Vào đầu thập niên 90, Vietnam Airlines khai thác đường bay đến Australia với các chuyến bay không thường lệ mỗi tháng giữa TP.HCM và Sydney, Melbourne bằng máy bay Boeing 767 và Airbus A310.
Trong những năm sau đó, hãng đã mở thêm các đường bay thẳng thường lệ tới Australia và không ngừng gia tăng tần suất chuyến bay.
Đến nay, hãng thực hiện gần 30 chuyến bay mỗi tuần trên 5 đường bay gồm Hà Nội, TP.HCM – Melbourne; Hà Nội, TP.HCM – Sydney và TP.HCM – Perth. Tất cả đường bay được khai thác bằng máy bay thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 theo tiêu chuẩn dịch vụ định hướng 5 sao quốc tế.
Vietnam Airlines tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm đường bay thẳng Việt Nam - Australia và chào đón vị khách thứ 6 triệu trên chặng bay này với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ |
Trong 30 năm đến với thị trường Australia, Vietnam Airlines đã thực hiện hơn 12.800 chuyến bay, vận chuyển được 6 triệu lượt hành khách và gần 170.000 tấn hàng hóa. Kết quả này đã cho thấy hiệu quả và sự đóng góp mạnh mẽ của đường bay đối với quan hệ Việt Nam và Australia.
Vietnam Airlines và Trường Đại học Quốc tế RMIT đã tuyên bố hợp tác chiến lược, đồng thời trao Bản Thỏa thuận hợp tác chung |
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, lễ kỷ niệm hôm nay đánh dấu thành tựu lớn của Vietnam Airlines trong vai trò kết nối giữa Việt Nam - Australia. 30 năm khai thác đường bay vừa qua của Vietnam Airlines đã có kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu, nền tảng để tăng tốc và đột phá trong 30 năm tới, tiếp tục góp phần thúc đẩy kinh tế hàng không nói riêng và sự phát triển của hai quốc gia nói chung. Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành của Việt Nam tăng cường vai trò quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn, tích cực hỗ trợ để hãng hàng không vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng cảm ơn Australia, cụ thể là các công dân Australia đã lựa chọn hãng hàng không của Việt Nam với tình cảm và vì sự phát triển quan hệ hai nước.
Việt Nam và Australia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Sau hơn 50 năm, mối quan hệ Việt Nam và Australia đã không ngừng lớn mạnh. Năm 2018, hai nước chính thức tuyên bố việc thiết lập Đối tác Chiến lược và hiện hai nước đang hướng tới Đối tác Chiến lược toàn diện, dự kiến sẽ sớm được nâng cấp. Việt Nam và Australia đều là các đối tác thương mại hàng đầu của nhau, với dư địa tăng trưởng thương mại còn rất lớn và nhiều cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó, hợp tác lĩnh vực du lịch của hai nước đang được đẩy mạnh và Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng của người dân Australia, đứng thứ 11 trong danh sách các quốc gia được lựa chọn nhiều nhất. Trong lĩnh vực hàng không, năm 2023 ghi nhận mức tăng trưởng về dung lượng khách toàn thị trường đường bay Australia là 23% so với năm 2019. So với các thị trường quốc tế khác mà Vietnam Airlines đang khai thác, Australia là thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt nhất.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, khẳng định: “Với vai trò là Hãng Hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines đã sớm có hiện diện thương mại tại Australia từ những năm đầu thập niên 90 nhằm xúc tiến cơ hội hợp tác trong lĩnh vực hàng không, làm cầu nối cho việc phát triển giao thương, đầu tư, du lịch hai chiều. Từ đó đến nay, hãng không ngừng nghiên cứu tăng tần suất, mở rộng mạng bay tới các điểm đến mới nhằm hoàn thiện sản phẩm đường bay giữa hai quốc gia và giữ vị thế là hãng hàng không chủ lực kết nối Việt Nam và Australia.”
Vietnam Airlines đã và đang tăng cường hợp tác với các đối tác, bạn hàng tại Australia để phát triển sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ, qua đó không ngừng mang đến những lợi ích vượt trội cho hành khách. Đặc biệt, Hãng tiếp tục chú trọng phối hợp với các cơ quan ban ngành, công ty du lịch và các đối tác Australia để đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá điểm đến của hai quốc gia.
Trước đó, trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Australia, Vietnam Airlines và Trường Đại học Quốc tế RMIT đã tuyên bố hợp tác chiến lược, đồng thời trao Bản Thỏa thuận hợp tác chung về các chương trình đào tạo và nghiên cứu giải pháp liên quan đến lĩnh vực hàng không. Các nội dung hợp tác bao gồm nghiên cứu AI, dữ liệu, chuyển đổi số, kỹ thuật, an toàn hàng không, đào tạo nguồn nhân lực hàng không chất lượng cao, các chương trình trao đổi sinh viên, học bổng, tổ chức hội thảo chuyên đề…