VinUni: Làn gió mới của giáo dục đại học Việt Nam

VinUni: Làn gió mới của giáo dục đại học Việt Nam
Được đầu tư mạnh mẽ, bài bản, VinUni là một làn gió mới với kỳ vọng đưa giáo dục đại học Việt Nam lên một tầm cao mới trong tương lai không xa.

Bài viết của TS Đinh Ngọc Thạnh (Khoa IT Convergence, Trường Đại học Soongsil, Seoul, Hàn Quốc) về trải nghiệm thực tế của anh khi tìm hiểu về dự án Đại học VinUni.

Tôi biết về dự án Đại học VinUni khá sớm và từng may mắn được thăm dự án tại Hà Nội. Hai tháng trước, tôi nhận được lời mời của VinUni về xây dựng Khoa Khoa học Máy tính. Nhưng vì lý do gia đình tôi chưa sắp xếp về Việt Nam trong thời gian này được.

VinUni vừa công bố định hướng tuyển sinh và mức phí đào tạo. Mọi người bàn tán khá nhiều, nhất là về mức chi phí đào tạo. Tôi xin không có ý kiến về chi phí  vì đó là mức dự tính dựa trên các chi phí của trường. Hơn nữa, mỗi sản phẩm có đối tượng khách hàng tiềm năng riêng, thật khó để đánh giá là đắt hay rẻ khi chúng ta chưa biết sản phẩm đó như thế nào. Tôi chỉ chia sẻ ý kiến cá nhân và những gì tôi được biết về dự án VinUni.

Trước hết, qua mục sở thị, tôi thấy VinUni - dự án giáo dục phi lợi nhuận với sự hỗ trợ tài chính của Vingroup - được xây dựng bởi đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia rất tâm huyết với giáo dục Việt Nam và là một dự án lớn với tầm nhìn lâu dài chứ không chỉ 10 hay 20 năm.

Chương trình đào tạo của VinUni được xây dựng theo chương trình của các đại học tinh hoa Mỹ trong nhóm Ivy League. Nguyên tắc xây dựng là kế thừa từ hai trường đối tác chiến lược của VinUni là Cornell và Penn, đồng thời, được một đội ngũ chuyên gia của hai trường này thiết kế để phù hợp với môi trường Việt Nam. Đội ngũ giáo sư giảng viên của VinUni sau đó sẽ làm việc với các giáo sư của Cornell và Penn để đưa chương trình này vào giảng dạy sao cho có hiệu quả nhất tại Việt Nam. Tất nhiên, ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh.

Sự khác biệt của VinUni là hướng tới đào tạo các sinh viên thành những lãnh đạo trong tương lai chứ không chỉ đào tạo công nghệ mới nhất về chuyên ngành. Vì thế, ngoài hệ thống cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn 5 sao QS, trường thiết kế khá nhiều chương trình liên quan tới doanh nghiệp và trao đổi quốc tế để sinh viên có cơ hội học hỏi, nâng tầm bản thân.

VinUni cũng là mắt xích đào tạo hướng tới xây dựng hệ sinh thái khép kín kết nối với các viện nghiên cứu của Vingroup như VinAI, VinBrain, Vin BigData,... và các doanh nghiệp công nghệ như VinSmart, VinFast,... tạo cho sinh viên nhiều cơ hội học hỏi thực tiễn.

Để đáp ứng chương trình đào tạo, VinUni mời khá nhiều các giáo sư và chuyên gia đầu ngành ở Cornell và Penn cũng như các trường hàng đầu thế giới khác (bao gồm cả người Việt Nam lẫn người ngước ngoài) về giảng dạy. Các giáo sư giảng viên của VinUni được tuyển với tiêu chuẩn chặt chẽ của đại học Cornell và Penn và được phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp bởi các giáo sư đầu ngành của 2 trường này.

Người phỏng vấn tôi là một giáo sư đầu ngành rất nổi tiếng trong lĩnh vực Khoa học Máy tính/Mạng máy tính của Đại học Cornell. Vòng tiếp theo, tôi được 1 giáo sư MIT phỏng vấn, chưa kể lần giảng thử và đưa ra hướng nghiên cứu trước toàn thể hội đồng ở VinUni, trước khi nhận được lời mời chính thức.

Vingroup nói chung và VinUni nói riêng đang làm khá tốt việc thu hút nhân tài từ Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... Gần đây, rất nhiều chuyên gia kỳ cựu từ những “người khổng lồ” như Google, Microsoft, Amazon và các giáo sư trường đại học ở Mỹ đã về đầu quân cho các viện nghiên cứu của Tập đoàn. Điều này, từ trước đến nay, ít cơ quan, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân nào ở Việt Nam làm được. Không chỉ vì chi phí rất lớn mà còn vì uy tín và môi trường làm việc.

Đến đây, chúng ta có thể phần nào hiểu được lý do vì sao học phí của các đại học tinh hoa như VinUni đều rất cao, dù học phí chỉ chiếm một phần khá nhỏ trong nguồn thu của các trường. Ngay cả Đại học Cornell, một trong hai đối tác chiến lược của VinUni, dù thành lập từ năm 1865 nhưng năm 2018 vẫn bị lỗ 100 triệu USD so với chi phí đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD. 

Mặc dù VinUni có mức học phí được xem là khá cao nhưng quy trình tuyển sinh của trường lại rất chú trọng tới chất lượng và trường cũng có mức hỗ trợ tài chính rất “hào phóng” cho sinh viên. Các học sinh tài năng nhưng không có điều kiện kinh tế có nhiều cơ hội để nhận được hỗ trợ tài chính và học bổng toàn phần (cả học phí lẫn sinh hoạt phí). VinUni là mô hình phi lợi nhuận nên doanh thu (nếu có) cũng sẽ được dùng để hỗ trợ sinh viên và tái đầu tư cho chương trình cũng như cơ sở vật chất của trường.

Rõ ràng, khát vọng của VinUni là rất lớn bởi xây dựng một trường đại học đẳng cấp thế giới là vô cùng khó khăn, tốn kém và dài hơi. Trên thế giới, quá trình vươn lên TOP của 1 trường đại học nhanh cũng khoảng 30 năm. KAIST hay Postech của Hàn Quốc là một ví dụ. Vì thế, việc 5 hay 10 năm nữa VinUni có thể lên TOP ngay là điều không tưởng, cho dù trường có phát triển nhanh mức nào. Theo tôi được biết tầm nhìn cho mốc trung hạn đầu tiên của VinUni là sau 30 năm.

VinUni có tầm nhìn đầu tư dài hạn, nếu không nói là rất dài. Còn trước mắt, tôi cho rằng sự ra đời của VinUni là một tín hiệu tích cực của giáo dục Việt Nam. Vì 4 lý do:

Thứ nhất, các sinh viên sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp thay vì phải đi du học vô cùng tốn kém.

Thứ hai, đã có những nơi thực sự đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực cho nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

Thứ ba, mô hình mới sẽ giúp giáo dục đại học Việt Nam có thêm sự cạnh tranh, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ tư, những nhà khoa học ở nước ngoài, bao gồm cả người Việt Nam, có thêm lựa chọn để làm việc tại Việt Nam.

Hiểu thêm về con đường VinUni đã chọn và cách thức mà VinUni đang đi, tôi cho rằng chúng ta cần chia sẻ và ủng hộ những người dám nghĩ, dám đầu tư và dám làm như thế. Có làm là có hy vọng. Với VinUni, chúng ta có quyền hy vọng vào một cuộc cách mạng giúp nâng tầm giáo dục đại học Việt Nam trong tương lại không xa.

Còn về bản thân tôi, tôi tin vào điều đó. Và sớm thôi, tôi sẽ trở về.

TS Đinh Ngọc Thạnh hiện đang giảng dạy tại Khoa IT Convergence, Trường Đại học Soongsil, Seoul, Hàn Quốc. TS. Thạnh còn là nhà khoa học thỉnh giảng của Khoa khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo (CSAIL), đại học MIT, MA, Mỹ.

MỚI - NÓNG