Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nạn nhân là một em bé trong vụ cháy điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, chiều 13/9. Ảnh: Nhật Minh |
Bàng hoàng
Một ngày sau vụ cháy, cả gia đình cô Đặng Thị Hải, giáo viên Địa lý, Trường Phổ thông FPT, được bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn. Nằm xanh xao trên giường bệnh, cô giáo vẫn chưa tin nổi, cả gia đình đã thoát chết kỳ diệu trong đám cháy kinh hoàng khiến hàng chục người chết đêm hôm trước. Ba giường kê liền nhau trong phòng bệnh, một của cô giáo, kế bên là chồng cô và một bên là đứa con đang được bà ngoại chăm sóc.
Cô Hải kể, một năm trước, hai vợ chồng cùng con nhỏ 3 tuổi mua căn hộ chung cư hơn 50 m2 ở tầng 8. Đêm hôm đó, khi hay tin cháy, chồng cô chạy xuống tìm lối thoát nhưng do khói lửa mịt mùng nên quay lại kéo vợ con vào nhà. Sau khi dùng chăn, áo thấm nước bịt hết cửa, chồng cô ra ban công, dùng rèm thấm nước quây lại như một cái lều cho vợ con trú ẩn. Cô Hải đang mang thai 3 tháng.
“Khói bay vào nhà đặc quánh, khi đó em đã không thở được và nghĩ sẽ chết. Khi cứu hoả đến, nhờ nước phun lên làm dịu sức nóng và cả gia đình được cứu ra ngoài an toàn. Khi được đưa ra, thấy người nằm la liệt, em ngất xỉu không biết gì cho đến khi được đưa vào viện”, cô Hải nghẹn ngào nói.
Tại Khoa Phẫu thuật thần kinh, cô T.T.T.H, giáo viên Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận Thanh Xuân, dần bình phục sau ca phẫu thuật cột sống. Những ngón tay còn ám khói đen sì, cô liên tục hỏi thăm người nhà tình hình sức khoẻ chồng và các con.
Lo sợ cô H. cơ thể đang yếu ớt không chịu được nỗi đau mất con nên người thân gạt nước mắt, giấu đi sự việc. Chồng cô, dù chấn thương gãy tay sau cú nhảy thoát khỏi đám cháy, vẫn xin rời viện về quê lo tang sự cho con gái 10 tuổi. Căn hộ gia đình cô H. ở tầng 3. Nhiều năm trước, vợ chồng tích cóp mua lại căn hộ diện tích 50m2.
“Khi đó, lựa chọn sai là chết. Nhà may mắn có mái tôn hàng xóm ở tầng 2 để có thể nhảy xuống nhưng không xác định đúng điểm rơi cũng có thể lăn xuống đường. Khi đó, khó xác định sống sót”, cô H. nói.
Ngày 14/9, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội thăm hỏi cô giáo, học sinh bị thương trong vụ cháy đang được điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn |
Bà Trần Thị Hương, người cô ruột đang túc trực chăm sóc cô H., chùng giọng kể, vợ chồng cháu gái sinh được 3 người con, đứa lớn lên 10, hai đứa nhỏ lên 9 và hơn 2 tuổi. Trong đêm có cháy, hai đứa lớn dắt nhau lên tầng thượng để tránh khói lửa nhưng trong tình hình hỗn loạn, cháu lớn bị lạc, cháu bé được gia đình nào đó mở cửa kéo vào nhà. Sau đó, cháu bé được lính cứu hỏa giải cứu, cháu lớn không may tử vong. Người chồng quấn vội chiếc khăn ôm con út nhảy từ ban công tầng 3 xuống mái tôn tầng 2. Cô giáo cũng nhảy theo và bị chấn thương cột sống. Không hay tin dữ nên cô H. liên tục nói: “Cảm thấy may mắn vì cả nhà vẫn còn sống” khiến những người xung quanh rớt nước mắt.
Để học sinh tiếp tục đến trường
Đêm hôm xảy ra sự việc, qua điện thoại, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Có 30 học sinh, giáo viên là nạn nhân của vụ cháy, trong đó 10 cháu tử vong.
Thế nhưng, con số không dừng lại ở đó. Hôm qua, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, cho biết, số học sinh tử vong tăng lên 13, trong đó có 6 em bậc THCS, 5 em bậc tiểu học và 2 trẻ mầm non. Trong số học sinh tử vong ở đám cháy có 6 em học Trường THCS Khương Đình (3 em học lớp 6, 2 em học lớp 7 và 1 em lớp 9).
Thương tâm hơn, có học sinh mất cả bố lẫn mẹ. Riêng Trường Tiểu học Khương Đình có 13 học sinh thương vong, trong đó 4 em tử vong. Số học sinh còn lại đang được cấp cứu, điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông…
Bộ GD&ĐT đã cử đoàn thăm hỏi, động viên cô giáo và học sinh đang được điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn. Tới thăm hỏi giáo viên, ông Trần Văn Đạt, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công đoàn ngành giáo dục (Bộ GD&ĐT) chuyển lời hỏi thăm ân cần của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, chia sẻ với những mất mát của các gia đình, động viên các cô giáo sớm vượt qua khó khăn, hoạn nạn.
“Từ khi xảy ra sự việc, thầy cô giáo cũng rất bàng hoàng, đau xót. Phòng GD&ĐT, Ban giám hiệu các trường chạy đến các bệnh viện thăm hỏi học sinh, gia đình để hỗ trợ, chia sẻ kịp thời. Ngày hôm qua, các trường cử đại diện hỗ trợ cùng gia đình thăm viếng, lo hậu sự cho học sinh xấu số”, ông Hữu nói.
Giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu, Phòng GD&ĐT, các trường học có biện pháp hỗ trợ, chia sẻ với học sinh, gia đình lâu dài để vượt qua nỗi đau, nhất là những cháu đang bị chấn thương, điều trị ở các bệnh viện.
“Rồi đây, khi được xuất viện trở về nhưng sau một cơn chấn động lớn như vậy các cháu sẽ bị ảnh hưởng đến tinh thần. Trường học cần cử giáo viên đồng hành, kèm cặp, chia sẻ để các cháu dần phục hồi, tiếp tục quay lại trường học”, ông Cương nói.
Sáng qua, Sở GD&ĐT Hà Nội, Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội dành phút mặc niệm, đồng thời phát động kêu gọi đội ngũ cán bộ, giáo viên quyên góp, chia sẻ sự đau thương, mất mát đối với học sinh và các gia đình bị nạn. Ngay trong lễ phát động, cán bộ, giáo viên ủng hộ gần 180 triệu đồng. Sau đó, các quận, huyện, trường học sẽ có hoạt động cùng chung tay chia sẻ nỗi đau.
TPHCM: Hơn 42.000 nhà trọ, nhà cho thuê tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ
Chiều 14/9, trả lời phóng viên Tiền Phong tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội và phòng chống dịch bệnh, đại diện Công an TPHCM cho biết, trên địa bàn hiện có 42.256 cơ sở là nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, nhà ở kết hợp kinh doanh luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TPHCM, cho biết, đa số nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê đều được trang bị, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, căn hộ cho thuê nói chung, nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh luôn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy và cháy lan do quá trình sinh hoạt sử dụng nhiều thiết bị điện không đúng cách, không an toàn, việc câu mắc, lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện không đảm bảo dễ dẫn đến các sự cố cháy, nổ.Vân Sơn