Nhạc sĩ Thao Giang (tên thật: Nguyễn Văn Vĩnh) sinh năm 1948 quê ở Thanh Oai (Hà Nội). Ông học Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) từ năm 1958, ban đầu chỉ là học lớp sơ cấp sau đó học dần lên. Ông được giữ lại làm công tác giảng dạy sau 10 năm rèn giũa tại Nhạc viện.
Ông từng được cử sang Ấn Độ 5 năm để học hàm thụ, biểu diễn giao lưu học hỏi kinh nghiệm. Vì tình yêu xẩm quá đỗi nên nhạc sĩ Thao Giang đã từ bỏ cả cương vị Phó khoa Âm nhạc truyền thống ở Nhạc viện Hà Nội để dồn tâm sức nghiên cứu và tìm ra “hơi thở” mới cho những loại hình nghệ thuật cổ truyền.
Nhạc sĩ Thao Giang - người xẩm Hà thành qua đời. |
Nhạc sĩ Thao Giang cùng GS. NSND Phạm Minh Khang thành lập Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam. Trước khi qua đời, ông giữ vị trí Giám đốc Trung tâm này.
Ông cùng các nhạc sĩ tâm huyết với âm nhạc dân tộc mở những lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc miễn phí. Sự chỉ bảo tận tình của các thầy đã truyền lửa, giúp cho nhiều thế hệ học trò hăng say học tập.
Nhiều học trò của nhạc sĩ Thao Giang giảng dạy ở ngay Trung tâm và ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhạc sĩ Thao Giang còn cùng với các nghệ nhân bàn bạc, tìm hướng phát triển nghệ thuật âm nhạc truyền thống.
Nhạc sĩ Thao Giang dành nhiều tâm huyết để truyền dạy âm nhạc dân tộc cho giới trẻ. |
Trong sự nghiệp âm nhạc, nhạc sĩ Thao Giang sáng tác nhiều tác phẩm như Đường xa vui mãi tiếng đàn (đàn tỳ bà), Kể chuyện ngày mùa, Tình quê hương (đàn nhị), Hương rừng (đàn tam thập lục), Du thuyền sông Hương (đàn bầu), Con đò năm xưa (sáo)... Trong đó nổi bật nhất là Kể chuyện ngày mùa - khắc họa hình ảnh mùa vụ ở nông thôn, từ hành động gánh lúa đến gặt lúa, kết hợp tiếng chim kêu, gà gáy…
Tác phẩm nói lên một vụ mùa bội thu và đồng thời toát lên sự sảng khoái của người nông dân khi thành quả lao động đạt được. Kể chuyện ngày mùa được Đài Tiếng nói Việt Nam giữ lại băng khi thu lần đầu tiên, sau đó được các đoàn nghệ thuật mang đi biểu diễn ở nước ngoài. Tác phẩm này cũng giúp nhạc sĩ Thao Giang được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022.
Nhạc sĩ Thao Giang (trái) và nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhân dịp mang Xẩm Hà Nội đi biểu diễn ở Đà Lạt năm 2010. |
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long thương tiếc khi thầy Thao Giang rời cõi tạm. Anh cho biết nhạc sĩ Thao Giang là người "gieo duyên" giữa anh và xẩm. Anh bộc bạch anh sẽ mãi không quên những kỷ niệm cùng thầy hợp sức hồi sinh xẩm ở Hà Nội, cùng phát hành CD Xẩm Hà Nội, cùng xây dựng Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam, cùng cố gắng hồi sinh lễ giỗ tổ nghề hát xẩm...
Trong các hoạt động nghiên cứu, sáng tác, nhạc sĩ Thao Giang dày công sưu tầm, gìn giữ và truyền dạy nghệ thuật hát xẩm. Năm 2005, ông và các đồng nghiệp lần đầu tiên đưa xẩm ra biểu diễn ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.
"Dù hôm đó tổng duyệt nhưng khi khán giả đông nghịt, nghe thích luôn, nghe say sưa, bản thân những người duyệt cũng bỡ ngỡ. Sau này chúng tôi diễn hát xẩm ở phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Buồm… xung quanh khu vực phố cổ sau đó xuống chợ Đồng Xuân để biểu diễn cho rộng rãi", nhạc sĩ Thao Giang từng kể.