Vợ chồng khắc khẩu

Vợ chồng khắc khẩu
Đang yêu, anh nói gì, chị cũng gật. Chị nói gì anh cũng ừ. Mình nghĩ, nếu một trong hai người nói trái đất hình… thoi chắc người kia cũng nói “chí lý, chí lý”. Vậy mà…
 
Vợ chồng khắc khẩu ảnh 1

Cưới nhau không lâu, anh chị là cặp vợ chồng khắc khẩu nhất xóm. Động một tí là cãi. Cứ như không cãi là ăn cơm không ngon vậy.

Ti vi... luôn đúng

Gần đây, ti vi phát chương trình Vietnam’s got talent vòng bán kết. MC nói quý khán giả hãy soạn tin nhắn… “vê gờ tê” (VGT) gửi số… để bình chọn tiết mục mình yêu thích. Chị soạn tin. Quên, chị hỏi chồng. Anh nói “vê rê tê”. Thế là cãi nhau loạn cả lên. Chị nói tui nghe MC đọc “vê gờ tê” mà. Anh nói đã phát âm “vê” và “tê” thì phải “rê” mới đúng. Còn khi đã phát âm “gờ” thì phải “vờ gờ tờ” cho cùng một kiểu. Cứ nửa nạc nửa mỡ chẳng ra sao cả.

Hai cái đầu nóng dần. Chị hét: “Vê gờ tê”. Anh trợn mắt: “Vê rê tê”. Cứ thế cả chục lần. Anh chê chị không biết đọc chữ cái. Chị nói tui không cần biết chữ cái chữ đực gì cả, chỉ biết ti vi… luôn đúng. Mình nhức đầu quá, tính bỏ đi thì chị kéo lại, nói cậu có học, cậu “phân xử” giùm. Anh nói cậu là dân văn, cậu “phán xét” đi.

Mình muốn qua bàn, nói anh có phần đúng, chị cũng… không sai. Ví dụ, với cụm từ G7, có người đọc “gờ bảy”, có người đọc “rê bảy”, đâu có sao. Anh nổi nóng chửi: “Dẹp mẹ đi”.

Cũng may là sáng hôm sau anh quên ngay. Anh đập đập mình, nói dậy đi điểm tâm. Chị dúi tiền vào túi anh, ghé tai mình, nói cậu đi ăn sáng với anh “vê rê tê” nhé.

Bánh chưng bánh… gì?

Một bữa, con gái anh chị học lớp 6 viết “bánh chưng bánh giầy” to đùng trong vở. Anh nói con viết “dày” mới đúng. Chị cãi: viết “dày” là sai. Không chịu thua, anh nói xưa tui học, thầy toàn viết bánh “dày” cả. Thầy tui bây giờ là học giả có tiếng đấy.

Vợ chồng khắc khẩu ảnh 2

Chị “phản đòn”, nói sách viết “giầy” rành rành ra đấy. Tác giả sách toàn là giáo sư, tiến sĩ. Họ là những người “học thật” chứ không phải “học giả” như thầy anh đâu. Âm lượng to dần. Tội nghiệp con bé, hết nhìn cha lại nhìn mẹ, chẳng biết “dày” hay “giầy”.

Xui cho mình, mới ló vào phòng đã bị anh chụp đầu hỏi ngay. Mình nói có sách viết “dày” có sách viết “giầy”. Anh dồn dập: “Nhưng chữ nào đúng?”. Mình lại… ba phải, nói có người cho “dày” đúng, có người cho “giầy” đúng. Anh quát lên: “Đồ học đại. Cậu biến mẹ đi”. Chị nói anh đừng thua rồi chửi bậy. Giấy trắng mực đen. Lỗi thầy mặc sách. Chị bảo con cứ viết “giầy”.

Nhưng mà hay. Đầu giờ chiều anh chị lại cười cười nói nói như không. Cứ như cãi nhau trên sân khấu chứ không phải ngoài đời.

Ngôn ngữ “âm vang”

Con đi học, anh dặn “phải bảo trọng chiếc xe đạp, tặc khấu nhiều lắm đó”. Chị ngứa miệng cãi, gì mà “bảo trọng” với “tặc khấu” nghe sặc mùi Tàu. Cứ nói “con coi chừng xe đạp kẻo trộm lấy mất” có dễ hiểu hơn không? Anh vặn, vậy sao không nói “đám đông đàn bà” mà nói là “hội phụ nữ”? Nói năng phải trang trọng. Người xưa dạy thế.

Vì sính chữ nên anh nói những câu rất “âm vang”. Chẳng hạn: Con hãy thi lễ khi có khách đến nhà; Anh đi dạ tiệc tiễn thằng bạn sắp đăng trình; Mua cho anh cái áo khoác màu thiên thanh. Mỗi lần như thế chị đều “chỉnh” chồng. Và sau đó là… cãi. Có người quở nhà anh bữa nào cũng to tiếng. Anh gãi đầu, nói vợ chồng tui “đồng sàng khắc khẩu” mà.

Có lần anh viết đơn xin phép cơ quan đi xa dự đám cưới thằng em ruột. Vợ góp ý là anh viết “thiếu trang trọng”. Tìm mãi không ra chỗ thiếu trang trọng, anh vò đầu bứt tai rồi hỏi vợ. Chị cười tinh quái, nói anh nên bỏ mấy chữ “đi Sài Gòn”, thay vào là… “hành phương nam” cho kêu. Mặt anh đỏ như mào gà.

Theo Trần Cao Duyên
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG