Với người có mặt tại 8 Đại hội Đảng toàn quốc

Ông Nguyễn Văn Vinh tác nghiệp tại Đại hội Đảng XI
Ông Nguyễn Văn Vinh tác nghiệp tại Đại hội Đảng XI
TP - Nguyên là tay máy kỳ cựu của Đài Truyền hình Việt Nam, giờ làm cho Hãng Reuters, ông Nguyễn Văn Vinh đã có mặt tại 8 kỳ Đại hội Đảng. Không chỉ có vậy, ông là chứng nhân, là người ghi hình ảnh của nhiều sự kiện trọng đại, nhiều nhân vật tầm cỡ trong lịch sử...
Ông Nguyễn Văn Vinh tác nghiệp tại Đại hội Đảng XI
Ông Nguyễn Văn Vinh tác nghiệp tại Đại hội Đảng XI.

Thi thoảng trong những sự kiện như họp Quốc hội, Đại hội Đảng toàn quốc... tôi vẫn thường được gặp ông, người quay phim chính của Hãng Reuters thường trú tại Hà Nội.

Với các đồng nghiệp làm ở nhiều hãng tin danh giá của quốc tế có cơ quan đại diện tại Việt Nam, cánh phóng viên quốc nội chúng tôi thường kính nhi viễn chi đứng xa mà ngó có lẽ ngại-nể cung cách lẫn phương tiện tác nghiệp mà giữa chúng tôi với họ hơi bị chênh?

Hãng Reuters, với bề dày hơn 160 năm, hơn 600 đài TH trên khắp thế giới thường xuyên vẫn hằng buổi phát lại hình và ảnh của Reuters đủ biết tiêu chuẩn người ta đã lựa người vào làm như thế nào!

Nguyễn Văn Vinh là người có cơ may được chọn để có mặt tại nhiều sự kiện trọng đại tầm cỡ... Những lần ghi hình các yếu nhân như Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt... Rồi các lần làm việc tại các kỳ Đại hội Đảng 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, và giờ là 11.

Chợt chút bồi hồi nhớ lại những năm tám mươi đầu chín mươi của thế kỷ trước, nói nghe mà xa nhưng mới hơn hai chục năm chứ mấy, tôi và ông Vinh vẫn đụng nhau thân ái trong những bận rong ruổi dưới gầm giời Nam. Khi đó ông là một tay máy vững của Đài Truyền hình Việt Nam.

Bây giờ đã ở tuổi lục tuần, nhưng ông không khác đi bao nhiêu vóc dáng những năm đã xa xa ấy... Cung cách ăn vận xuềnh xoàng, nhất là chiếc quần bò cũ nhưng đem lại cho ông vẻ khỏe khoắn trẻ trung. Ông đã về hưu nhưng Hãng Reuters vẫn cần đến tay máy cứng của ông?

Lần mới đây nhất là đang chen ở chỗ bà Tổng Giám đốc UNESCO thăm Hoàng thành Thăng Long, tôi cũng đụng ông với những bồ hôi bồ kê dầm dề. Ông hé ra một dự định là làm một xê ri hình ảnh độc đáo về sự có mặt hiếm hoi của người đứng đầu cơ quan văn hóa giáo dục của Liên Hiệp Quốc dịp Ngàn năm Thăng Long.

Vẫn biết ông là tay máy cứng nhưng vẫn ngạc nhiên lẫn bất ngờ với cung cách hành nghề. Bữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng online (trực tuyến) trực tiếp với bàn dân thiên hạ, ông không khư khư máy chỗ nhân vật chính mà vác ra ngoài phố! Ông muốn ghi lại những nét biểu cảm của người dân khi trực tiếp được chứng kiến người đứng đầu chính phủ bộc bạch...

Nhác thấy ông thấp thoáng trong cánh phóng viên theo dõi Đại hội Đảng XI, nhà báo Lương Phán (một phóng viên kỳ cựu của Đài TNVN dù đã về hưu vẫn được hết VietnamNet rồi Dân Trí mời làm) là người rỉ tai tôi đầu tiên rằng, có lẽ Nguyễn Văn Vinh là người có mặt tại nhiều lần Đại hội Đảng toàn quốc nhất trong số các nhà báo theo dõi đưa tin lần này: 8 kỳ!

Lâu rồi, tôi có dịp được ngồi với ông một vài buổi. Mặc dù ông không muốn, nhưng tôi cố nèo để được lật giở chồng ảnh đen trắng hầu hết đã xuộm vàng màu thời gian.

Có thể Nguyễn Văn Vinh là người có cơ may được chọn để có mặt tại nhiều sự kiện trọng đại tầm cỡ... Những lần ghi hình các yếu nhân như Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt... và các lần làm việc tại các kỳ Đại hội Đảng 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, ông chụp hoặc có người chụp hộ, ông đều có ảnh! Xa hơn là những tấm ảnh ghi lại buổi quay hình nữ nghệ sĩ Mỹ Giên Phônđa (Jane Fonda), những nhân vật, bạn bè quốc tế đến với Việt Nam trong những năm bom đạn.

Ông Vinh là một trong những người có duyên ghi hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có lần ông bộc bạch thế này, trong nghề quay phim, gặp rất nhiều nhân vật cỡ VIP, nhiều người ông chỉ quay, chỉ nhìn, chứ tuyệt nhiên không có cảm giác muốn bắt chuyện! Nhưng với Đại tướng, ông Vinh luôn muốn hỏi thêm một cái gì đó, nghe nói thêm một câu gì đó, và, nói chung, muốn nấn ná bên Đại tướng càng lâu càng tốt.

Thời gian ông ở lâu nhất bên Đại tướng là chuyến đi lịch sử kéo dài hai tháng rưỡi thăm 12 nước châu Phi năm 1980. Có một xen (cảnh) trong bộ phim tài liệu. Người xem thấy trong xen đó hình ảnh sinh động của Đại tướng trong cuộc nói chuyện với các sĩ quan quân đội Madagascar, nhưng chưa biết là Đại tướng đã dùng tiếng Pháp rất lưu loát để nói trực tiếp trong những tràng pháo tay kéo dài. Tôi cũng được ngó qua một bức ảnh nữa. Trong đó, ông Vinh không thể trẻ hơn bên Tướng Giáp trẻ trung phong độ chụp ở thành phố Trắng, Algeria.

Ông Nguyễn Văn Vinh, thứ hai từ phải sang (Ảnh tư liệu)
Ông Nguyễn Văn Vinh, thứ hai từ phải sang (Ảnh tư liệu).

Sau này, chuyển sang làm cho Hãng Reuters, vào ngày 30-3-2004, nhân kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Vinh đã quay cuộc phỏng vấn độc quyền Đại tướng đúng một tháng trước khi ông gặp chung tất cả phóng viên nước ngoài tại nhà khách Chính phủ (30-4-2004). Hay cuộc gặp giữa Đại tướng với các anh em đồng hao của ông, trong đó có Trung tướng Phạm Hồng Cư.

Chuyện ông Vinh chứng kiến tại buổi nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông này lần đầu tiên sang nước Việt Nam thống nhất vào năm 1995 phải dung lượng một bài báo tày tặn thì mới tải đủ.

Nguyễn Văn Vinh bước vào nghề quay phim truyền hình từ khi Đài Tiếng nói Việt Nam chuẩn bị cho buổi phát sóng đầu tiên (7-9-1970).

Bây giờ, rất nhiều người đã quá quen với câu nói của Tướng Giáp: “Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi là quyết định kéo pháo ra khỏi trận địa ở Điện Biên Phủ”. Trong câu chuyện với ông Vinh, mới biết câu ấy xuất xứ trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Đại tướng với Hãng Reuters đã lâu.

Qua ông Vinh, cũng được biết thêm, thời gian Đại tướng còn khỏe và điều kiện cho phép, mỗi dịp 30 tháng tư hay mồng 7 tháng 5 khi thực hiện phóng sự vào những dịp ấy, Reuters đều luôn tìm hiểu đánh giá của Đại tướng về công cuộc đổi mới, nhất là đổi mới và phát triển kinh tế, và liệu thế hệ trẻ có tiếp bước được cha anh hay không. Và Đại tướng đã luôn nói rằng ông mong muốn có những Điện Biên Phủ trên mặt trận kinh tế.

... Thừa hưởng lòng say mê nhiệt thành cùng chút kinh nghiệm với nghề ảnh của ông cụ thân sinh, Nguyễn Văn Vinh đã vươn lên, khẳng định tay nghề bằng nghị lực tự học. Cả vốn tiếng Anh cũng thế. Mãi sau này ông mới được đào tạo cơ bản qua trường lớp.

Cụ Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng GĐ của Đài TH Việt Nam có kể tôi nghe lần ông và Nguyễn Văn Vinh tháp tùng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch sang họp hội nghị JIM ở Jacarta năm 1988, tình cờ hai thày trò nghe thoáng qua chương trình phát tiếng Anh 15 phút của đài bạn...

Nguyễn Văn Vinh đã sốt sắng, đài THVN nên có chương trình này, tại sao không? Đó là thời điểm manh nha để chương trình tiếng Anh được phát vào ngày 24-6-1991 vào dịp ĐH Đảng lần thứ VII, khởi đầu cho chương trình thông tin đối ngoại của Đài THVN.

Ngày khai mạc Đại hội Đảng XI, ông Vinh có vẻ như chững chạc hơn trong bộ vét vừa khít khác với vẻ dân dã phong sương thường thấy khi ông diện bộ bò cố hữu. Người từng hướng ống kính vào những sự kiện quan trọng của đất nước ấy bữa nay đến Đại hội cùng một đồng nghiệp trẻ khác của Reuters mà cánh báo chí vốn quen biết nhau gọi là đệ của ông Vinh.

Với người có mặt tại 8 Đại hội Đảng toàn quốc ảnh 3

Nhưng trong hội trường, thi thoảng trong khi tác nghiệp, ông Vinh vẫn tranh thủ cầm máy ý chừng trợ giúp cho đồng nghiệp những xen khó? Có một lúc đứng với nhau, giữa câu chuyện lúc đứt lúc nối, một đồng nghiệp hỏi ông Vinh rằng từ năm 1976 đến nay, từng có mặt ở 8 lần đại hội như thế này, ấn tượng nào được coi là sâu sắc và đáng nhớ?

Tôi từng nghe qua về những nhận xét rằng ở một vị trí công việc nhạy cảm này khác mà tay máy Nguyễn Văn Vinh với hình ảnh mà ông từng thu lẫn phát, lại chẳng mang một sắc thái một ngôn ngữ riêng đó sao? Vừa được việc cho Hãng vừa tôn thêm vị trí của đất nước mình... Điều đó khó lắm thay! Có một nhà báo tận tuỵ sắc sảo Nguyễn Văn Vinh đằng sau những khuôn hình thước phim ấy...

Trở lại với câu hỏi khó của đồng nghiệp nọ, ông Vinh cười, chất giọng nhỏ nhẹ khiêm tốn rằng ông chỉ chia sẻ những ấn tượng về đổi mới trong lĩnh vực đối ngoại thôi vì đây là địa hạt của mình. Từ đại hội đến đại hội là những quá trình Đổi Mới. Việt Nam đã đổi mới trước khi Liên Xô sụp đổ.

Trong bối cảnh cực kỳ phức tạp mà Việt Nam thoát khỏi bao vây cấm vận rồi ngoại giao đa phương hóa. Rồi tiến tới chìa và nắm lấy những bàn tay tin cậy với sách lược làm bạn vơi tất cả các nước và bây giờ đang làm cái việc hội nhập sâu rộng vì lợi ích quốc gia quốc tế...

Nội việc đó cũng là một tài tình lẫn ấn tượng! Hy vọng ở Đại hội XI này sẽ chọn được những sứ giả tài giỏi mang sứ mệnh hòa bình đến thế giới với một mục đích tối thượng vì một Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.