> Xa nhau để ngày mai hạnh phúc
> Chuyện tình Hải quân: 19 năm và 285 ngày
Nhà nghèo, con bệnh
Chiều cuối tuần, chúng tôi đến thăm gia đình chị Phan Thị Tâm, vợ của thiếu úy chuyên nghiệp Phạm Thành An đang công tác ở nhà giàn DK1/11 Vùng 2 Hải quân.
Căn nhà tập thể 16 mét vuông lụp sụp, trên mái nhà phải căng bạt chằng dây, cạnh cửa ra vào vài cái ghế nhựa cũ. Đứa con trai 4 tuổi đang chơi dưới nền đất. Mời chúng tôi vào nhà, chị Tâm kể: “Ngày mới cưới khó khăn lắm. Căn phòng tập thể nóng như lò thiêu, phòng nọ cách phòng kia một vách ngăn bằng liếp, chỉ cần cái cựa mình là hàng xóm nghe được”.
Chị quay lại nhìn con gái đang học bài rồi bộc bạch: “Cháu gái đầu đấy. Đêm nào cũng nhắc bố. Mỗi lần bố về thăm nhà, nó rúc vào nách bố ngủ ngon lành. Anh ấy về là cả gia đình chen chúc ngủ chung một giường, chật một tý nhưng rất vui”.
Thiếu úy Phạm Thành An bên nhà giàn DK1. |
Năm 2001, chị Tâm và anh An kết hôn. Một năm sau, anh chị đón con gái đầu lòng. Nhưng con gái khó nuôi, ốm đau liên miên, càng nuôi càng còi cọc. Đem con lên bệnh viện khám, chị Tâm mới biết con bị rò tủy, thiếu một đốt sống.
“Ở ngoài nhà giàn, anh An cũng liên tục gọi điện về động viên mẹ con. Có hôm nghe tiếng anh nghẹn lại trong điện thoại, em biết anh ấy khóc vì thương con”. Chị Phan Thị Tâm, vợ Thiếu úy |
“Hầu như đêm nào cháu cũng bị đau bụng và đái dầm không kiểm soát được. Mỗi lần lên cơn đau, cháu lại gọi điện cho bố nói chuyện cho đỡ đau” chị Tâm kể. “Năm 2002, cháu đã mổ rò tủy một lần ở bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện cháu vẫn đặt ống trong người. Sang năm, đủ 12 tuổi phải lên phẫu thuật, lấy ống dẫn tủy ra. Ở ngoài nhà giàn, anh An cũng liên tục gọi điện về động viên mẹ con. Có hôm nghe tiếng anh nghẹn lại trong điện thoại, em biết anh ấy khóc vì thương con”, chị Tâm quay mặt giấu giọt nước mắt lăn dài trên má.
Cả hai bên nội ngoại đều ở xa (chị quê Hà Tĩnh, anh Nam Định), không có điều kiện đi lại chia sẻ nên mọi vất vả đều do một tay chị gánh vác, để chồng yên tâm canh trời giữ biển. Có lần, nửa đêm con trai ốm, chị bắt xe ôm đưa con đi bệnh viện, để con gái ở nhà một mình. Khi về nhà, con gái khóc khan cả cổ vì sợ hãi”.
Chị nói trong nước mắt: “Anh An là con đầu lòng, bố chồng thường xuyên đau yếu, mẹ chồng nằm liệt giường hơn 10 năm nay. Từ ngày cưới nhau có hai mặt con, em chỉ về quê chồng một lần để các cháu biết ông bà nội. Phần vì không có tiền mua vé tàu xe, phần vì con gái đau ốm liên miên”.
Chị bảo, khổ cực mấy chị cũng chịu đựng và vượt qua được nhưng nhiều lúc sự tủi thân, nỗi cô đơn, trống trải khiến chị không cầm được nước mắt. Nhiều khi con thơ ngây cứ hỏi bố đi đâu mãi không thấy về, chị chỉ biết động viên con học giỏi, bố đi công tác xa về sẽ có nhiều quà cho con.
Nghĩ về anh để vượt qua khó khăn
Nói về điều kiện khó khăn của những người vợ lính nhà giàn DK1, Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên nhà giàn DK1 cho biết: “Mỗi gia đình có một điều kiện hoàn cảnh khác nhau, nhưng gia đình đồng chí An khá vất vả. Mặc dù chưa có nhà ở, con cái đau yếu thường xuyên, nhưng cô Tâm luôn là điểm tựa cho chồng yên tâm công tác”. Gia đình chị Tâm hiện ở khu tập thể B Lữ đoàn 171. Tiểu đoàn cũng luôn quan tâm động viên chia sẻ, thăm hỏi tặng quà nhân dịp lễ, tết.
Hôm dẫn con gái đến tiểu đoàn DK1 nhận học bổng “Học sinh nghèo học giỏi”, chị Tâm không giấu nổi hạnh phúc. Chị bảo, cuộc sống vợ chồng chị dù còn nhiều vất vả nhưng bên chị luôn có đồng đội của chị động viên, giúp đỡ. Những đứa con khôn lớn trưởng thành là món quà ý nghĩa nhất chị dành cho chồng. “Nhiều lúc tủi thân nhưng cứ nghĩ đến chồng đang ở ngoài nhà giàn sóng gió, em lại cố gắng vượt khó khăn, chỉ mong anh khỏe hoàn thành nhiệm vụ và trở về với mẹ con em”, chị Tâm trải lòng.