Vợ chồng thiếu tá Phương Mai cùng ca sĩ Trịnh Phương, Tố Hoa hát như nuốt đĩa
TPO - Cả bốn ca sĩ tham gia đêm giao lưu nghệ thuật "Ánh lửa từ trái tim" đều là ca sĩ, giảng viên Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Hai vợ chồng thiếu tá, giảng viên Phương Mai - Tùng Lâm cùng ca sĩ Trịnh Phương, Đỗ Tố Hoa khiến khán phòng vỡ òa với giọng hát đẹp và giàu cảm xúc trong đêm giao lưu nghệ thuật và tri ân hơn 100 thương, bệnh binh nặng.
Chương trình Ánh lửa từ trái tim có sự tham gia của 150 đại biểu là thương bệnh binh, các y bác sĩ, cán bộ nhân viên của 14 trong số nhiều trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc người có công trên khắp đất nước. Chương trình do báo Tiền Phong phối hợp với Tập đoàn Him Lam tổ chức nhằm kỷ niệm Quốc khánh 2/9, tiến tới kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 và Ngày thành lập QĐND Việt Nam 22/12.
Chương trình có sự tham gia của nhóm nghệ sĩ giảng viên Đại học Văn hoá - Nghệ thuật Quân đội và các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long. Mở đầu cho chương trình là màn múa Việt Nam ơi, mùa xuân đến rồi do các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long trình diễn.
Ánh lửa từ trái tim được chia thành hai chương: Chiến công và Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn. Chiến công kể lại những những cống hiến, những mất mát và thử thách mà các thương binh đã và đang trải qua, Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn là câu chuyện về cuộc sống chiến đấu chống chọi với thương tật hàng ngày của các thương, bệnh binh trong thời bình.
Thiếu tá, giảng viên Phương Mai - Tùng Lâm thể hiện ca khúc Tiếng chuông yên bình - nhạc phẩm nổi tiếng của Nga, do nhạc sĩ Lê Tự Minh viết lời Việt. Phương Mai - Tùng lâm là vợ chồng nghệ sĩ, cùng công tác ở trường ĐH Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội. Thiếu tá, thạc sĩ Đỗ Thị Phương Mai là Trưởng khoa Thanh nhạc.
Thiếu tá, ca sĩ Trịnh Phương lãnh trách nhiệm hát ca khúc chủ đề Bước chân trên dải Trường Sơn (nhạc sĩ Vũ Trọng Hối). Giọng ca đẹp của anh còn khiến khán phòng lặng đi khi khép lại chương trình với Tổ quốc gọi tên mình. Trịnh Phương từng giành giải Nhất tiếng hát Army Games 2020 dòng thính phòng.
Để thể hiện tình cảm, sự tri ân với Bác 7 thương binh từ 7 trung tâm và 3 Sinh viên Đại học Kinh tế - Quốc dân Hà Nội cùng thể hiện bài Đêm Trường Sơn nhớ Bác của nhạc sĩ Trần Chung. Phần trình diễn xúc động nhờ sự kết nối về tình cảm, tinh thần giữa hai thế hệ.
Hai tiết mục xúc động Người chiến sĩ ấy do bác sĩ Phạm Thành Trụ, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An trình bày và Vết chân tròn trên cát do hai thương binh do thương binh Nguyễn Thanh Hùng (Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Bắc Giang), người mất 81% sức khỏe thể hiện.
Để ghi nhớ những chiến công, sự hy sinh của biết bao chàng trai, cô gái, họ không ngại hiểm nguy lao vào lửa đạn và nằm lại mãi mãi ở một cánh rừng, một ngọn núi, một dòng sông nào đó. Bài hát Cánh chim từ quy của nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng mang tâm trạng, sự khắc khoải khi đi tìm họ như những cánh chim từ quy… Ca khúc do ca sĩ Đỗ Tố Hoa thể hiện.
Những tiết mục văn nghệ trong Ánh lửa từ trái tim không chỉ đề cập đến những chiến công, sự hy sinh của những chàng trai, cô gái trong thời chiến mà còn là những thông điệp gửi đến thế hệ trẻ trong thời bình. Và ca khúc Tự nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh dưới phần thể hiện của ca sĩ Đỗ Tố Hoa mang ý nghĩa như vậy. Đỗ Tố Hoa là Đại úy, giảng viên Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội.
Bên cạnh những tiết mục văn nghệ, chương trình còn có phần giao lưu cùng thương binh về cuộc sống, chiến đấu hằng ngày vượt thương tật. MC Tuyết Ngân đồng hành với nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong dẫn dắt các cuộc giao lưu và chương trình nghệ thuật. Cuối chương trình, các đại diện thương binh trao cho đại diện sinh viên các vật phẩm ý nghĩa: Lá cờ Tổ quốc, chiếc mũ tai bèo và chiếc khăn rằn. Hoạt động này như một biểu tượng trao tín vật truyền nối tinh thần cách mạng, tinh thần cống hiến vì Tổ quốc giữa các thế hệ.