Vụ 'án oan 10 năm': Ông Chấn sẽ vô tội khi đình chỉ điều tra

Vụ 'án oan 10 năm': Ông Chấn sẽ vô tội khi đình chỉ điều tra
TP - Hội đồng thẩm phán - TAND Tối cao đã hủy các bản án kết tội ông Thanh Chấn ở Bắc Giang để điều tra lại từ đầu, nhưng ông Chấn phải được đình chỉ điều tra mới được xem là vô tội.

> Vụ 'án oan 10 năm': Tòa phúc thẩm chịu trách nhiệm chính
> TOÀN CẢNH VỤ ÁN 10 NĂM TÙ OAN TỘI GIẾT NGƯỜI

Đã được hủy án, tạm tha về với gia đình, song vẫn còn một chặng đường tố tụng nữa ông Chấn mới chính thức được minh oan
Đã được hủy án, tạm tha về với gia đình, song vẫn còn một chặng đường tố tụng nữa ông Chấn mới chính thức được minh oan.

Đó là quan điểm của luật sư Nguyễn Chiến, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, khi trao đổi với Tiền Phong xung quanh vụ “án oan 10 năm”.

Phải chứng minh ông Chấn không có tội

Việc Hội đồng thẩm phán - TAND Tối cao ra kết luận hủy các bản án tuyên ông Chấn chung thân về hành vi giết người, để điều tra lại từ đầu, đã được coi là vô tội chưa, thưa luật sư?

Trong tình huống này, TANDTC đã chấp nhận quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện KSNDTC, khi thấy xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án. Như vậy, khi Lý Nguyễn Chung đầu thú - thừa nhận chính mình mới là thủ phạm gây ra cái chết cho chị Hoan hơn 10 năm trước, cơ quan điều tra có thể căn cứ vào đó để đình chỉ điều tra đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Và việc đình chỉ điều tra này được hiểu ông Chấn không có tội. Tuy nhiên, trước khi đình chỉ, cơ quan điều tra phải chứng minh được ông Chấn không có tội.

Vậy giả thiết, Lý Nguyễn Chung không phải thủ phạm thì sao?

Chúng tôi cũng đã nghĩ đến điều này. Về lý thuyết, mọi chuyện đều có thể xảy ra, do vậy phải chờ bản kết luận điều tra của cơ quan chức năng. Họ phải xác định rõ ai là kẻ đã gây ra cái chết cho chị Hoan, khi đó mới có thể khẳng định chắc chắn ai là thủ phạm, trên nguyên tắc một người chỉ được coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật.

Luật sư Nguyễn Chiến
Luật sư Nguyễn Chiến.

Tái thẩm là có cơ sở

Dư luận đặt câu hỏi, việc Viện KSNDTC quyết định kháng nghị theo thủ tục tái thẩm chứ không phải giám đốc thẩm sẽ làm giảm nhẹ trách nhiệm của các cơ quan tố tụng?

Các quy định về kháng nghị tái thẩm hay giám đốc thẩm được thể hiện rất rõ trong quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Kháng nghị tái thẩm là có sự xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án, còn kháng nghị giám đốc thẩm là những sai phạm nghiêm trọng tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

Theo nội dung kháng nghị của Viện KSNDTC, vụ án này vừa có những sai phạm nghiêm trọng về tố tụng, nhưng cũng lại vừa có tình tiết mới. Điều này dễ dẫn đến những hoài nghi trong dư luận, và việc họ đặt ra các câu hỏi đó hoàn toàn dễ hiểu.

Bên cạnh đó, quá trình xét xử cũng như thụ án, cả bị cáo và vợ đều có đơn kêu oan, thậm chí, vợ ông Chấn đã đưa ra được những tài liệu quan trọng chứng minh Lý Nguyễn Chung là thủ phạm vụ án, do vậy cũng cần xem xét liệu tình tiết đầu thú của Chung có được coi là tình tiết mới không?

Quan điểm cá nhân tôi, trong vụ án này, dù có nhiều sự kiện đan xen (cả sai phạm về tố tụng, cả tình tiết mới) nhưng tình tiết Chung đầu thú được xem là quan trọng nhất, có thể thay đổi toàn bộ cục diện vụ án, và như thế, khi kháng nghị tái thẩm là có cơ sở hơn.

Vậy vấn đề bồi thường sẽ được xem xét như nào, khi giả thiết ông Chấn vô tội?

Trong tình huống đó, căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cụ thể là Điều 32 quy định Tòa án cấp phúc thẩm sẽ có trách nhiệm bồi thường, bởi đã bị tòa tái thẩm hủy án. Bên cạnh đó, sau khi cấp có thẩm quyền xem xét những sai phạm về hoạt động tư pháp, rất có thể cả 3 cơ quan tố tụng (cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và tòa án) đều phải có trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường tổn hại vật chất lẫn tinh thần cho ông Chấn, trên cơ sở thương lượng giữa các bên.

Cảm ơn luật sư!

Tòa án cấp phúc thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp:

a) Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Tòa án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

b) Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Tòa án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án phúc thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội;

c) Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Tòa án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.

(Khoản 2, Điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.