm định giá AIC, định giá các lô đất ở khu đô thị Quế Võ có giá trị cao hơn giá bán, ông Hải cho rằng, thời điểm đó, Công ty Tây Hồ đang rơi vào bế tắc, nợ nhiều khoản. Khi thấy Công ty AIC định giá cao, sợ khó bán nên Ban lãnh đạo doanh nghiệp thống nhất hạ giá thấp. Việc hạ giá này đem lại kết quả doanh nghiệp đã bán được nhiều lô cùng lúc, giải quyết được các khoản nợ và có thêm tiền chi cho phần dự án còn lại để không bị UBND tỉnh Bắc Ninh thu hồi.

Riêng ông Đặng Quang Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Tây Hồ) và Phan Việt Anh (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty) khi xét hỏi lại thừa nhận cáo buộc truy truy tố.

Theo lời khai của bị cáo Tuấn, khi ký quyết định ban hành mức giá các lô đất, ông đã dành thời gian nghiên cứu luật nhưng không lường trước việc ký này của mình là vi phạm.

Cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Tây Hồ cho biết thêm, ngày 25/10/2020, ông đến Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Ninh tự thú. “Bị cáo tự thú vì thấy mình vi phạm pháp luật, đã ký một số giấy tờ sai”, ông Tuấn khai.

Liên quan đến các câu hỏi của nhóm luật sư xoay quanh việc “Tổng công ty Xây dựng Hà Nội có 50,09% vốn góp tại Công ty Tây Hồ, như vậy Công ty Tây Hồ có phải là doanh nghiệp nhà nước hay ngoài nhà nước?”, Bị cáo Tuấn cho rằng bản thân “cần phải nghiên cứu lại luật mới rõ”.

Tại tòa, đại diện Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội có quan điểm cho rằng, họ là doanh nghiệp có hơn 98% vốn Nhà nước. Còn tại Công ty Tây Hồ, Tổng Công ty này đóng góp 50,09% cổ phần, nên là cổ đông. Hành vi ‘bán đất giá rẻ’ của các bị cáo thuộc nhóm lãnh đạo Công ty Tây Hồ đã gây thiệt hại cho các cổ đông, trong đó có Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.

Do đó, vị đại diện nhất trí với cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát, đồng thời yêu cầu HĐXX buộc các bị cáo phải bồi thiệt hại. “Căn cứ vào sự đóng góp của bị cáo tại Công ty Tây Hồ, chúng tôi cũng đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ mức phạt cho họ”, đại diện Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội nói.

MỚI - NÓNG