> Bắt 6 người chở lậu 92 kg vàng trên xe ôtô
Nguyễn Ngọc Luân, Nguyễn Thị Tuyết Vân.
Tiếp nhận kết luận điều tra và hồ sơ vụ án dài hơn 2.100 trang giấy, VKS tỉnh Tiền Giang ra bản cáo trạng truy tố hai đối tượng cầm đầu là Nguyễn Thị Tuyết Vân và Nguyễn Ngọc Luân tội “buôn lậu” theo khoản 4 điều 153 BLHS với hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Năm đồng phạm khác cũng bị truy tố cùng tội danh.
Đây là vụ “buôn lậu” vàng xuyên biên giới gây chấn động dư luận được Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang khám phá đầu năm 2010, bắt quả tang số vàng lậu lên đến 92kg. Chỉ một thời gian ngắn, đường dây buôn lậu đã tuồn vào TPHCM một lượng vàng lớn, làm ảnh hưởng đến thị trường vàng vốn tiềm ẩn sự biến động...
"Cao thủ" buôn lậu
Trước khi trở thành “cao thủ”, cầm đầu đường dây buôn lậu vàng xuyên biên giới, Nguyễn Thị Tuyết Vân (SN 1966, tự Út Vân, ngụ phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang) trải qua khá nhiều nghề.
Sinh ra ở Tịnh Biên, An Giang trong một gia đình rất nghèo, Vân mồ côi cha khi mới ba tuổi. Học chưa hết lớp hai thì nghỉ, Vân theo mẹ lên thị xã Châu Đốc tìm kế sinh nhai.
Năm 1980, Vân mới 14 tuổi nhưng đã biết kiếm sống bằng nghề bán thịt heo ở chợ Châu Đốc. Lấy chồng ở tuổi 17, Vân chuyển qua bán vải tại chợ Châu Đốc. Trước khi trở thành bà chủ xe khách tốc hành chạy tuyến Châu Đốc - TPHCM vào năm 1988, Vân có hơn một năm mua bán thuốc lá, phần lớn là thuốc lậu.
Từ năm 1990 đến 1998, Vân kinh doanh mặt hàng đá quý (cẩm thạch) tại số 25B Chi Lăng, phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc.
Ngày 19-5-1998, Vân bị Cơ quan An ninh điều tra Công an An Giang khởi tố và bắt tạm giam về tội “buôn lậu”. Đến ngày 13-4-2000, VKS tỉnh An Giang đình chỉ điều tra. Thoát nạn, Vân mở cửa hiệu cầm đồ và gia công phân kim vàng.
Quá trình làm ăn, Vân quen biết Tăng Ly Sun là chủ tiệm vàng gần khu vực chợ Olympic, thành phố Phnôm Pênh, Campuchia. Vân cho biết chỉ quen Sun từ giữa năm 2009, nhưng qua xác minh của cơ quan điều tra, hai người này có mối quan hệ “làm ăn” từ khá lâu. Sun đã từng đến nhà Vân và tặng số điện thoại di động 0085511597599 (thuê bao Campuchia) sử dụng giao dịch qua lại.
Theo lời khai của Vân, đầu tháng 10-2009 Sun chủ động điện thoại chào bán vàng, Vân liền tìm mối tiêu thụ. Khi nhận được “đơn đặt hàng” từ các chủ tiệm vàng ở TPHCM, Vân liên lạc với Sun bằng điện thoại. Sun cho người vận chuyển vàng từ Campuchia vượt biên giới, giao cho Vân tại nhà riêng số 25B Chi Lăng, thị xã Châu Đốc.
Vàng làm thành thỏi hình chữ nhật, mỗi thỏi nặng một ký; nếu Vân đặt số lượng là 5kg vàng thì một người giao, đặt 10kg thì hai người giao, đặt 30kg thì ba người giao. Họ giấu vàng trong người bằng các “đay vàng” rất chuyên nghiệp, khi đến nhà Vân thì lấy ra rất nhanh.
Vân kiểm tra số lượng rồi giao tiền cho họ rời khỏi nhà ngay để tránh bị phát hiện. Hai bên thỏa thuận: thanh toán mua vàng bằng đô la Mỹ (USD); chi phí vận chuyển từ Campuchia về Châu Đốc (nhà Vân) do Vân trả; quá trình vận chuyển, nếu bị bắt tịch thu thì Sun chịu hết.
Có “hàng”, Vân thuê người giao ngay cho các chủ tiệm vàng ở TPHCM theo số lượng đặt trước. Giữa Vân và các “mối” tiêu thụ vàng thỏa thuận: Nhận vàng xong thì thanh toán ngay bằng đồng USD; chi phí vận chuyển vàng từ Châu Đốc lên TPHCM do Vân chịu; quá trình chuyển “hàng”, nếu bị bắt thì Vân gánh trọn.
92kg vàng của Luân và Vân bị thu giữ.
Chuyến "hàng" 3,22 triệu USD
Trong số các đối tượng vận chuyển vàng, hai “đệ tử” Hồng Đức Sanh (SN 1950, ngụ ấp Khánh Mỹ, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, An Giang) và Nguyễn Văn Lợi (SN 1979, ngụ ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang) là người đươc Vân tin tưởng nhất.
Mỗi lần đi nếu dưới 5kg, Vân cho Sanh - Lợi lên xe tốc hành và trả tiền công 500.000 đồng/người/chuyến; nếu trên 5kg thì Vân cho Sanh - Lợi bao ôtô đi riêng và trả tiền công 700.000 đồng/người/chuyến.
Với phương thức và thủ đoạn trên, từ tháng 10-2009 đến ngày 2-2-2010, Vân khai đã giao Sanh - Lợi vận chuyển trót lọt 96kg vàng, bán cho hai tiệm vàng đều ở P14Q5, TPHCM của Phạm Tùng Nguyên (SN 1958, ngụ P14Q5, thợ kỹ thuật, kiêm thủ kho của Cửa hàng kinh doanh vàng bạc thuộc Công ty vàng bạc Chợ Lớn) và Tiêu Khai Phến (SN 1968, ngụ P14Q5, chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng Thuận Hưng).
Cụ thể: Vân bán cho Nguyên 14 lần với số lượng 57kg, trong đó Sanh vận chuyển và giao 6 lần với 40kg; Lợi 8 lần với 17kg. Sau khi nhận “hàng” của Vân, Nguyên nấu lại, pha thêm chì bán cho các tiệm vàng ở TPHCM thu lợi. Vân bán cho Phến 25 lần với số lượng 39kg, tất cả đều do Sanh vận chuyển. Phến không nấu lại như Nguyên mà bán thẳng cho các tiệm vàng ở TPHCM, thu lợi.
Ngoài ra, Vân còn khai nhận đã bán cho ba tiệm vàng khác ở TPHCM với số lượng 70kg. Cụ thể: bán cho bà T.T.H.V (SN 1959, ngụ P4Q6, chủ tiệm vàng K.V) sáu lần với 30kg; bán cho bà N.H.P.D (SN 1959 ngụ P5Q5, chủ tiệm vàng D.T) năm lần với 25kg; bán cho P.P.P (SN 1965, ngụ P10Q10, Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh vàng KNP, có tiệm vàng ở đường Lê Quang Sung, Q6) ba lần với 15kg. Làm việc với Cơ quan điều tra, cả ba người này không thừa nhận việc mua bán vàng với Vân.
Ngày 16-1-2010, Vân cho “đệ tử” vận chuyển 6kg vàng lên TPHCM tiêu thụ thì bị Công an thị xã Châu Đốc bắt giữ. Vân khai mang số vàng trên để trả tiền mua nhà nên được trả lại. Sau đó Vân tức tốc cho chuyển ngay số vàng trên lên TPHCM bán cho Tiêu Khai Phến, thu lợi.
Thêm một lần “thoát nạn”, Vân càng tự tin vào khả năng “điều binh khiển tướng” của mình. Sáng 3-2-2010, Vân nhận hai cú điện thoại đặt “hàng”, trong đó Phạm Tùng Nguyên cần gấp 20kg; T.T.H.V (chủ tiệm vàng K.V ở khu dân cư Bình Tiên P4Q6) cần 10kg.
Nhận điện thoại của Vân, Tăng Ly Sun cho ba người mang 30kg vàng từ Campuchia giao cho Vân tại nhà riêng lúc 19 giờ ngày 3-2-2010. Vân thanh toán ngay 1,050 triệu USD cho ba người giao vàng về đưa lại cho Sun.
Có “hàng”, Vân điện thoại cho Hồng Đức Sanh và Nguyễn Văn Lợi chuyển đi TPHCM ngay trong đêm. Sanh - Lợi có mặt tại nhà Vân để nghe “phân công”. Vân đưa cho Sanh chiếc áo “chuyên dùng” do Vân tự thiết kế, bên trong có 15 “túi”, mỗi “túi” đựng thỏi vàng một ký. 15kg còn lại giao cho Lợi, Vân chia thành bốn bọc nhỏ được quấn vải và băng keo cẩn thận, bỏ trong một túi xách.
Sanh - Lợi mang 30kg vàng lên ôtô BS:67M-2029 do Trần Phi Toàn điều khiển chờ sẵn. Trên xe còn có “chiến hữu” Lê Văn Don mang theo 62kg vàng (giá vốn 2,17 triệu USD) của một “cao thủ” buôn lậu khác là Nguyễn Ngọc Luân (anh rể Vân).
Như vậy, số vàng của Vân và Luân cộng lại là 92kg trị giá hơn 3,22 triệu USD (thời điểm tháng 2-2010) được cất giấu cẩn thận trong xe...
(Còn tiếp)
Theo Ân Thiên Cương
Công an TP.HCM