Báo cáo Quốc hội về việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2011 – 2015, cả nước cổ phần hóa 508 doanh nghiệp, với tổng giá trị thực tế doanh nghiệp trên 760 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước hơn 188 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng cho biết, tổng vốn điều lệ theo phương án được phê duyệt của 508 doanh nghiệp là 197 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ hơn 128 nghìn tỷ đồng (bằng 65%). Trong 9 tháng của năm 2016, đã có 49 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị thực tế doanh nghiệp là hơn 31 nghìn tỷ đồng.
Trong số 557 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong giai đoạn từ 2011 đến hết tháng 9/2016, đã có 426 doanh nghiệp triển khai xong việc bán cổ phần lần đầu, trong đó 254 doanh nghiệp bán cổ phần theo phương án được duyệt, còn 172 doanh nghiệp không bán được toàn bộ số cổ phần theo phương án cổ phần hóa. Sau khi bán cổ phần lần đầu, tổng giá trị vốn điều lệ của 426 doanh nghiệp trên 184 nghìn tỷ đồng, giảm 1.530 tỷ đồng so với số vốn điều lệ theo phương án cổ phần hóa đã
được duyệt.
Sau khi cổ phần hóa lần đầu, có 70 DNNN nắm giữ trên 90% vốn điều lệ, bao gồm 15 tập đoàn và tổng công ty, trong đó có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Lilama, Tổng công ty Viglacera.
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016-2020, cổ phần hóa tiếp tục được mở rộng tới các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước lớn. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế liên quan hướng dẫn phù hợp nhằm xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức định giá sát với giá thị trường, tiếp tục bán cổ phần công khai, minh bạch...