Theo Vietnam Airlines, nguyên nhân của động thái này là vốn đầu tư máy bay được thực hiện chủ yếu bằng nguồn vốn vay có bảo lãnh của Chính phủ và vốn vay thương mại. Trước áp lực với trần nợ công, Vietnam Airlines chủ động rà soát để giảm dần quy mô vay vốn có bảo lãnh Chính phủ. Để làm được điều đó, Vietnam Airlines sử dụng nghiệp vụ xử lý tài chính là bán và thuê lại (sale & lease back) với 3 tàu A350 giai đoạn 2016 – 2017.
Theo Vietnam Airlines, khi đó, việc vay nợ để sở hữu tàu bay sẽ giảm xuống nhưng vẫn bảo đảm về số lượng tàu bay (trong đó có số tàu bay A350) để chủ động trong điều hành khai thác cũng như bảo đảm về khả năng cân đối dòng tiền và an toàn tài chính doanh nghiệp.
Vietnam Airlines cho biết sẽ thực hiện việc bán và thuê lại bằng hình thức chào hàng cạnh tranh công khai theo đúng luật định và xem xét lựa chọn các chào hàng trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích của mình.
Đại diện Hàng Hàng không quốc gia cũng cho hay hoạt động Sale and Lease Back (bán và thuê lại) khá phổ biến trên thế giới. Theo đó, một hãng hàng không có thể đặt mua máy bay, sau đó tại thời điểm giao nhận (đối với tàu bay mới) thực hiện bán và thuê lại chính máy bay này hoặc có thể thực hiện bán và thuê lại đối với tàu bay đang khai thác, sử dụng nhằm đảm bảo cân đối tài chính mà không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác.
Theo kế hoạch phát triển đội tàu bay đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, Vietnam Airlines đang triển khai đổi mới, đơn giản hóa chủng loại, tập trung vào các dòng tàu bay hiện đại, công nghệ mới, thân thiện với môi trường, tiện nghi hơn cho khách hàng. Cụ thể, hãng đã và đang triển khai đổi mới toàn bộ đội tàu bay thân rộng bằng các dòng máy bay thế hệ mới của thế giới là Boeing 787 và Airbus A350 để thay thế các máy bay Boeing 777 và Airbus A330.