Võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất cho biết: “Tôi rất vui mừng trước sự thành lập của Liên đoàn Võ tổng hợp Việt Nam. Điều này sẽ cho phép tổ chức nhiều giải đấu võ tổng hợp (MMA) trong nước, qua đó chúng ta có thể tìm kiếm được nhiều võ sĩ giỏi. Bên cạnh đó, Việt Nam có cơ hội quảng bá hình ảnh võ thuật của mình ra đấu trường quốc tế”. Theo “Độc cô cầu bại” của Muay Việt Nam, MMA hiện là môn võ khó chơi bậc nhất, đòi hỏi vận động viên (VĐV) phải học tất cả các môn võ khác để tổng hợp lại, nghĩa là cần phải biết đánh toàn diện các đòn tay, chân, vật, khóa siết...
“Lâu nay, tôi chỉ tập luyện và thi đấu Muay. Tôi từng giành 2 chiến thắng bằng knock-out ở ONE Championship - đấu trường võ thuật đối kháng lớn nhất châu Á, ở môn Muay. Nếu muốn đánh MMA thì tôi phải luyện thêm các đòn vật và khóa siết. Việc MMA được hợp pháp hóa ở Việt Nam sẽ là cơ hội tốt cho tôi cũng như nhiều võ sĩ khác. Trong tương lai, Việt Nam tổ chức các giải đấu MMA thì tôi sẵn sàng tham gia, vừa để thử sức, cũng vừa để hoàn thiện bản thân mình”, Duy Nhất khẳng định.
Giống như đàn anh Nguyễn Trần Duy Nhất, nữ võ sỹ Bùi Yến Ly bày tỏ vui mừng bởi Việt Nam có thêm sân chơi mới cho tất cả những người đam mê môn võ đối kháng MMA. Nổi tiếng là nữ võ sỹ Muay bất bại của Việt Nam, VĐV quê Bắc Giang còn thông thạo nhiều môn võ khác như Wushu, Kickboxing… Yến Ly cho biết, cô không ngần ngại thử sức mình ở các giải đấu MMA.
Nữ võ sĩ từng 5 lần vô địch thế giới Muay nói: “Tôi chưa có có hội thượng đài một trận đấu MMA nào, nhưng từng được ONE Championship mời tham dự. Thời điểm đó, tôi từ chối vì đang tập trung tập luyện và thi đấu Muay cho đội tuyển quốc gia. Nếu có duyên, tôi cũng muốn thử sức ở sân chơi MMA trong tương lai”.
MMA có phải môn võ nguy hiểm?
Không chỉ các VĐV trong nước, các võ sĩ gốc Việt cũng lên tiếng chúc mừng sự kiện mang tính lịch sử của võ thuật Việt Nam. Nhà vô địch ONE Championship Martin Nguyễn chia sẻ, việc MMA được hợp pháp hóa tại Việt Nam là cơ hội để những võ sĩ gốc Việt như anh trở về thi đấu ngay tại quê hương mình. “Quả thực rất hạnh phúc khi nghe tin này, tôi tin đây sẽ là một bước tiến lớn cho thể thao tại Việt Nam nói chung. Không thể chờ đến ngày tôi được thi đấu tại Việt Nam”, Martin Nguyễn.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Tổng thư ký VMMAF Mai Thanh Ba, cựu vô địch tán thủ thế giới năm 1993 cho biết, sự ra đời của MMAAF là điều cần thiết và phù hợp, trong bối cảnh nhiều người yêu thích MMA tham gia tập luyện, thi đấu giao lưu quốc tế tạo thành phong trào phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê, trên cả nước có hơn 50 CLB MMA, nổi bật như Dragon MMA Hà Nội, Saigon Sport Club với cơ sở vật chất hiện đại và số lượng người tập đông đảo lên tới 5.000.
“Trong quá khứ, văn hóa võ thuật Việt Nam chưa quen với sự du nhập ở nước ngoài. Bên cạnh đó, võ thuật Việt Nam đề cao tinh thần thượng võ nên chỉ cần võ sỹ ngã xuống đất thì trận đấu sẽ dừng lại. Đây là một trong những yếu tố chính khiến cho MMA trước đây chưa phát triển ở nước ta. Tuy nhiên, võ thuật Việt Nam đã hội nhập quốc tế và sự ra đời của VMMAF là tất yếu. Chúng tôi muốn tạo ra một sân chơi chính thống, giúp những người đam mê tập luyện và thi đấu theo đúng pháp luật, phù hợp với quy trình xã hội hóa thể thao của Việt Nam”, ông Ba nói.
Theo ông Ba, trên thực tế, MMA không phải là môn võ nguy hiểm như nhiều người nghĩ. Thống kê cho thấy các chỉ số về mức độ chấn thương, thậm chí là tử vong trên sàn đấu MMA luôn thấp hơn so với các môn võ khác. Trong thi đấu thể thao, không riêng gì võ thuật, các môn khác đều có khả năng VĐV bị chấn thương. Tuy nhiên, nhìn các môn võ có cảm giác là “bạo lực”, nhưng các VĐV tham gia đều được đào tạo chuyên nghiệp, thi đấu theo luật, đúng hạng cân và được kiểm tra y tế kỹ càng.
VMMAF đặt mục tiêu huy động tối đa những nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thúc đẩy phong trào phát triển ngày một mạnh mẽ, nâng cao sức khỏe đời sống nhân dân, đáp ứng nhu cầu tập luyện, giải trí của các tầng lớp nhân dân trong xã hội; nâng cao vị thế thành tích của nền võ thuật Việt Nam nói chung và môn võ thuật tổng hợp Việt Nam nói riêng trong các đấu trường khu vực, châu lục và trên thế giới.
“Trước mắt, chúng tôi sẽ cho tổ chức các sự kiện võ thuật, giải vô địch quốc gia, xa hơn là các sự kiện nhà nghề có mời các ngôi sao quốc tế về tham gia cùng các võ sĩ Việt Nam. Luật thi đấu sẽ áp dụng theo luật quốc tế, nhưng có thể lược bỏ một số đòn thế không phù hợp với trình độ và văn hoá của Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ mở các khoá tập huấn trọng tài, dưới sự giảng dạy của các chuyên gia nước ngoài. Các trọng tài từng tham gia các bộ môn võ thuật trong nước sẽ được tạo điều kiện để học tập, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao chuyên môn”, ông Ba cho biết.