Vĩnh Phúc tăng kiểm tra, giám sát hoạt động các đoàn kiểm tra, thanh tra

TPO - “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đoàn kiểm tra, thanh tra, đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, hạn chế thấp nhất những sơ hở để thực hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra”, công văn của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nêu.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa có công văn về việc rà soát, chấn chỉnh, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị.  Cụ thể, công văn nhận định, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng được T.Ư, tỉnh ủy quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt; công tác này trên địa bàn tỉnh đã có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt cả về nhận thức và hành động, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, củng cố niềm tin của nhân dân.

 “Tuy nhiên, tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc còn diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan, niềm tin của nhân dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội”, công văn nhận định.

 Theo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ngày 17/6/2019, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng có công văn về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng. Ban Thường vụ tỉnh ủy yêu cầu xác định, nhận thức rõ người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ quan mình.

 Phải tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện tốt, nghiêm các giải pháp, các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Trong đó đặc biệt chú ý là chấn chỉnh ý thức, trách nhiệm của các cán bộ, công chức, viên chức trong từng cơ quan.

 Rà soát lại toàn bộ quy trình giải quyết công việc, nhất là các công việc có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp để có cơ chế kiểm soát nội bộ, hạn chế thấp nhất các sơ hở để thực hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng; đảm bảo giải quyết công việc công khai, minh bạch, đúng quy định.

 Kiên quyết xử lý trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng trì trệ trong công việc, nhất là để tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp tại cơ quan mình nhưng không chủ động phát hiện, xử lý hoặc không chỉ đạo xử lý nghiêm túc, kịp thời.

 Vĩnh Phúc cũng yêu cầu người đứng đầu các cấp, thủ trưởng từng cơ quan thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan mình, đặc biệt là trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng (thanh tra, kiểm tra, công an, viện kiểm sát, tòa án...) đảm bỏa những cán bộ trực tiếp làm việc trong các cơ quan này phải thực sự liêm chính, trong sạch.

 Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN là phải “chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà, sách nhiễu... và các hành vi tiêu cực, tham nhũng khác.

 Công văn cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đoàn kiểm tra, thanh tra, đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, hạn chế thấp nhất những sơ hở để thực hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

 Tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu đề cao trách nhiệm của HĐND các cấp trong việc giám sát công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng và nhân dân trong hoạt động đấu tranh với hành vi tiêu cực, tham nhũng. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp có trách nhiệm triển khai ngay các nội dung trên trong toàn hệ thống cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý.

 Đặc biệt, công văn của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc yêu cầu Đảng ủy công an tỉnh, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban cán sự Đảng tòa án nhân dân tỉnh phối hợp tổ chức điều tra, kết luận rõ vụ án nhận hối lộ của một số cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, đảm bảo khách quan, chặt chẽ, toàn diện, đúng pháp luật và xử lý nghiêm theo quy định.

MỚI - NÓNG