Vĩnh Phúc đẩy mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

0:00 / 0:00
0:00
Ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã liên kết với doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ bước đầu đạt kết quả tích cực.
Vĩnh Phúc đẩy mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ ảnh 1

Là tỉnh tiên phong đi đầu cả nước về chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nhất là trước yêu cầu sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp hữu cơ và có nhiều quyết sách đối với lĩnh vực này. Từ năm 2015, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 201/NQ-HĐND về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có chính sách hỗ trợ phân vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, sinh học với mức 5 triệu đồng/ha. Thực hiện Nghị quyết này, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ được trên 1.000 ha rau ăn lá/năm, đặc biệt năm 2020, tổng diện tích hỗ trợ tăng lên gần 3.000 ha.

Cuối năm 2019, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ giai đoạn 2020-2022. Theo đó, trong năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 40 lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng hữu cơ; Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai 2 mô hình: Chăn nuôi lợn hữu cơ tại xã Văn Quán, huyện Lập Thạch và chăn nuôi gà ri lai hữu cơ tại xã Đồng Quế, huyện Sông Lô. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai 2 mô hình hữu cơ trên cây rau tại xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên và trên cây ba kích tại thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo; hỗ trợ sản xuất rau ăn lá theo hướng hữu cơ với diện tích 1.100 ha tại 50 xã, phường, thị trấn đã được quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn.

Qua thực tế triển khai cho thấy, 1 ha các cây trồng rau ăn lá theo hướng hữu cơ cho hiệu quả kinh tế tương đối cao, cụ thể: Su su cho lãi trên 160 triệu đồng/ha, các loại rau cải ăn lá cho thu lãi trên 60 triệu đồng/ha... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất rau ăn lá ổn định ở các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo. Khối lượng sản phẩm rau ăn lá an toàn theo hướng hữu cơ đã thu hút các doanh nghiệp, thương lái đến thu mua sản, nông dân phấn khởi và phần nào đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm theo tư duy sản xuất hàng hoá trong cơ chế thị trường.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, các hợp tác xã, hộ dân triển khai nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ như mô hình liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị với quy mô 120 ha. Kết quả, cây lúa sinh trưởng khoẻ, ít sâu bệnh, bảo vệ môi trường đất và nước, năng suất đạt hơn 60 tạ/ha. Hạch toán cho thấy, sản xuất lúa hữu cơ tuy chi phí đầu tư cao hơn 4,6 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học nhưng giá bán lại cao hơn 1.200 đồng/kg.

Với cây ăn quả, trên diện tích 10 ha trồng thanh long ruột đỏ ở xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, cây thanh long sử dụng phân bón hữu cơ có quả đẹp, chất lượng dinh dưỡng cao, độ ngọt cao hơn, quả cứng chắc và lâu hư thối...

Hiệu quả rõ nhất là ở các mô hình sản xuất rau. Sản xuất rau bắp cải hữu cơ ở Vĩnh Phúc thu lãi cao hơn so với đối chứng 22,5 triệu đồng/ha. Trồng cải thảo cho lãi cao hơn so với đối chứng 23,7 triệu đồng/ha. Các loại cải ngọt, cải xanh cho thu lãi cao hơn so với đối chứng 15,5 triệu đồng/ha...

Với lĩnh vực chăn nuôi, ngành Nông nghiệp đã xây dựng các mô hình chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học của Tập đoàn Quế Lâm với quy mô 200.000 con gà, 10.000 con lợn, 300 con bò thịt. Hiệu quả, khi nuôi 1.000 con gà ri lai sử dụng chế phẩm làm đệm lót sinh học lãi hơn 22 triệu đồng so với không sử dụng chế phẩm sinh học. Mỗi con lợn nuôi theo hướng hữu cơ sử dụng chế phẩm sinh học lãi hơn 1,8 triệu đồng; vỗ béo một con bò sử dụng chế phẩm sinh học lãi hơn 5 triệu đồng… Ngoài cho hiệu quả kinh tế, mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ bằng chế phẩm sinh học giảm được mùi hôi, tiết kiệm nước, công lao động, hạn chế lây lan mầm bệnh và tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn.

MỚI - NÓNG