Xét xử vụ án tại Công ty Tây Hồ: Luật sư đề nghị triệu tập điều tra viên đến tòa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại tòa, luật sư đề nghị HĐXX triệu tập điều tra viên Vũ Hoài Linh (Điều tra viên chính của vụ án) đến tòa để làm rõ một số nội dung liên quan vụ án.

Đề nghị làm rõ số tiền vật chứng bị sai lệch

Sáng 8/8, TAND tỉnh Bắc Ninh mở phiên xét xử 5 bị cáo nguyên là lãnh đạo Công ty CP đầu tư và phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015.

Các bị cáo, gồm: Đặng Quang Tuấn (Nguyên Chủ tịch HĐQT); Tân Tú Hải (nguyên Tổng giám đốc); Phan Việt Anh (nguyên Phó TGĐ), Chu Thị Ngọc Ngà (nguyên Trưởng ban kiểm soát) và Nguyễn Tấn Hoàng (nguyên Trưởng phòng kinh doanh).

Tại phần khai mạc phiên tòa, luật sư Phan Quốc Thắng (bào chữa bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà) đề nghị HĐXX triệu tập điều tra viên Vũ Hoài Linh (là điều tra viên chính của vụ án) và ông Hồ Đình Thịnh (Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ).

Theo luật sư, lý do triệu tập hai người trên, nhằm để làm rõ hành vi thu thập tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án có đúng quy định tố tụng hay không?; Tài liệu ông Thịnh giao nộp cho điều tra viên Linh là hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định pháp luật của tố tụng hình sự hay tổ chức “chiếm đoạt” tài liệu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, luật sư cho rằng, có mặt điều tra viên tại tòa sẽ làm rõ có hay không việc “giả mạo chức vụ”, sử dụng “con dấu giả” trong các tài liệu chứng cứ mà điều tra viên thu thập trong hồ sơ vụ án.

Làm rõ hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án; bức cung bị cáo trong quá trình điều tra; làm rõ điều tra viên Vũ Hoài Linh “chiếm đoạt, rút lõi” phần hồ sơ bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà tố cáo ông Hồ Đình Thịnh về tội ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí’, làm thất thoát hơn 10 tỷ đồng tại dự án Quế Võ cho đến nay chưa thu hồi được…

“Việc triệu tập hai người trên còn làm rõ dấu hiệu tạo dựng chứng cứ chiếm đoạt 20.000 USD là vật chứng trong quá trình khám xét phòng làm việc của bị cáo Ngà vào ngày 14/10/2021; số liệu tiền vật chứng hơn 810 triệu đồng là tài sản Công ty Tây Hồ thu giữ khi khám két sắt bị sai lệch trong quá trình xử lý vật chứng; dấu hiệu chiếm đoạt tài liệu, hồ sơ trong két sắt khi khám xét phòng làm việc của bị cáo Ngà do số tài liệu này liên quan việc thụt két có dấu hiệu tham ô hơn 743 triệu đồng của bà Cao Thị Cẩm Khánh (nguyên Thủ quỹ công ty)… và hành vi chiếm đoạt cổ phần của bị cáo Ngà tại Công ty Tây Hồ”, luật sư Phan Quốc Thắng nói.

Vẫn theo luật sư, nếu hai hai người trên có mặt còn làm rõ dấu hiệu can thiệp trái pháp luật vào hoạt động doanh nghiệp qua việc gửi công văn cản trở cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty Tây Hồ tại Phòng đăng ký kinh doanh Hà Nội; làm rõ động cơ mục đích thực sự trong vụ án này là đấu tranh chống tội phạm hay vì mục đích “chiếm đoạt doanh nghiệp”.

Trước đề nghị của luật sư Thắng, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét nơi làm việc bị cáo đảm bảo khách quan. Trong quá trình xét xử, nếu có vấn đề gì HĐXX có thể triệu tập sau.

Đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát, HĐXX cho phiên tòa tiếp tục.

Xét xử vụ án tại Công ty Tây Hồ: Luật sư đề nghị triệu tập điều tra viên đến tòa ảnh 1

Nhóm bị cáo tại phiên tòa.

Bị cáo buộc bán đất 'rẻ'

Hồ sơ vụ án thể hiện, Công ty CP đầu tư và phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) là doanh nghiệp cổ phần, sau nhiều lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và vốn điều lệ từ năm 2017 đến nay Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty cổ phần (doanh nghiệp có 98,83% vốn Nhà nước) là cổ đông đang nắm giữ 50.09% vốn điều lệ tại Công ty Tây Hồ, tỷ lệ cổ phần còn lại (49,91%) do cổ đông là người lao động và cổ đông ngoài công ty nắm giữ.

Năm 2011, Công ty Tây Hồ được UBND tỉnh Bắc Ninh giao khu đất tại huyện Quế Võ có tổng diện tích hơn 581.437m2 để xây dựng Khu đô thị mới Quế Võ.

Năm 2014, Công ty Tây Hồ ký hợp đồng chuyển nhượng cho TNHH Tùng Bách 281.373,3m2 diện tích dự án.

Trong phần diện tích đất còn lại có 180.650,0m2 được giao cho Công ty Tây Hồ làm Chủ đầu tư. Năm 2017, UBND tỉnh Bắc Ninh đã cấp 118 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tương ứng với 118 lô đất ở, phần dự án còn lại lúc này chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng do thiếu vốn. Cuối tháng 2/2017, HĐQT Công ty Tây Hồ đã họp, ra nghị quyết giao 118 lô đất nêu trên cho Tổng giám đốc chỉ đạo các phòng, ban liên quan làm việc với đơn vị thẩm định xác định giá trị đầu tư, xây dựng phương án kinh doanh chuẩn bị bán hàng thu hồi vốn…

Quá trình thực hiện các bị can đã thuê Công ty CP đầu tư và thẩm định giá AIC - Việt Nam để xác định giá trị quyền sử dụng các lô đất. Phía AIC - Việt Nam, tiến hành thẩm định sơ bộ xác định giá mỗi lô đất dao động từ 6 - 7,5 triệu đồng/m2.

Tháng 5/2017, các thành viên HĐQT là Tuấn, Hải, Việt Anh có sự tham gia của bà Ngà, đã thống nhất chủ trương sẽ tìm cách “bán buôn” 118 lô đất để huy động vốn hoàn thiện hạ tầng, khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Để thực hiện việc “bán buôn”, Công ty ký hợp đồng thuê Văn phòng luật sư N N T và được tư vấn ký “hợp đồng hỗ trợ tài chính” với một số tổ chức, cá nhân để “hợp thức hóa” việc bán đất.

Các bị cáo đã ký hợp đồng hỗ trợ tài chính và chuyển nhượng cho nhóm khách hàng là bà N T H (ở Hà Nội) 77 lô đất với giá 71,9 tỷ đồng; bà N T S (ở Bắc Ninh) 17 lô đất, với giá 13 tỷ đồng; 24 lô còn lại được bán cho Công ty Bất động sản Tây Hồ (Công ty Tây Hồ là cổ đông) với giá 62,6 tỷ đồng.

Tổng số tiền chuyển nhượng hơn 148 tỷ đồng, trong khi đó ngày 4/1/2022 Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc trong tố tụng hình sự tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kết luận xác định, tổng giá trị của 118 lô đất là hơn 333 tỷ đồng và kết luận hành vi chuyển nhượng 118 lô đất trái quy định của nhóm bị can tại Công ty Tây Hồ gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 91 tỷ đồng và thiệt hại cho nhóm cổ đông khác hơn 92 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG