Viettel 'đổ' bao nhiêu tiền ra nước ngoài?

Viettel 'đổ' bao nhiêu tiền ra nước ngoài?
Viettel đang được coi là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận "khủng". Đóng góp vào thành công này, phải kể đến nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.

> Doanh thu ở nước ngoài của Viettel gần 600 triệu USD
> Cạnh tranh không lành mạnh có thể bị phạt tới... 200 triệu

Lần nào "mang chuông đi đánh xứ người", Viettel cũng tỏ ra khôn ngoan trong cách thức và chiến lược kinh doanh của mình. Một lãnh đạo của Viettel cho biết, trong tổng số vốn đầu tư tại mỗi thị trường, Viettel chỉ mang dưới 50% số vốn trong nước đi đầu tư, còn lại hơn 50% là Viettel tự đi vay ngân hàng tại những quốc gia đầu tư và nợ tiền từ các nhà cung cấp thiết bị, sau đó có lợi nhuận sẽ khấu hao, trừ nợ dần.

Chọn Campuchia là điểm đến đầu tiên

Viettel bắt đầu rót vốn đầu tư ra nước ngoài từ năm 2006 và các lãnh đạo của Viettel quyết định chọn Campuchia là điểm đến đầu tiên. Trong khi các hoạt động kinh doanh ở trong nước của Viettel còn nhiều việc phải làm, nếu không nói là gặp nhiều khó khăn, nhiều người đã đặt câu hỏi: Tại sao Viettel lại đầu tư ra nước ngoài?

Lúc này, lãnh đạo của Viettel đã khẳng khái trả lời rằng, muốn trưởng thành, phải tự đặt ra những thách thức và vượt qua. Doanh nghiệp Việt Nam muốn lớn mạnh thì phải kinh doanh trong một môi trường quốc tế.

Đây là cách Viettel tự tạo ra cơ hội cho chính mình để cọ sát, đúc rút kinh nghiệm hoàn thiện mọi mặt, tăng cường sức cạnh tranh của tổ chức, sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn cầu ngay trên sân nhà ở lĩnh vực viễn thông sẽ diễn ra trong tương lai không xa.

Tháng 5-2006, Viettel đầu tư 100% vốn thành lập Viettel Cambodia. Cũng giống như khi bắt đầu gia nhập thị trường viễn thông ở Việt Nam, dịch vụ đầu tiên mà Viettel lựa chọn khi đầu tư vào Campuchia là dịch vụ VoIP, đây là dịch vụ vẫn còn độc quyền ở đất nước này (do đó khi Viettel đầu tư vào sẽ nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ Campuchia). Hơn nữa, đây là dịch vụ ít phải đầu tư cơ sở hạ tầng nhất và khả năng thu lời cũng cao nhất.

Sau đúng 2 tháng nhận được giấy phép (ngày 10/8/2006, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho phép Viettel thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ VoIP tại Campuchia), Viettel đã chiếm tới gần 20% thị trường điện thoại quốc tế tại Campuchia, một thị trường có tới gần 10 giấy phép VoIP.

Trên cơ sở những kinh nghiệm từ khi triển khai dịch vụ VoIP, Viettel lại tiếp tục nghiên cứu thị trường và quyết định sẽ đầu tư thêm hai dịch vụ nữa là di động (sử dụng công nghệ GSM) và Internet.

Đến ngày 29-11-2006, Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia đã cấp phép cho Viettel cung cấp dịch vụ di động trong thời hạn 30 năm và cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP) và dịch vụ truy nhập Internet (ISP) trong thời hạn 35 năm.

Đến tháng 2/2009, sau hơn 1 năm xây dựng, mạng di động Metfone (đầu tư khoảng 30 triệu USD) của Viettel Cambodia chính thức được khai trương. Hiện nay, Viettel là doanh nghiệp đứng đầu về mạng truyền dẫn quang tại thị trường Campuchia.

Dự kiến trong 5 năm tới, Metfone sẽ cung cấp dịch vụ Internet miễn phí cho 1.000 trường học trên đất nước này với tổng giá trị dịch vụ tương đương 5 triệu USD. Viettel đang có tham vọng sẽ vươn lên số 1 trong các mạng di động ở Campuchia.

Vươn xa tới các châu lục

Viettel 'đổ' bao nhiêu tiền ra nước ngoài? ảnh 1
 

Ngay tại thời điểm mới đầu tư vào thị trường Campuchia, Phó Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: Không dừng lại ở Campuchia mà tiếp tục mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Và Viettel chọn Lào là nước thứ 2 trong hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của mình.

Tháng 2-2008, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty cổ phần đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) thực hiện dự án đầu tư phát triển mạng viễn thông tại Lào với tổng số vốn hơn 83 triệu USD.

Đầu năm 2008, Công ty liên doanh Star Telecom giữa Viettel (49% vốn) và Lao Asia Telecom đã chính thức đi vào hoạt động và dự kiến sẽ nhanh chóng cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông tại đất nước Triệu Voi ngay trong năm đầu hoạt động.

Ngày 16-10-2009, Viettel chính thức khai trương mạng viễn thông Unitel tại Lào. Mạng viễn thông Unitel là thương hiệu thuộc Công ty Star Telecom.

Tại thời điểm đó, Viettel có khoảng 300.000 thuê bao đăng ký, trong đó có 150.000 khách hàng thường xuyên, 900 trạm thu phát sóng BTS, 8.000 km cáp quang...

Đồng thời với việc khai trương thương hiệu Unitel, Star Telecom cũng cung cấp dịch vụ 3G, trở thành mạng viễn thông thứ 2 tại Lào cung cấp dịch vụ này. Đến hết năm 2009, Unitel đã xây dựng được 200 trạm 3G với dung lượng 250.000 thuê bao. Đến cuối năm 2010, số trạm phát sóng 3G là 500 trạm và có dung lượng khoảng 600.000 thuê bao.

Cùng với việc đầu tư kinh doanh, Unitel tập trung tới các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên dùng di động trong suốt quá trình học tập. Đây là một trong những chính sách ưu đãi của Viettel, muốn giữ các thuê bao sử dụng ổn định và lâu dài.

Viettel 'đổ' bao nhiêu tiền ra nước ngoài? ảnh 2

Viettel chính thức đầu tư tại Cộng hòa Haiti vào tháng 9-2010 với khoảng 60 triệu USD, thông qua việc mua 70% cổ phần của Công ty viễn thông Teleco.

Ngày 7-9-2011, Viettel đã chính thức cung cấp các dịch vụ viễn thông tại thị trường Haiti. Ngay khi ra mắt, công ty Natcom (liên doanh giữa Viettel và Ngân hàng TW Haiti-BRH) đã sở hữu mạng lưới lớn nhất, hiện đại nhất.

Tại thời điểm này, Natcom đã lắp đặt và phát sóng gần 1.000 trạm BTS 2G và 3G – nhiều hơn 30% so với mạng di động lớn nhất Haiti đã triển khai trong 6 năm.

Natcom là công ty duy nhất cung cấp đầy đủ dịch vụ viễn thông, cũng là công ty duy nhất cung cấp công nghệ 3G với cổng kết nối Internet quốc tế duy nhất của Haiti qua tuyến cáp quang biển 10 Gbps tới Bahamas kết nối đi Mỹ.

3.000km cáp quang được xây dựng mới phủ đến cấp huyện và gấp 20 lần số cáp quang mà Haiti có trước tháng 9/2011. Mục tiêu trong thời gian tới của Natcom là đưa cáp quang về đến từng xã.

Ngay trong lễ khai trương dịch vụ, Viettel cũng công bố triển khai chương trình đưa Internet miễn phí tới tất cả các trường học và trở thành công ty duy nhất tại Haiti có chính sách này.

Viettel cho biết đến nay Natcom đã có 250.000 thuê bao điện thoại di động. Thị trường Haiti có 9,8 triệu dân nhưng mật độ điện thoại mới chỉ đạt 35%, Internet cũng chưa phát triển nên là thị trường tiềm năng của Viettel.

Trước đó, ngày 8-11-2010, Quốc gia đông nam châu Phi, Mozambique, đã đồng ý cấp phép cho công ty viễn thông Viettel của Việt Nam khai thác thị trường di động nước này.

Movitel, một đơn vị của Viettel liên doanh với một nhóm nhà đầu tư Mozambique, đã vượt qua hai công ty khác, trúng gói thầu với giá đưa ra là 29 triệu USD.

Tối 15-5-2012 vừa qua, Viettel công bố chính thức kinh doanh tại Mozambique sau khi đầu tư vào đây hơn 400 triệu USD. Với 1.800 trạm phát sóng (2G&3G) phủ 100% quận, huyện và đường quốc lộ, Viettel sẽ đóng góp hơn 50% hạ tầng mạng di động của toàn Mozambique.

Sau hơn 1 năm, Công ty Movitel đã sở hữu mạng lưới lớn nhất, dựng nên một hạ tầng viễn thông bền vững cho quốc gia Châu Phi này với 12.600 km cáp quang, đóng góp 70% hạ tầng cáp quang của toàn Mozambique.

Viettel 'đổ' bao nhiêu tiền ra nước ngoài? ảnh 3

Ngoài ra, không ngừng vươn "vòi bạch tuộc", ngày 27-1-2011, Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Tư nhân của Peru đã công bố Viettel chính thức thắng thầu Giấy phép viễn thông thứ 4 tại Peru.

Viettel được các cơ quan quản lý Peru lựa chọn thắng thầu vì đã đặt mục tiêu cung cấp Internet miễn phí tới 4.025 trường học trong vòng 10 năm, so với yêu cầu của họ đề ra tối thiểu là 1.350 trường.

Trong khi đó, cam kết của các nhà thấu còn lại dừng ở con số 1.601 và 2.011 cơ sở giáo dục. Viettel cũng dự kiến sẽ đầu tư khoảng 400 triệu USD trong vòng 10 năm để xây dựng hạ tầng mạng lưới và và tổ chức kinh doanh viễn thông tại Peru.

Tới tháng 4-2011, Viettel đã chính thức thành lập công ty thành viên tại nước này là Viettel Peru S.A.C. Đầu năm 2013, Viettel mới triển khai việc cung cấp dịch vụ điện thoại di động tại thị trường Peru.

Theo ông Trần Ngọc Thiều, Tổng giám đốc Viettel Peru S.A.C, Viettel sẽ áp dụng mức cước dịch vụ thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp đang kinh doanh viễn thông tại quốc gia này là Telefónica, Nextel và Claro. Đối với các khách hàng có thu nhập thấp, Viettel sẽ áp dụng mức cước đặc biệt. Viettel Peru dự kiến sẽ thu hút được 338.000 khách hàng trong 2 năm đầu tiên hoạt động.

Tương tự, tháng 8-2012, Viettel quyết định thành lập chi nhánh tại Đông Timor với khoản đầu tư gần 15 triệu USD vào quốc gia này. Chi nhánh của Viettel tại Đông Timor có tên là Viettel Timor Leste.

Theo thông cáo của Bộ Cơ sở hạ tầng Đông Timor (Ministry of Infrastructure) được đăng trên website Timor-leste.gov.tl, chính phủ Đông Timor công bố Viettel và hãng viễn thông Telin của Indonesia (PT Telekomunikasi Indonesia International) là hai công ty nước ngoài được nhận giấy phép kinh doanh viễn thông tại Đông Timor. Đây là giấy phép đầu tiên được chính phủ Đông Timor cấp ra trong quá trình tự do hoá thị trường viễn thông của Đông Timor.

Viettel cam kết cung cấp dịch vụ truy cập Internet 3G tốc độ cao và dịch vụ di động GMS tới 93% dân số của Đông Timor và đến 95% dân số trong vòng 3 năm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, vào ngày 3-12-2012, Viettel chính thức ký kết đầu tư mạng viễn thông và internet tại Cameroon, châu Phi; và đây là thị trường nước ngoài thứ 7 của Viettel, sau: Campuchia, Lào, Haiti, Peru, Mozambique và Đông Timor.

Nhận định Châu Phi là một “thị trường chiến lược” của Viettel, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho biết, bên cạnh dự án viễn thông 400 triệu USD tại Mozambique phát triển rất khả quan, Viettel đang xây dựng mạng lưới tại Tanzania và xúc tiến đầu tư tại nhiều quốc gia khác tại châu lục này.

Cách đây vài tháng, các tờ báo của Ethiopia và châu Phi đã đồng loạt đưa tin về việc Viettel chuẩn bị đầu tư vào thị trường viễn thông Ethiopia cũng như các nước châu Phi vùng cận Sahara.

Theo đó, Viettel đang “để mắt” đến thị trường viễn thông Ethiopia, đặc biệt là việc lắp đặt đường dây cáp quang. Ngoài những thị trường trên, trong nhiều năm qua, lãnh đạo Viettel đã nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đối với thị trường dịch vụ di động ở Triều Tiên, Cuba, Venezuela và Paraguay.

Tại hội nghị tổng kết năm 2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, doanh thu riêng về dịch vụ viễn thông tại nước ngoài của Viettel đến năm 2012 đạt gần 600 triệu USD, tăng trưởng 45%.

Số doanh thu trên được Viettel thực hiện tại 7 thị trường mà tập đoàn đang đầu tư, kinh doanh, trong đó có 4 thị trường đã kinh doanh, còn lại đang ở giai đoạn triển khai đầu tư, xây dựng.

Đến hết 2012, theo Tổng giám đốc Viettel Hoàng Anh Xuân, tập đoàn này đã chuyển 84 triệu USD về nước. Trong đó, được biết, chiếm tỷ trọng phần lớn là thị trường Camphuchia.

Viettel dự kiến, năm 2013 sẽ chuyển về nước 150 - 160 triệu USD từ bốn thị trường đã kinh doanh gồm Campuchia, Lào, Mozambique và Haiti.

Theo Kiến Thức

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.