Thông tin trên được Chủ tịch CLB Nguyễn Giang Đông xác nhận với phóng viên Tiền Phong hôm 3/4. Theo ông Đông, sau khi chính thức chuyển vào TPHCM, CLB Hà Nội sẽ tăng vốn điều lệ từ 25 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng.
Trong 100 tỷ đồng vốn, 70-75% sẽ thuộc về các cổ đông lớn. Phần còn lại khoảng 25-30% sẽ được bán ra đại chúng một cách rộng rãi. Mỗi CĐV có thể thể hiện tình yêu với bóng đá bằng việc góp mua cổ phần. Mỗi cổ phần có giá 10.000 đồng. Theo ông Đông, CLB chấp nhận việc mua nhỏ lẻ, như việc CĐV chỉ cần…100.000 đồng cũng sẽ trở thành cổ đông. Tuy nhiên, CLB đồng thời cũng đặt giới hạn về số lượng cổ phần lớn nhất 1 tổ chức hoặc cá nhân có quyền đặt mua.
“Chúng tôi quan niệm tình yêu với bóng đá thì không có lớn nhỏ. Mỗi CĐV đều có quyền chia sẻ trách nhiệm, tình cảm của mình đối với đội bóng” - ông Đông nói.
Theo tìm hiểu, hiện đã có một loạt tập đoàn, doanh nhân lớn đặt mua cổ phần của CLB Bóng đá Hà Nội. Trong số này gồm cả những người đang hoạt động trong lĩnh vực bóng đá. Theo ông Đông, CLB hiện đang nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính có uy tín để thực hiện việc phát hành cổ phiếu. Ông Đông cho biết, theo kế hoạch, CLB sẽ hướng tới phát triển như một doanh nghiệp thực thụ. Công ty hoạt động như một công ty cổ phần đại chúng trên sàn chứng khoán, nên hằng năm hoạt động kinh doanh đều được báo cáo minh bạch. Đây thực tế cũng là định hướng của LĐBĐVN đối với các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên qua nhiều năm, việc này còn mang nặng tính hình thức.
CLB Hà Nội đổi tên thành CLB Sài Gòn
Với định hướng trên, bên cạnh lĩnh vực bóng đá, CLB Bóng đá Hà Nội còn hướng tới đầu tư vào các mảng khác, ví dụ như bất động sản, chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp. Lợi nhuận từ các hoạt động này sẽ bổ trợ cho bóng đá. “Đối với bóng đá, chúng tôi xác định rằng ở thời điểm hiện tại doanh thu từ bán vé, kinh doanh các sản phẩm có liên quan chưa thể lớn như chờ đợi. Sau khi vào TPHCM, chúng tôi sẽ nghiên cứu để đưa ra giá vé cụ thể. Giá cần hợp lý, phù hợp với điều kiện của người hâm mộ”, ông Đông nói.
“Rất ít các CLB Việt Nam hiện thu được lợi nhuận từ bóng đá, vậy các cổ đông của CLB bóng đá Hà Nội có thể trông đợi bao giờ sẽ có lãi?”, là câu hỏi phóng viên Tiền Phong đặt ra đối với ông Đông. Trước câu hỏi này, ông Đông thẳng thắn thừa nhận rằng, trong 1-2 năm đầu tiên, CLB dự tính cổ đông chưa thể có cổ tức. Nhưng từ năm thứ 3 trở đi, khi hoạt động đã vào “phom”, CLB tự tin sẽ có bước chuyển mạnh mẽ về tài chính.
Trước mắt, sau khi chuyển vào TPHCM, đội sẽ nhận được hỗ trợ ổn định từ các “mạnh thường quân”. Đây là cơ sở để lãnh đạo CLB cam kết duy trì và nâng cao chế độ cho cầu thủ, giúp toàn đội yên tâm tập luyện, thi đấu trong môi trường mới. Chốt lại, ông Đông vẫn mong đợi sẽ nhận được những tình cảm nồng hậu từ người hâm mộ Sài thành. “Chúng tôi làm bóng đá không phải chỉ một năm hay vài năm, vào Sài Gòn cũng muốn hướng tới gắn bó lâu dài, ổn định. Ước muốn thì nhiều, nhưng tựu trung làm bóng đá thì rất cần được sự ủng hộ của CĐV. Chúng tôi chân thành nên không ngại dị nghị, cái chưa có lúc này là thời gian để thực hiện, chứng tỏ với người hâm mộ”, ông Đông nói thêm.
Trước đó, CLB Bóng đá Hà Nội đã công bố logo mới sau khi chuyển vào TPHCM và đổi tên thành CLB Bóng đá Sài Gòn. Cụ thể, logo của đội sẽ có hình chợ Bến Thành, một biểu tượng lâu đời gắn với thành phố mang tên Bác. Theo ông Đông, kế hoạch chi tiết về việc bán cổ phần đội bóng cùng các vấn đề khác sẽ được chính thức công bố ngày 17/4 tới tại lễ xuất quân diễn ra ở TPHCM.