Tăng vốn ồ ạt
Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, 5 tháng đầu năm 2019, vốn FDI đăng ký mới và vốn góp mua cổ phần tại Việt Nam đạt 16,7 tỷ USD, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2018, cao nhất trong 4 năm gần đây. Trong đó, có tới 3.160 dự án góp vốn, mua cổ phần (với 7,65 tỷ USD đăng ký), gấp 2,8 lần cùng kỳ năm ngoái. Các dự án cấp mới, góp vốn mua cổ phần tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 935 lượt góp vốn, đạt trên 5 tỷ USD. Tiếp theo là lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 904 lượt góp vốn, với 863 triệu USD.
Trong con số trên, dòng vốn FDI từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao (233 dự án cấp mới, với vốn đăng ký 1,56 tỷ USD; 46 lượt tăng vốn với 125 triệu USD; 540 lượt vốn góp mua cổ phần với 334 triệu USD). Điều này cho thấy, sự chuyển dịch mạnh mẽ của dòng vốn này vào Việt Nam. Cụ thể, năm 2017, vốn FDI Trung Quốc và Hồng Kông chỉ đạt 3,7 tỷ USD; năm 2018 tăng lên 5,8 tỷ USD và 5 tháng đầu năm 2019, số vốn này đã lên tới 7,1 tỷ USD (chiếm 42,4% vốn FDI cả nước).
Trước đây, nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, công nghệ lạc hậu nhưng nay đã có nhiều tập đoàn lớn tham gia. Năm tháng đầu năm 2019, các dự án của nhà đầu tư Trung Quốc quy mô lớn đăng ký như: Dự án Chế tạo lốp xe radian toàn thép ACTR với tổng vốn đăng ký 280 triệu USD, đầu tư tại Tây Ninh; Dự án lốp Advance Việt Nam của nhà đầu tư Guizhou Advance Type Investment Co.,Ltd, với tổng vốn đăng ký 214,4 triệu USD, mục tiêu sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang. Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Cty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.
Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử cũng có sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư Trung Quốc. Tiêu biểu như Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hồng Kông) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh.
Anh Nguyễn Ngọc Lương, Cty VNPT Technology chuyên sản xuất cung cấp linh kiện điện tử dự đoán, khi có các nhà đầu tư lớn, thiết bị điện tử sẽ phải cạnh tranh gay gắt. Lượng khách hàng trong nước hiện nay gần bão hòa, nhu cầu không tăng đột biến. Nhiều mặt hàng thậm chí phải giảm giá bán.
“Ví dụ với thiết bị mạng, nhu cầu thị trường khoảng 10 triệu thuê bao mới và khách hàng thường xuyên 1 triệu thuê bao. Nhu cầu không đổi trong khi lượng hàng sản xuất nhiều nên cạnh tranh sẽ gay gắt hơn”, anh Lương cho biết.
Đại diện Tập đoàn Sao Đỏ (Hải Phòng), chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ cho biết, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc trực tiếp đến khảo sát, thương thảo việc thuê đất. Tiêu biểu như đoàn lãnh đạo ban quản lý khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, Ban Quản lý khu phát triển kinh tế và công nghệ khu vực Mông Tự và doanh nghiệp của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đến khảo sát.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng một phần do: Tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung Quốc. Mặt khác, Việt Nam đã cam kết thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam để hưởng lợi về chính sách thuế của các hiệp định này.
Cần chế tài để sàng lọc nhà đầu tư
Trước thực tế dòng vốn FDI từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào chính sách ưu đãi đầu tư “dựa trên hiệu quả” và tăng cường hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả của các dự án FDI. Việt Nam ưu tiên các nhà đầu tư có dây chuyền công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến phù hợp với xu hướng sản xuất theo chuỗi liên kết để phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước.
“Thu hút nguồn vốn FDI không để nhà đầu tư tìm đến Việt Nam với mục tiêu tận dụng thị trường lao động giá rẻ, chi phí dịch vụ tiện ích thấp. Đặc biệt, không để Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm phân tán rủi ro trong chiến tranh thương mại”, ông Lâm kiến nghị.
Cảnh báo về nguy cơ doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ lạc hậu vào nước thứ 3 (trong đó có nguồn vốn từ Trung Quốc) đã được các chuyên gia đưa ra từ trước đó và liên tục cảnh báo. Theo ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trước sự xuất hiện của các FTA, Việt Nam cần có sự thay đổi cơ bản về thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới. Việt Nam cần tập trung nghiên cứu, áp dụng những cơ chế, chính sách hợp lý hơn để thu hút FDI đồng thời để nâng cao chất lượng hoạt động đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
“Trung Quốc là nước xuất khẩu rất nhiều nguyên, phụ liệu vào Việt Nam. Do đó, không loại trừ họ đầu tư vào đây sản xuất để lấy xuất xứ từ Việt Nam, tận dụng những FTA Việt Nam cam kết để hưởng lợi thuế khi xuất ra nước ngoài, tránh lệnh áp thuế từ Mỹ”, ông Mại cho biết.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ mới đây cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện chuyển dịch nguồn vốn “đầu tư” sang Việt Nam. Dòng vốn đầu tư nước ngoài thường tìm đến nơi có thị trường ổn định, chi phí lao động thấp. Vốn FDI cũng sẵn sàng “ra đi” nếu như lợi nhuận của doanh nghiệp FDI không đạt và ưu đãi không còn. Vì vậy, Việt Nam phải hết sức bình tĩnh trong việc chọn lọc các nhà đầu tư hiện nay. Đồng thời, phải có chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư hướng tới công nghệ cao.
“Tôi nghĩ rằng, có 2 giải pháp chúng ta phải ưu tiên. Thứ nhất là chọn lọc về mặt công nghệ, phải có hàng rào kỹ thuật để làm việc này. Thứ hai, kết nối được doanh nghiệp FDI với ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Doanh nghiệp nước ngoài nào thỏa mãn được 2 tiêu chí này sẽ được ưu tiên. Có như vậy, chúng ta mới mang được về những lợi thế”, ông Ngân đề xuất.
Ông Ngân cũng cho rằng, cần phải hết sức thận trọng đối với đầu tư nước ngoài. Vốn FDI có thể “ra đi” ngay khi doanh nghiệp thấy bất lợi. Trung Quốc là một ví dụ. Cho nên, nếu không kết nối được doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, không tính toán được việc chuyển giao công nghệ, chúng ta sẽ gặp những khủng hoảng trong tương lai.
Năm 2017, vốn FDI Trung Quốc và Hồng Kông vào Việt Nam chỉ đạt 3,7 tỷ USD; năm 2018 tăng lên 5,8 tỷ USD và 5 tháng đầu năm 2019, số vốn này đã lên tới 7,1 tỷ USD (chiếm 42,4% vốn FDI cả nước).