Vỡ vạc từ hồi quang văn minh Chăm-Ấn

Vỡ vạc từ hồi quang văn minh Chăm-Ấn
TP - Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu Việt Nam và Ấn Độ ngồi lại với nhau trong một hội thảo khoa học bàn về nền văn minh Champa - một nền văn hóa, văn minh vốn dày đặc những mối liên hệ khăng khít với văn minh, tôn giáo Ấn Độ từ hàng ngàn năm qua.

> Ớn lạnh ở Phật viện Đồng Dương

Không dập khuôn

Nhiều vấn đề thú vị được phát hiện, dù trước đó đã có không ít những công trình chuyên sâu của các chuyên gia hai nước, nhưng vẫn mang tính tự phát, độc lập với nhau.

Như đánh giá của Ngài J.C.Sharma - nguyên Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam: “Champa có một vị trí đặc biệt trong sự tương tác văn minh, văn hóa với Ấn Độ. Bản khắc tiếng Phạn cổ xưa nhất Đông Nam Á được phát hiện ở Champa. Linga Shiv Hoàng gia đầu tiên cũng được thành lập ở đây”.

GS.TS Anupa Pande (Bảo tàng Quốc gia New Dehli), cung cấp: Người ta phát hiện tại Chánh Lộ (Quảng Ngãi) một bức tượng khắc họa điệu múa thần linh độc đáo của thần Sarasvati được tạo tác từ thế kỷ thứ 9 (sau CN), và một tượng khác ở thế kỷ thứ 11 (sau CN) ở đền Shiva (Udeyeshwar, Madhya Pradesh, Ấn Độ).

Và chỉ có đúng 2 bức tượng như vậy về thần Sarasvati nhảy múa. “Câu hỏi của tôi là liệu có phải thần Sarasvati Ấn Độ được truyền cảm hứng từ thần Sarasvati Champa hay không ?”.

Một phát hiện của GS Brahmachari Surendra Kumar (Đại học Darbhanga), mà trước đó hầu như chưa nhà nghiên cứu Việt Nam nào nhìn ra. Đó là các bia ký (văn bia khắc trên đá) bằng chữ Phạn cổ (Sanskrit) ở các di tích, đền tháp Chăm miền Trung đã phạm nhiều… lỗi ngữ pháp!

Theo lý giải của vị GS này, có thể chúng được thuê khắc bởi những người bình thường chứ không phải những học giả thành thạo ngôn ngữ Phạn.

“Do tín ngưỡng mê tín, các học giả giỏi có thể đã không ra khỏi Ấn Độ. Tuy nhiên, những người chép thuê đã cố gắng kết hợp các chi tiết nhỏ đầy thi vị trong tác phẩm của mình”, GS. Kumar nhận xét.

Sự giao thoa và tiếp biến hài hòa, sáng tạo của văn minh Ấn Độ vào Champa đã tạo ra một vùng văn hóa “phi Hoa” độc đáo bậc nhất trong tổng thể văn hóa Việt trong lịch sử, như đánh giá của PGS.TS Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ VN).

Không hề có sự rập khuôn. Trên cơ sở hệ thống văn tự Phạn, người Chăm đã sáng tạo nên chữ viết riêng. Như giáo lý phụ quyền của Bàlamôn của người Ấn, qua cộng đồng Chăm Bàlamôn (Chăm Ahier – Ninh Thuận) trở thành chế độ mẫu hệ, mà TS Phan Quốc Anh (Sở VH-TT&DL Ninh Thuận) coi là hiện tượng “phái sinh dị biệt”.

Bởi vậy, người Chăm Ahier Ninh Thuận có tín ngưỡng thờ Kút (giữ 9 miếng xương trán sau khi hỏa thiêu), trong khi tập tục này không có ở người Bàlamôn Ấn Độ. Có nghĩa văn hóa, tín ngưỡng đã được “Chăm hóa” thành một kiểu tôn giáo dân tộc, tôn giáo địa phương đặc sắc.

Giữ nguyên tính chân xác trong bảo tồn

Thông tin Chính phủ Ấn Độ vừa hỗ trợ 3 triệu USD giúp việc bảo tồn, tu bổ Di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) lại khiến các học giả Việt…bồn chồn!

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: “Tại Việt Nam từ năm 1980 đã nghiên cứu, khảo sát, khai quật khảo cổ học. Qua nhiều cuộc tranh luận, chúng tôi kiên định theo đuổi quan điểm duy trì hiện trạng bảo tồn, ưu tiên việc cứu vãn, cải thiện tình trạng kỹ thuật của di tích; tránh khôi phục thiếu cơ sở khoa học gây ra những sai lệch cho di tích”.

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Thượng Hỷ, từng tham gia trùng tu Mỹ Sơn, nhấn mạnh: Với Mỹ Sơn, Ba Lan và Ý có cùng giải pháp và trùng tu, trong đó nhấn mạnh phương pháp chính là gia cố (Consolidation), hạn chế phục chế.

Phục dựng có thể phục hồi từng phần và đừng tạo ra sự hiểu nhầm về thành phần gốc (cũ) và thành phần xây gia cố (mới). Các giá trị trong tính chân xác cần được tôn trọng.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, Ngài Ranjit Rae khẳng định: Dự án do Viện nghiên cứu khảo cổ Ấn Độ (ASI), cơ quan đã rất thành công trong việc tu bổ Angkor Wat, Ta Prhom (Campuchia) và Wat Phu (Lào) thực hiện.

Từ tuần tới, các chuyên gia sẽ bắt tay vào khảo sát địa chất, khảo cổ rất cẩn thận. Nguyên tắc cao nhất là phải bảo đảm nguyên tính chân xác của di tích …

Hội thảo “Văn minh Chăm, mối liên hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ” do Bộ VH-TT&DL phối hợp với Đại sứ quán và Hội đồng giao lưu văn hóa Ấn Độ tổ chức tại Đà Nẵng trong hai ngày 26, 27-6. Ngoài trao đổi học thuật, chia sẻ các kinh nghiệm quản lý, trùng tu các di sản thế giới, các chuyên gia sẽ khảo sát thực địa Mỹ Sơn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG