Vụ "bê bối Bạc Hy Lai": Nghị sĩ Anh, Mỹ vào cuộc

Vụ "bê bối Bạc Hy Lai": Nghị sĩ Anh, Mỹ vào cuộc
TP - Các nghị sĩ Anh và Mỹ đang yêu cầu Bộ Ngoại giao nước mình làm rõ thông tin liên quan cái chết bí ẩn của doanh nhân Anh Neil Heywood. Liệu ông này là điệp viên? Giám đốc Công an Trùng Khánh tiết lộ những gì, sao không được tị nạn chính trị?

> Nghi án tình, tiền trong vụ Bạc Hy Lai

Ngày 20-4, báo chí Anh, trong đó có hai hãng tin Anh BBC và Reuters đưa tin, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh muốn biết tại sao mãi về sau này, giới chức Anh mới được thông báo về nghi vấn cái chết bất thường của doanh nhân 41 tuổi Heywood và liệu ông này có từng cung cấp tin cho cơ quan tình báo Anh MI6 khi làm cố vấn cho đại lý xe thể thao Aston Martin ở Bắc Kinh.

Trong khi đó, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này cung cấp thông tin về việc Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân xin tị nạn chính trị sau cái chết của ông Heywood.

Nghi vấn điệp viên

Ban đầu, cảnh sát Trung Quốc nói rằng, ông Heywood chết (trong phòng khách sạn ở thành phố Trùng Khánh hồi tháng 11-2011) vì chứng ngưng tim sau khi uống quá nhiều rượu.

Giữa tháng này, giới chức Trung Quốc thông báo đó là vụ án mạng và nghi can số một là bà Cốc Khai Lai, vợ của Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai (nay đã mất hết chức vụ trong Đảng).

Hôm qua, ông Richard Ottaway, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh, viết thư cho Ngoại trưởng Anh William Hague: “Kính mong ngài làm rõ mối quan hệ giữa Tổng lãnh sự Anh tại Trùng Khánh hoặc Đại sứ quán Anh ở Bắc Kinh với ông Heywood trước khi ông chết. Ông Heywood từng cung cấp thông tin, trên cơ sở chính thức hoặc không chính thức, cho Lãnh sự quán hoặc Đại sứ quán Anh?”.

Ông Heywood từng làm việc bán thời gian cho Hakluyt, một hãng tư vấn kinh doanh tư nhân do các cựu sĩ quan tình báo Anh thành lập.

Tuy nhiên, người nhà ông Heywood và một nguồn tin an ninh Anh nói rằng, ông Heywood không làm việc cho tình báo Anh cũng như không có mối quan hệ với cơ quan này.

Tại Bắc Kinh, ông Heywood lái chiếc xe thể thao cũ màu xám hiệu Jaguar, mang biển số N007W3. Ông đề nghị quan chức giao thông địa phương cấp biển số này vì ông hâm mộ dòng phim về điệp viên James Bond - 007.

“Nếu ông ấy là điệp viên thật sự, tại sao lại ngu ngốc đến độ khắc số 007 lên mặt mình như vậy?”, một người quen của gia đình doanh nhân Heywood nói.

Hồi cuối tuần, Ngoại trưởng Anh nói: “Chúng tôi đã yêu cầu điều tra (về cái chết của doanh nhân Heywood). Giới chức Trung Quốc đã đồng ý tiến hành điều tra. Chúng ta đang theo đuổi vụ việc này một cách cẩn trọng nhưng kiên quyết.

Theo Ngoại trưởng Hague, giới chức Trung Quốc thông báo cho các nhà ngoại giao Anh về cái chết của ông Heywood hôm 16-11-2011.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hague không được báo cáo chi tiết về vụ việc cho đến tận ngày 7-2, một ngày sau khi ông Vương Lập Quân chạy tới lãnh sự quán Mỹ, nói rằng bà Cốc Khai Lai liên quan cái chết của ông Heywood.

Trong tuần, hai nguồn tin thân cận với cảnh sát Trung Quốc nói với các hãng tin phương Tây rằng, ông Heywood bị đầu độc (bằng potassium cyanide) sau khi đe dọa tiết lộ kế hoạch chuyển tiền ra nước ngoài của bà Cốc Khai Lai.

Cảnh sát bưng bít?

Ngày 20-4, BBC đưa tin, một nhà báo kỳ cựu của Trung Quốc nói với hãng tin này rằng, cảnh sát địa phương biết doanh nhân Heywood bị sát hại, nhưng vì sợ ông Bạc Hy Lai nên lập tức bưng bít vụ việc.

Trong số điều tra viên, ba người xin nghỉ việc, Han Pingzao, cựu phóng viên của People’s Daily (Nhân dân Nhật báo) tại Trùng Khánh, nói. “Họ rất sợ vị chính khách đó (ông Bạc)”, ông Han nói.

Tháng 1, Giám đốc Công an Trùng Khánh (nay đã mất chức) Vương Lập Quân nói với ông Bạc rằng, bà Cốc liên quan vụ án mạng. Ông Bạc nổi tiếng nhất với hai việc: trấn áp tội phạm có tổ chức và đánh bóng những người cộng sản Trung Quốc thời trước, trong khi ông Vương chịu trách nhiệm chiến dịch trấn áp.

Sau khi bị sa thải, ông Vương đến Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Thành Đô hồi tháng 2. Cuối cùng, ông được thuyết phục rời Lãnh sự quán Mỹ, rơi vào vòng tay của cảnh sát Trung Quốc.

Hai ngày qua, báo chí Mỹ đưa tin, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đang thúc giục Bộ Ngoại giao nước này cung cấp thông tin tại sao ông Vương không được cấp quy chế tị nạn.

Ông Vương được cho là mang theo tài liệu liên quan vụ sát hại doanh nhân Heywood.

Trong thư gửi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ileana Ros-Lehtinen nêu câu hỏi: Sự từ chối của các nhà ngoại giao Mỹ có dẫn tới sự thất bại trong việc bảo vệ an toàn cho ông Vương và trong việc “đảm bảo lợi ích quốc gia của Mỹ” hay không? Theo báo chí Mỹ, cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn kín tiếng trước vụ việc có thể đe dọa quan hệ Mỹ-Trung trong giai đoạn nhạy cảm: mùa thu năm nay Trung Quốc sẽ có đội ngũ lãnh đạo mới.

Nội dung cuộc gặp giữa ông Vương và các quan chức Mỹ chưa được công bố, nhưng theo báo New York Times (Mỹ), ông này mang theo “những mô tả kỹ thuật về điều tra của cảnh sát” ở Trùng Khánh.

Trong vòng 36 giờ ở Lãnh sự quán, ông Vương được phép gọi điện thoại tới Bắc Kinh để dàn xếp lối thoát an toàn cho mình.

Ông thết đãi các quan chức Mỹ một “bài thuyết trình dông dài nhưng mang tính phơi bày cơ bản về sự giao thoa u ám giữa quyền lực, chính trị và tham nhũng ở Trung Quốc”, tờ báo Mỹ viết.

Di sản nghèo nàn

Báo chí Anh ngày 20-4 đưa tin, doanh nhân Heywood để lại rất ít tiền cho người vợ Trung Quốc Vương Lộ Lộ (41 tuổi) và hai con (8 và 12 tuổi). Đại lý Aston Martin tại Bắc Kinh phải trả tiền vé máy bay cho họ đến dự đám tang của ông Heywood ở London hồi tháng 12 năm ngoái (tro cốt ông được đưa về Anh sau khi thi thể được hỏa táng ngày 18-11-2011 tại Trùng Khánh).

Theo người nhà và bạn bè của ông Heywood, doanh nhân này để lại cho vợ con tài khoản tiết kiệm bằng đồng nhân dân tệ tương ứng một vài nghìn bảng Anh.

Thực tế này khiến người ta cho rằng, các vụ giao dịch tài chính với bà Cốc, một luật sư danh tiếng, không đem lại cho ông Heywood nhiều lợi nhuận.

Ông Heywood từng học tại trường Harrow dành cho giới thượng lưu Anh, nói tiếng Trung trôi chảy, ăn mặc bảnh bao, lái xe Jaguar đã qua sử dụng, hút thuốc lá như ống khói và có bạn bè thuộc tầng lớp quý tộc Anh.

Một trong những thành viên gia đình ông Heywood đời trước là tổng lãnh sự Anh ở thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) giai đoạn 1929 - 1935.

Con của ông Heywood học trường quốc tế ở Bắc Kinh với mức học phí hơn 50.000 USD/năm. Tuy nhiên, bạn bè của doanh nhân này nói gia đình ông sống không xa hoa.

Trước thông tin báo Anh đưa rằng doanh nhân Heywood có quan hệ tình cảm với bà Cốc, một người bạn của gia đình doanh nhân Heywood nói: “Ông rất quý vợ con. Ông ấy dành nhiều thời gian ở nhà”.

Thái An tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG