Võ Việt đua nở năm châu

Biểu diễn nội công Thiết tuyến. Ảnh: Trần Hà.
Biểu diễn nội công Thiết tuyến. Ảnh: Trần Hà.
TP - Sức hút khó cưỡng của các đường quyền, miếng đánh, triết lý nhân sinh cao đẹp trong võ học của các môn phái đã tạo nên sức lan tỏa của võ cổ truyền Việt Nam ra năm châu.

Học võ, học đạo làm người

Một sự kiện thu hút sự chú ý của đông đảo giới võ lâm Việt Nam và thế giới diễn ra hồi trung tuần tháng 8 vừa qua tại Hà Nội, đấy là Đại hội quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam cúp Thăng Long lần thứ 1. Hiếm có khi nào, Hà Nội lại tập trung nhiều đến vậy những cao thủ của các môn phái võ cổ truyền Việt Nam. Đông nhất trong số này là các võ phái đến từ châu Âu, châu Phi rồi châu Á, Mỹ-Latinh.

Quần hùng hội tụ, hàng loạt các tuyệt chiêu võ công được thi triển, khiến những kẻ “mắt trần” không khỏi ngưỡng vọng. Người xem có lúc lắc đầu, lè lưỡi trước các màn biểu diễn công phu như lưu đinh nội nhục (đóng đinh vào vai, kéo xe 2 tấn), bát thương thích huyệt (đâm 8 ngọn giáo vào huyệt đạo), nằm trên thiết bản để ô tô 16 chỗ cán qua người… Nhiều võ sư mang trong mình tuyệt kỹ công phu rèn luyện qua hàng chục năm trời, đã ở cận tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn khiến các “hậu bối” phải kính nể khi thi triển các tuyệt chiêu đến kinh người.

Võ Việt đua nở năm châu ảnh 1

Võ sư Trương Văn Dự phái Lâm Sơn Động biểu diễn “nhãn bì lôi công” dùng mí mắt kéo xe. Ảnh: Thanh Hà

Tuy nhiên, rất nhiều võ sinh nước ngoài khi tham dự Đại hội lần này lại cho biết, họ đã vượt hàng nghìn cây số tới Việt Nam không chỉ để tranh tài, thi thố công phu. Với họ, được về nơi phát tích võ phái của mình, thêm cơ hội hiểu hơn về võ học Việt, bái tổ mới là mong muốn lớn hơn cả. Võ sư Olivier Barbey là một trong số này.

Nổi bật với thân hình cao to, rắn chắc và khuôn mặt cương nghị, Olivier Barbey đã dành hơn nửa đời người để rèn luyện và nghiên cứu võ học. Sơn Long quyền thuật, môn phái của vị võ sư người Thụy Sỹ theo học vốn có gốc tích từ Thiếu Lâm Trung Hoa. Người thầy của Olivier Barbey, cố võ sư Nguyễn Đức Mộc được truyền miệng là đã theo học một cao thủ Thiếu Lâm trên Mà Dương Cương là Hoàng Hoa Ba. Năm 26 tuổi, ông xuất dương sang Pháp, phát dương và gây dựng nên Sơn Long quyền thuật. Trải hàng chục năm, Sơn Long quyền thuật hiện có khoảng 25.000 võ sinh.

Võ Việt đua nở năm châu ảnh 2

Màn đối luyện của môn phái Lạc Việt võ đạo. Ảnh: Mai Loan

Nhắc đến thầy, võ sư Olivier Barbey không khỏi ngậm ngùi khi nói, cùng với công phu thì tấm lòng nhân ái, đạo đức của sư phụ Nguyễn Đức Mộc là căn duyên để ông gắn bó với võ phái của mình. Năm 2009, võ sư Nguyễn Đức Mộc qua đời tại Bắc Ninh. Trong chuyến tới Việt Nam lần này, ông Olivier Barbey và các môn đồ trong phái Sơn Long quyền thuật đã thực hiện được tâm nguyện của mình, là về Bắc Ninh để bái tổ.

 Cô gái Morgane Baricault đến từ thủ đô Paris của Pháp là một trường hợp khác “bị” sức hút của võ cổ truyền Việt Nam cuốn hút. Morgane làm quen với Võ Kinh Vạn An, môn phái võ học xuất phát từ cung đình Huế từ bé, thông qua chính cha mình. Câu chuyện về mối duyên với Võ Kinh Vạn An của cha con Morgane từng được kể lại trong một bài viết trên Tiền Phong.

Ông Dichier Morgane, trong một lần đến Việt Nam năm 1994 đã cùng thầy đến xem và thách đấu với chưởng môn Võ Kinh Vạn An, võ sư Trương Quang Kim. Võ sư Trương Quang Kim trong cả 3 lần bị đối thủ tấn công đều sử dụng quyền pháp, bắt tay đối phương và đẩy ra. Cảm phục, ông Dichier sau cuộc tỉ thí này đã quay trở lại Huế, bái võ sư Trương Quang Kim làm thầy. Qua nhiều năm luyện tập, ông Dichier hiện đang mở võ đường, truyền bá Võ Kinh Vạn An ngay tại quê nhà Pháp, và 1 trong số các võ sinh chính là con gái mình, Morgane.

Từ đam mê võ Việt, Morgane cho biết cô quyết tâm tới Việt Nam, vừa để sư phụ của cha luyện võ, vừa học tiếng Việt để hiểu rõ hơn về văn hoá, võ học Việt Nam. Tại Đại hội quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, Morgane biểu diễn công phu “Lôi phong phiến” do chính sư phụ Trương Quang Kim truyền thụ.

Bách môn đua tranh, tỏa năm châu

Trước Đại hội quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, ngày 8/8 đã diễn ra đại hội thành lập Liên đoàn thế giới Võ cổ truyền Việt Nam với Chủ tịch là ông Hoàng Vĩnh Giang, một gương mặt kỳ cựu của làng võ thuật, thể thao. Đây được đánh giá là một bước tiến mới đưa võ cổ truyền Việt Nam mở rộng trên khắp thế giới. Phải mất nhiều tháng trời chuẩn bị, những người đứng ra tổ chức đại hội mới nhận được sự phê chuẩn của Chính phủ.

Theo ông Hoàng Vĩnh Giang, võ cổ truyền Việt Nam hiện đã được truyền bá ra khoảng trên dưới 50 quốc gia, với hàng triệu võ sinh. Đặc điểm của võ cổ truyền Việt Nam là được hình thành và phát triển qua quá trình dựng nước, giữ nước của cha ông. Võ Việt vì vậy là sự kết tinh của những gì tinh túy nhất, cả về võ học và đạo học. Quá trình truyền từ đời này sang đời khác, dù vậy không khỏi có những tuyệt kỹ bị mai một, biến mất cùng với sự qua đời của nhiều lão võ sư. Bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam, cả trong nước và ra ngoài thế giới vì vậy là một nhiệm vụ cần thiết của các thế hệ người Việt.

Võ Việt đua nở năm châu ảnh 3

Màn biểu diễn đóng đinh vào vai kéo xe của võ sư Nguyễn Văn Tuấn phái Lâm Sơn Động. Ảnh: Thanh Hà

Ông Hoàng Vĩnh Giang cho biết, hiện chưa có thống kê chính thức nào về các võ phái cổ truyền tại Việt Nam. Nhiều môn phái đã trải hàng trăm năm, nhưng cũng có nhiều môn mới ra đời, hoặc được phát triển từ một môn phái khác. Theo tìm hiểu, một số võ phái hiện nay ở Việt Nam vốn có gốc tích từ Trung Hoa. Khi du nhập vào Việt Nam thì được phát triển, bổ sung, mang các nét riêng của võ Việt. Võ học Trung Hoa khi sang Việt Nam đã điều chỉnh, gắn với giáo lý nhân văn của người Việt.

Một ví dụ như Lạc Việt võ đạo, môn phái được võ sư Nguyễn Thành Chung sáng lập năm 2010 dựa trên các tuyệt kỹ của môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông Bắc Phái. Người đưa môn phái này về phát triển tại Việt Nam là cố võ sư Nguyễn Văn Thơ. Võ sư Nguyễn Văn Thơ là người đặt những viên gạch đầu tiên cho việc điều chỉnh võ học Trung Hoa phù hợp với thể lực của người Việt Nam.

Theo võ sư Nguyễn Thành Chung, để một môn phái có thể lưu truyền đến hậu thế, yếu tố quan trọng là đạo. Ngoài ưu thế riêng, đường lối giao đấu độc đáo, công năng quyền biến siêu việt thì võ học phải hướng người học tới đạo đức trong sáng, cao đẹp, tâm hồn cao thượng, tính hào hiệp, trầm tĩnh và sự dũng cảm. Lạc Việt võ đạo tới nay đã có hơn 6.000 võ sinh theo học. Các lớp học được tổ chức phù hợp với từng lứa tuổi, trình độ tiếp thu của võ sinh.

Võ Việt đua nở năm châu ảnh 4 Các võ sỹ nhí biểu diễn tại Lễ khai mạc Đại hội quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam năm 2015
Theo ông Hoàng Vĩnh Giang, mục tiêu của những người đứng ra thành lập Liên đoàn thế giới võ cổ truyền Việt Nam là hướng tới đưa võ Việt ra khoảng 60 quốc gia vào thời điểm năm 2020, và lên tới 100 quốc gia vào năm 2030. Để phát dương võ cổ truyền, Chính phủ vừa qua đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ VH-TT&DL đưa võ cổ truyền vào chương trình rèn luyện thể chất trong các trường học. 
 

Võ cổ truyền Việt Nam hiện đã được truyền bá ra khoảng trên dưới 50 quốc gia, với hàng triệu võ sinh. Đặc điểm của võ cổ truyền Việt Nam là được hình thành và phát triển qua quá trình dựng nước, giữ nước của cha ông. Võ Việt vì vậy là sự kết tinh của những gì tinh túy nhất, cả về võ học và đạo học.     

Ông Hoàng Vĩnh Giang


MỚI - NÓNG