Vietinbank đầu tư BĐS: Thiệt hại chưa dừng ở 200 tỷ đồng

Vietinbank đầu tư BĐS: Thiệt hại chưa dừng ở 200 tỷ đồng
TP - Vietinbank chi trên 800 tỷ đồng thuê lô đất tại khu đô thị Ciputra (Hà Nội) dự định liên doanh xây trụ sở, khách sạn, căn hộ... Gần hai năm qua, dự án nằm đắp chiếu khiến Vietinbank thiệt hại gần 200 tỷ đồng (tính riêng lãi suất NH).

Ngày 19-1-2008, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), ông Phạm Huy Hùng ký văn bản số 016 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) xin phép thành lập liên doanh xây dựng và khai thác công trình trụ sở chính của Vietinbank (gọi tắt là Vietinbank Tower).

Công trình dự kiến xây trên khu đất có ký hiệu TM 01 rộng gần 30.000 m2 tại khu đô thị Ciputra. Trong báo cáo này, Vietinbank đưa ra một viễn cảnh: Tổ hợp công trình bao gồm 1 tòa tháp văn phòng (dự kiến 50 tầng), một khách sạn cao cấp (20-25 tầng), và khu căn hộ cao cấp cho thuê với chiều cao tương tự. 5 tầng dưới cùng trên toàn bộ mặt bằng xây dựng là khu siêu thị, thương mại, nhà hàng cao cấp.

Vietinbank đưa ra phân tích: “...Nằm trong số các công trình đón chào 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại cửa ngõ phía tây Hà Nội, đây là quần thể kiến trúc hiện đại, ứng dụng nhiều công nghệ và khoa học kỹ thuật cao trong thiết kế, xây dựng và quản lý”.

Vietinbank cũng thừa nhận trong văn bản này: Chưa sử dụng hết các diện tích mặt bằng cũng như đảm bảo tính kinh tế trong quản lý và khai thác..., vì thế Vietinbank cần liên doanh với một đối tác nước ngoài chuyên nghiệp. Đó là Tập đoàn Xây dựng và đầu tư Premium Aset Pte (PAP) của Singapore.

Đưa ra nhiều lý do kể trên, Vietinbank đề nghị Thống đốc NHNNVN chấp thuận chủ trương cho Vietinbank liên doanh với PAP để triển khai dự án; Vietinbank cam kết chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng, quản lý khai thác dự án đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật; trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị sẽ báo cáo thường xuyên lên NHNNVN...

Thay đổi vốn góp

Ngày  24-1-2008, Vietinbank có tiếp văn bản số 028 gửi Thống đốc NHNNVN “Xin bổ sung thông tin, tới việc thành lập liên doanh...”.

Phần thông tin này gồm: Dự kiến tỷ lệ góp vốn của Vietinbank tại liên doanh là 50%, tỷ lệ góp vốn của PAP là 50%. Báo cáo này đã mâu thuẫn với biên bản ghi nhớ ngày 7-2-2007 giữa Vietinbank và PAP.

Theo bản ghi nhớ, Vietinbank góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất, chi phí hạ tầng, xây dựng hệ thống điện, nước đến chân công trình và được tính bằng 28% tổng vốn góp trong liên doanh.

Phía PAP góp 72% còn lại gồm chi phí tư vấn, xây dựng, quản lý, giám sát dự án. Đáng ngạc nhiên là thời điểm đó, ông Phạm Huy Hùng đang giữ chức Tổng Giám đốc Vietinbank nhưng tự nhận thêm chức Chủ tịch HĐQT để ký biên bản ghi nhớ với đối tác PAP.

Thay đổi giá thuê đất

Vậy khu đất TM 01 được Vietinbank thuê thế nào? Ngày 1-5-2007, ông Hùng gửi thư đề nghị đối tác về giá thuê dài hạn khu đất của Ciputra là 500 USD/m2, vì cho rằng mức giá này là hợp lý trong điều kiện thị trường hiện tại.

Thế nhưng, ngày 31-10-2007, Vietinbank lại chuyển sang ký thỏa thuận với Cty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) về việc thuê lô đất TM 01 thời hạn dưới 50 năm với mức giá 1.800 USD /m2.

Và phải 2 tháng sau, ngày 10-12-2007, kế toán trưởng của Vietinbank mới có tờ trình gửi lãnh đạo phê duyệt chủ trương thuê đất và đề nghị giao cho các phòng ban chức năng nghiên cứu về mặt pháp lý để làm cơ sở thương thảo giá chuyển nhượng.

Nhằm hợp thức hoá một việc đã rồi, ngày 29-1-2008, Vietinbank tổ chức hội nghị liên tịch phê duyệt chủ trương thông qua triển khai ký hợp đồng mua lại quyền sử dụng lô đất TM 01 của Ciputra (trong khi hợp đồng thỏa thuận đã được ký trước đó ba tháng).

Ngày 2-2-2008, hợp đồng thuê đất giữa Vietinbank và Ciputra chính thức được ký kết, sau đó Vietinbank thanh toán toàn bộ hơn 800 tỷ đồng cho Ciputra.

Tiền trao, đất đã nhận, nhưng dự án Vietinbank Tower thì vẫn mịt mù, Vietinbank lại quyết định hạch toán toàn bộ số tiền thuê đất vào chi phí kinh doanh của Vietinbank năm 2008 mà không phải là chia đều cho 38 năm thuê đất.

Đây là việc làm  không đúng quy định, vì số tiền này được Vietinbank hạch toán vào khoản dùng để liên doanh với đối tác nước ngoài.

Nhưng, hai năm qua, lô đất gần 30.000 m2 dự kiến xây dựng tổ hợp Vietinbank Tower vẫn chỉ là bãi đất hoang. Trên 800 tỷ đồng găm vào đất đã làm cho Vietinbank thiệt hại gần 200 tỷ đồng (theo lãi suất ngân hàng), và một khi dự án chưa triển khai được thì con số này vẫn chưa dừng lại. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này?

Đề nghị làm rõ tính hợp pháp của dự án

Trong báo cáo kiểm toán tài chính của Vietinbank, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị NHNNVN kiểm tra làm rõ tính hợp lệ, hợp pháp, hiệu quả dự án thuê đất góp vốn liên doanh xây dựng trụ sở chính Vietinbank tại Ciputra; giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự án này theo quy định của Nhà nước.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).