Điều người hâm mộ và các CLB quan tâm là họ có được hưởng lợi từ bản quyền truyền hình dù thuộc về AVG hay VPF. . |
Nói người, thẹn mình
Trong khiếu nại kết luận Thanh tra gửi Bộ VH-TT&DL hôm 16-2, VPF nêu ra 3 điểm mà đơn vị này cho rằng không thỏa mãn và Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã không bao quát hết tính pháp lý. Trong đó, VPF tố VFF vi phạm luật đấu thầu, đồng thời khi thương thảo, ký hợp đồng với AVG, VFF đã “đi đêm”, không thông báo chủ trương ký hợp đồng 20 năm với AVG cho các nhà đài vốn là đối tác truyền thống là VTV, VTC… cùng tham gia cạnh tranh, nhằm kiếm được bản hợp đồng có lợi cho VFF và các CLB.
Khiếu nại của VPF thể hiện rõ ràng quan điểm của đơn vị này sau khi có kết luận thanh tra. Tuy nhiên trên thực tế, cách thời điểm khiếu nại gần 2 tháng, VPF cũng đã… đàm phán với VTV về việc bán bản quyền truyền hình trong 3 mùa (2012-2014). Bằng chứng là trong thỏa thuận nguyên tắc giữa VPF và VTV ký ngày 29-12-2011, chỉ 1 ngày sau khi có Nghị quyết số 426 của VFF giao cho VPF quyền tổ chức, quản lý điều hành các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp, VPF cũng thầm lặng thương thảo với VTV và “bán” độc quyền bản quyền truyền hình cho nhà đài này.
Theo thỏa thuận nguyên tắc đã ký giữa VPF và VTV, VPF sẽ đảm bảo cho VTV là “đơn vị duy nhất có bản quyền truyền hình và quyền được phép vào sân ghi hình để phát sóng các trận bóng đá mà VTV đã mua bản quyền trên lãnh thổ Việt Nam”. Như vậy, VTC - “nhà đài” đã nhất mực chạy theo VPF khi cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình xảy ra - cũng bị VPF gạt ra ngoài không thương tiếc. Tất nhiên, số phận đối với các đài địa phương, trong đó có những “nhà đài” có đội bóng dự các giải VĐQG, hạng Nhất và Cúp Quốc gia cũng nằm ngoài “vùng phủ sóng” của VPF.
Đổi lại cho cú “đi đêm” với VTV, VPF được nhận lại 20 tỷ đồng cho mùa bóng đầu tiên, sau đó trong 2 năm còn lại của thỏa thuận, VTV sẽ trả lũy tiến 15% mỗi năm cho VPF. Ước tính giá trị hợp đồng này là trên 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, có được bản hợp “cao giá” như vậy, VPF đã bất chấp việc chưa được VFF chuyển giao quyền khai thác thương quyền truyền hình. Mặt khác, VPF chỉ trích VFF thế nào thì họ cũng “đi đêm” hệt như thế, bởi không có bất kỳ cú chào thầu, bán thầu nào được VPF thực hiện để… cạnh tranh, nhằm kiếm lợi hơn cho bóng đá Việt Nam.
Chỉ là “lật đổ” AVG?
Như chúng tôi đã phân tích, không đơn giản mà VTV chấp nhận đội giá, mua bản quyền phát sóng 3 giải đấu bóng đá Việt Nam với con số “cao ngất ngưỡng”, trên 70 tỷ đồng như thế. Bật mí của Phó Tổng Giám đốc VTV Nguyễn Thành Lương cho biết, VTV sẽ lấy tiền quảng cáo từ các đội bóng để trả lại cho VPF và các CLB. Vì thế, việc CLB có được hưởng miếng bánh thơm hơn phần được chia từ hợp đồng giữa VFF và AVG hay không, mọi thứ còn rất… mơ hồ.
Vấn đề ở chỗ, nếu VPF giành được quyền kiểm soát bản quyền truyền hình và bán độc quyền cho VTV, cũng không có gì đảm bảo, mật độ phủ sóng, xuất hiện của các trận đấu trên sóng truyền hình cao gấp bội. Bởi việc VPF bán độc quyền bản quyền cho VTV, hiểu nôm na cũng giống như cái cách K+, đứa “con đẻ” của VTV, đã độc quyền các trận đấu Super Sunday của giải Ngoại hạng Anh sau khi giành được bản quyền phát sóng giải đấu này.
Trước khi có hợp đồng giữa VFF và AVG, thực tế cách VTV truyền trực tiếp đều có những toan tính của nhà đài này. Nói như Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, đàm phán và làm ăn với VTV rất khó, vì có quá nhiều điều tế nhị. Hơn thế nữa, mùa V-League 2011, chính HN.ACB của bầu Kiên từng nếm trải quả đắng khi VTV lắc đầu, không chọn bất cứ trận đấu nào của đội bóng này để truyền hình trực tiếp. Một phần là do Hà Nội ACB không máu “quảng cáo” thông qua VTV, giống như nhiều đội bóng khác tại V-League đã làm như vậy.
VPF và trực tiếp là bầu Kiên, người được VPF giao phó lo liệu vấn đề bản quyền truyền hình, đã đi nước cờ rất cao.
Theo SGGP