Vitamin B1 - tưởng dùng dễ mà không dễ

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Có không ít bà mẹ khi thấy con có biểu hiện lười ăn liền vội vàng mua vitamin B1 cho con uống. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia dinh dưỡng, tùy tiện sử dụng vitamin B1 không chỉ có tác dụng ngược mà còn có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm đến sức khỏe.

Biếng ăn là thiếu vitamin B1?

Trên nhiều diễn đàn dành cho cha mẹ, các chủ đề về bé biếng ăn, cách để bé ăn ngon miệng, tăng cân... luôn là tâm điểm chú ý của các bà mẹ. Thời gian gần đây, Sức Khỏe Gia Đình cũng nhận được nhiều thư của độc giả hỏi về những phương pháp giúp trẻ ăn ngon miệng, đặc biệt, có nhiều thư băn khoăn về cách sử dụng vitamin B1.

Chị Nguyễn Mỹ Hạnh (Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) gửi thư tới Ban biên tập viết: “Xu nhà em thuộc dạng còi xóm. Mặc dù đã hơn 15 tháng mà mới được gần 8kg. Lúc đầu em cũng không quá lo lắng về tình trạng của con, nhưng thời gian gần đây con lại có biểu hiện lười ăn, hay quấy khóc. Em cũng thử nhiều cách như thay đổi món ăn, hạn chế ăn vặt cho con nhưng vẫn không thay đổi được gì. Em nghe chị hàng xóm mách, đó là cho con uống vitamin nhóm B, đặc biệt là sử dụng vitamin B1. Chị ấy nói: “B1 là vitamin chứ có phải thuốc đâu mà lo lắng”, dù đã nghe nhiều người nói B1 có tác dụng kích thích con thèm ăn, nhưng em rất băn khoăn. Em có nên đi mua vitamin này về cho con uống không. Nếu uống thì liều lượng thế nào?".

Vitamin B1 - tưởng dùng dễ mà không dễ ảnh 1

Mang những thắc mắc này đến hỏi Ths. BS. Doãn Thị Tường Vi (Phòng khám Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế dự phòng, 70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) và được bác sĩ Vi cho hay: “Việc tùy tiện dùng vitamin nói chung, vitamin B1 nói riêng mà không theo chỉ định của các bác sĩ là hoàn toàn sai lầm. Biếng ăn có rất nhiều nguyên nhân, không phải chỉ do thiếu vitamin B1, mà có thể do chuyển hóa kém, rối loạn tiêu hóa, do bệnh lý, đôi khi do độ tuổi (trẻ thích tập đi tập nói hơn ăn); cũng có khi do sinh hoạt (ham chơi, làm việc bỏ bữa); hoặc khi trẻ bị ức chế vì một lý do nào đó (chế độ ăn không thích hợp, bị ép buộc ăn, không hứng thú), do khẩu phần ăn không phù hợp như: ăn mãi một món, bữa ăn không đa dạng phong phú; thậm chí cũng chỉ do tâm lý của phụ huynh”.

Vai trò của vitamin B1

Nói về vai trò của vitamin B1, bác sĩ Tường Vi cho biết, vitamin B1 còn gọi là thiamine (dưỡng chất năng lượng) có vai trò trong chuyển hóa chất bột, đường (glucid). Bởi vậy, vitamin B1 có vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì các hoạt động tương tác của tế bào trong cơ thể, nhất là việc sản xuất năng lượng.

Trong đó các tế bào của cơ thể đã dùng ôxy để chuyển hóa carbohydrate và các loại đường thành năng lượng. Theo đó, nếu không có vitamin B1 thì hiệu quả sản xuất năng lượng có thể sẽ bị suy giảm hoặc bị vô hiệu hóa.

Ngoài ra, vitamin B1 còn có tác dụng hỗ trợ và bảo vệ hệ thống thần kinh trước nguy cơ bị tổn thương và thoái hóa. Ngoài ra, vitamin B1 còn hỗ trợ các bộ phận trong cơ thể và hệ thần kinh ngắt các thông báo truyền gửi cho nhau.

“Nếu thiếu vitamin B1, quá trình chuyển hóa tinh bột bị rối loạn làm ảnh hưởng đến hoạt động của tim do thiếu năng lượng đảm bảo cho cơ tim co bóp, đồng thời với hiện tượng ứ nước trong khoang màng tim làm cho bệnh nhân tê phù có thể chết đột ngột vì suy tim thậm chí tim ngừng đập và tử vong”, bác sĩ Tường Vi nói.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu vitamin B1 như gạo xay xát hoặc vo quá kỹ, bữa ăn không đủ rau, đủ thịt, làm việc nặng nhọc, ra nhiều mồ hôi (vì vitamin B1 đào thải tới 50% qua mồ hôi) và do trạng thái cơ thể thai nghén, nuôi con bú, mắc các bệnh đường ruột, tiêu chảy...

Theo bác sĩ Tường Vi: thừa hoặc thiếu vitamin B1 đều không tốt cho sức khoẻ. Mặc dù từ trước tới nay, tại Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào thừa vitamin B1, chủ yếu là thiếu vitamin B1, tuy nhiên không có nghĩa là ai cũng có thể uống và uống bao nhiêu cũng được.

Uống vitamin B1 có dễ?

“Vitamin B1 được đánh giá là an toàn và độc tính của loại vitamin này rất yếu, tuy nhiên có cần thiết phải bổ sung loại vitamin này hay không cần có sự chỉ định của bác sĩ. Không phải bất cứ trẻ nào biếng ăn cứ cho uống B1 là hiệu quả”, bác sĩ Tường Vi nói.

Còn các bác sĩ dinh duỡng cho biết, với những trường hợp nếu cơ thể khỏe mạnh và ăn uống tốt thì không cần bổ sung thêm vitamin dưới hình thức thuốc. Việc bổ sung vitamin chỉ cần thiết; khi nguồn dinh dưỡng hàng ngày không đảm bảo nhu cầu; với những người bị rối loạn hấp thu vitamin ở hệ tiêu hóa (như người dùng thuốc giảm cân theo cơ chế giảm thiểu lượng chất béo hấp thu ở ruột có thể bị thiếu vitamin tan trong dầu).

Hoặc khi cơ thể thiếu hụt vitamin B1 được các bác sĩ chuyên môn gọi là hiện tượng beriberi rất ít khi xảy ra, nhưng khi xuất hiện thường kèm theo các dấu hiệu như giảm tính ngon miệng, mệt mỏi, ngại vận động, khó tiêu hóa, táo bón… đặc biệt các cơ bắp xuất hiện hiện tượng như có kim châm, đầu ngón chân ngón tay bị tê cứng.

Ngoài ra, những đối tượng như người nghiện rượu, nghiện chè, nghiện cà phê, những người mắc các căn bệnh như tiêu chảy, bệnh stress thường gây cản trở quá trình hấp thụ vitamin B1, vì vậy mà nhóm người này nên tư vấn bác sĩ điều trị sớm các loại bệnh bản thân đang mắc phải và bổ sung thêm vitamin B1 cho cơ thể bằng ăn uống hoặc bằng thuốc bổ.

Trong các trường hợp trên, việc dùng vitamin B1 bổ sung là cần thiết, tuy nhiên việc bổ sung cần chú ý phải có sự chỉ định của bác sĩ.“Nhiều người nghĩ rằng, vì đó là vitamin nên rỉ tai nhau, hoặc tự tiện ra hiệu thuốc mua về uống. Mặc dù hiện tượng dùng quá liều vitamin B1 ít khi xảy ra, tuy nhiên không phải không có nguy cơ này. Những hệ luỵ có thể xảy ra thừa vitamin B1 như ngộ độc, chóng mặt, choáng váng, dị ứng cơ thể… Có cần thiết phải bổ sung vitamin dạng thuốc hay không cần phải có sự chỉ định của bác sĩ. Không nên tuỳ tiện dùng đi mua vitamin về sử dụng”, bác sĩ Tường Vi nhấn mạnh.

Cũng theo lời khuyên của vị chuyên gia dinh dưỡng này, để đề phòng thiếu vitamin B1, không nên vo gạo, xay xát gạo quá kỹ, khẩu phần ăn nên nhiều rau xanh, hoa quả tươi, ăn đủ khẩu phần đạm, mỡ trong bữa ăn hàng ngày. Trong khi chế biến thực phẩm cần tránh hoặc hạn chế làm mất vitamin B1 (vitamin B1 kém chịu nhiệt, khi đun sẽ bị mất 35-70%.).

Mức khuyến cáo về sử dụng vitamin B1

- Trẻ sơ sinh từ 0-6 tháng tuổi: 200 mcg/ngày.

- Trẻ từ 7-11 tháng tuổi: 300 mcg/ngày.

- Trẻ từ 1-3 tuổi: 500 mcg/ngày.

- Trẻ từ 4-8 tuổi: 600 mcg/ngày.

- Trẻ từ 9-13 tuổi: 900 mcg/ngày.

- Nam giới trên 14 tuổi: 1,2mg/ngày.

- Phụ nữ trên 14 tuổi: 1,4 mg/ngày.

- Phụ nữ mang thai: 1,4 mg/ngày.

- Phụ nữ đang cho con bú: 1,5 mg/ngày.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.