Vợ hàng xóm đẻ, chồng tôi đứng ngồi không yên

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Thế rồi điều nghi ngờ, băn khoăn về thái độ của chồng tôi khi cô Mai sinh nở đã được giải tỏa. Khi một chiều đang làm cỏ lúa thì chồng bảo với tôi anh có hẹn anh bạn xóm trên lên nhà để trả tiền mua giống.

Dễ đã gần 12h đêm, vợ chồng tôi và hai đứa con nhỏ đều đã ngủ say thì tôi giật mình tỉnh giấc bởi có tiếng đập cửa gấp gáp. Tôi còn mắt nhắm mắt mở chưa hiểu chuyện gì thì đã thấy chồng nhảy 3 bước một ra mở cửa “chú Đảnh à, cô Mai trở dạ phải không?”

Ngạc nhiên sao chồng mình lại tinh như ma xó vậy khi chưa thấy người gõ cửa đánh tiếng mà chồng đã biết được là cô hàng xóm đau đẻ.

Mở cửa thấy chú Đảnh, chồng cô Mai hàng xóm run run giọng “anh, chị cho em gửi chìa khóa nhà, mai bu em lên còn có cái mà mở. Em đưa vợ em ra nhà hộ sinh xã”.

Nghe xong câu của anh hàng xóm, chồng tôi mau mắn chạy vào nhà đưa tôi chùm chìa khóa, dặn với “em cầm lấy mai đưa cho bà nhà chú Đảnh, anh đi với chú ấy vào trạm xá, nhỡ đêm hôm có chuyện gì chẳng ai giúp cô chú ấy”.

Nghe chồng nói vậy, tôi gật đầu ngay, còn giục chồng nhanh nhanh chóng chóng để kịp đi cùng vợ chồng cô chú ấy.

Khi chồng tôi quay vào nhà lấy xe, tôi giật mình nghe tiếng chồng mình lẩm bẩm “sao lại sinh sớm thế nhỉ?”

Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, chồng tôi vội vàng đánh trống lảng “à, anh bảo sao cô ấy chả nhằm ban ngày ban mặt mà trở dạ, lại nhè đúng lúc đêm hôm khuya khoắt thế này”.

Tôi bật cười, rõ cái anh này, đau đẻ còn chờ sáng trăng. Đến ngày đến tháng thì nó chui ra, chứ có ai nín được đẻ bao giờ đâu chứ…

Chú Đảnh là thợ mộc tự do, ai có việc đóng giường tủ bàn ghế hay đồ gỗ là chú làm. Có những khi chú nhận công trình ở xa nhà, dăm bữa nửa tháng mới ghé qua nhà được vài hôm rồi lại đi tít tắp.

Còn cô Mai, vợ chú thì cũng ở nhà vườn ruộng, trồng cấy như vợ chồng nhà tôi.

Mãi đến sáng sớm hôm sau, mới thấy chú Đảnh qua nhà tôi xin lại chùm chìa khóa vì mẹ chú bận, chưa lên được. Không thấy chồng đâu, tôi hỏi thì chú Đảnh nói “anh nhà bảo em cứ về cơm nước cho vợ, anh ấy trông hộ vợ em”, rồi chú còn xuýt xoa cảm ơn vợ chồng tôi, nhất là chồng tôi vì “nếu không có anh ấy thì mình em chả biết xoay sở thế nào khi vợ đẻ”.

Mãi trưa muộn chồng tôi mới về, về nhà rồi nhưng tôi thấy thái độ anh rất lạ, cứ như ngồi trên chảo lửa, đứng cũng không yên mà ngồi cũng không yên.

Nhiều khi anh ngồi ngẩn ra, tôi gọi đến mấy câu mà cũng chẳng trả lời. Đến hôm mẹ con cô Mai ở trạm xá về nhà, chồng tôi lại càng tỏ ra bứt rứt, bất an.

Anh hay ra sát bờ rào giữa nhà tôi và nhà chú Đảnh, đứng chôn chân ở đó có khi đến mấy chục phút, cứ như là đang dò la, lắng nghe động tĩnh gì phía bên nhà cô chú ấy vậy.

Hôm đầy tháng cháu bé, gà nhà đẻ được chục trứng, tôi gọi chồng đi cùng sang thăm mẹ con cô ấy, gọi là tình làng nghĩa xóm.

Thế nhưng chồng cương quyết không đi, cáo bận việc đồng áng còn dở dang, nên tôi phải đi một mình.

Thế rồi điều nghi ngờ, băn khoăn về thái độ của chồng tôi khi cô Mai sinh nở đã được giải tỏa. Khi một chiều đang làm cỏ lúa thì chồng bảo với tôi anh có hẹn anh bạn xóm trên lên nhà để trả tiền mua giống.

Làm nốt phần việc còn dang dở ở ruộng, về đến nhà tôi mới sực nhớ cô Mai có nhờ tôi mua hộ thuốc tưa lưỡi cho con bé con vì chồng cô lại đi làm ở xa.

Tất tả đạp xe ra hiệu thuốc mua xong, tôi mang qua nhà cô Mai. Đến cửa nhà, tôi nghe rành rẽ tiếng chồng mình vọng ra từ cửa buồng của mẹ con cô ấy “em không phải lo, con bé nó giống em như đúc, anh không nói, em cũng không để lộ ra thì ai mà biết được. Em cứ yên tâm nghỉ ngơi để mẹ khỏe, con khỏe. Rồi anh còn gửi thêm thằng cu nữa…”

Thảo nào mà vợ chú Đảnh đẻ, chồng tôi lại phập phồng lo sợ, nay thì anh đã yên tâm “thở phào” vì con bé giống mẹ của nó. Tôi còn hai đứa con trứng nước, giờ phải làm thế nào đây?

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.